Đại biểu Quốc hội: Sửa Luật Điện lực liệu có chống được độc quyền?

Ngày 29/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Về nguyên tắc chỉ độc quyền các lưới điện cao áp, siêu cao áp

Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế, đặt câu hỏi: "Sửa đổi luật lần này có chống được độc quyền như hiện nay hay không?".

Ông Minh dẫn ví dụ về lĩnh vực viễn thông đã làm rất xuất sắc về vấn đề này. Minh chứng là cách đây mấy chục năm, gọi một cuộc điện thoại mất mấy nghìn đồng, tháng lương dùng để gọi điện thoại cũng hết; còn hiện giờ dùng rất thoải mái, rất tốt.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế.

Từ đó, đại biểu đặt câu hỏi dự án luật sửa đổi lần này có giải quyết được vấn đề không, Nhà nước sẽ độc quyền đến đâu, giao lại cho các ngành kinh tế khác như thế nào? Đến khi nào hết độc quyền, người dân tham gia vào thị trường nhiều hơn và mọi thứ phải minh bạch.

Giải đáp ý kiến của đại biểu, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho biết, hiện điều 5 dự thảo đã quy định rõ độc quyền nhà nước gồm những gì, trong đó chủ yếu là độc quyền điều độ hệ thống điện. Còn đầu tư, chỉ độc quyền Nhà nước với các dự án đa mục tiêu, công trình quan trọng, đảm bảo tính vận hành ổn định của hệ thống.

Các lưới điện truyền tải cao áp, về nguyên tắc chỉ độc quyền các lưới điện cao áp, siêu cao áp (trên 220 kV trở lên), còn các đường dây mang tính liên kết sẽ thực hiện xã hội hóa.

Nguồn điện EVN chỉ còn 38% tổng công suất điện quốc gia

Ông Trương Thanh Hoài thông tin thêm, năm 2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua sửa điều 4 Luật Điện lực, về xã hội hóa trong đầu tư truyền tải. Việc phát triển năng lượng, hiện nhu cầu năng lượng rất cao và sẽ thiết kế thị trường minh bạch.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài.

Để đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, một số lĩnh vực xương sống sẽ phải độc quyền Nhà nước, còn các lĩnh vực khác sẽ xã hội hóa.

"Thực tế, nguồn điện EVN chỉ còn 38% trong tổng công suất hệ thống điện quốc gia. Đang từng bước hình thành các thị trường điện cạnh tranh để đảm bảo công khai, minh bạch", ông Hoài nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công thương, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia từ EVN về Bộ Công thương. Do đó, EVN và các tập đoàn tham gia thị trường điện như một chủ thể thông thường.

"Giảm độc quyền tối đa nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng theo định hướng", ông Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.

Liên quan thị trường điện cạnh tranh, Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường thấy rằng, quá trình tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường điện cạnh tranh rất chậm so với tiến độ đã được quy định.

Do vậy, cơ quan giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ, bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc liên quan đến lộ trình phát triển thị trường điện; kế hoạch tái cơ cấu ngành điện; kế hoạch cải cách giá bán lẻ điện và tuân thủ chỉ đạo tại Nghị quyết 55-NQ/TW.

Cơ quan này cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định; quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện như: Xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, thực hiện giá điện hai thành phần, giá điện cho khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, giá điện nhập khẩu, xuất khẩu... để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện.

Đồng thời, cần quy định rõ tiêu chí giá bán lẻ điện; trách nhiệm của từng cơ quan quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực giá điện.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-sua-luat-dien-luc-lieu-co-chong-duoc-doc-quyen-192240829141421044.htm