Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chất vấn về một số bất cập trong lĩnh vực báo chí

Nhiều đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông về thực trạng báo chí trong thời đại số.

Sáng 12/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn về lĩnh vực y tế, thông tin và truyền thông.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo chỉ chiếm 12,82%

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các quy trình nghiệp vụ báo chí chỉ chiếm 12,82%

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các quy trình nghiệp vụ báo chí chỉ chiếm 12,82%

Chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết sau gần 5 năm thực hiện quy hoạch báo chí và 2 năm thực hiện chiến lược chuyển đổi số báo chí, hiện hoạt động báo chí vẫn còn nhiều bất cập về nguồn nhân lực và tài chính. Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí đạt ở mức thấp (63%), ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các quy trình nghiệp vụ chỉ chiếm 12,82%.

Để báo chí phát triển bền vững, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đã đề nghị Bộ trưởng làm rõ thực trạng, nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thời gian tới phải đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số các cơ quan báo chí. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia về báo chí.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành một chương trình để thực hiện chiến lược này, trong có điểm quan trọng là đưa ra tiêu chí đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành của các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số. Bộ cũng đã thành lập trung tâm hỗ trợ, ban hành cẩm nang, xây dựng chương trình tập huấn cho các tổng biên tập về chuyển đổi số nhằm tạo chuyển biến.

Nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành báo chí

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Bộ trưởng chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học chuyên ngành báo chí

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Bộ trưởng chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học chuyên ngành báo chí

Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga chỉ ra giải pháp về nhân lực mà báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập hiện mới chỉ tập trung vào việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ pháp luật, đạo đức nhà báo.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết có cần có thêm giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học chuyên ngành báo chí hay không? Và nếu điều này là cần thiết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho Chính phủ những giải pháp cụ thể nào?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga về nâng cao chất lượng đào tạo đại học cho các phóng viên chuyên ngành báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chương trình đào tạo đại học cho phóng viên đã có từ lâu, chưa được điều chỉnh và chưa phù hợp với thời đại công nghệ số.

Bộ trưởng cho biết chương trình đào tạo này cần phải được cập nhật khung chương trình, nâng cao đào tạo công nghệ số, đồng thời tăng tỉ lệ đào tạo chuyên môn, tăng cường mời các nhà báo kinh nghiệm giảng dạy. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khung chương trình này và dự kiến sẽ ban hành trong năm nay.

Cuối giờ phiên chất vấn buổi sáng đối với Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội hiện nay đã tạo ra sức ép vô cùng lớn đối với các cơ quan báo chí. Lực lượng làm báo chí chưa thích ứng kịp thời với môi trường truyền thông số.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết Bộ trưởng nhìn nhận ra sao về vấn đề này và cần những yêu cầu gì đối với đội ngũ người làm báo để nâng cao chất lượng báo chí trong bối cảnh thời đại số hiện nay?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu rõ công cụ cơ bản của phóng viên hiện nay là công nghệ số, kĩ năng số, tư duy số, văn hóa số. Do đó, phóng viên phải tự trau dồi vì môi trường số thay đổi rất nhanh.

PHONG TUYẾT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-hai-duong-chat-van-ve-mot-so-bat-cap-trong-linh-vuc-bao-chi-397876.html