Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tham gia thảo luận các dự án luật
Hôm nay 12/2, Quốc hội thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tham gia thảo luận đối với dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
![Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: T.S](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_450_51460942/77c58adcbd9254cc0d83.jpg)
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: T.S
Đại biểu cho rằng, một trong những điểm thay đổi lớn của dự thảo luật đó là linh hoạt quá trình soạn thảo, rút ngắn thời gian để có thể đẩy nhanh tiến độ ra quyết sách và việc “chuyển vai” cho Chính phủ.
Theo đó, Quốc hội sẽ quyết định thông qua hoặc không thông qua đối với các dự án luật, trong khi các nội dung chi tiết sẽ do Chính phủ quy định. Điều này có thể đẩy nhanh tốc độ ra quyết định nhưng cũng dẫn đến tình trạng thụ động của người dân và doanh nghiệp.
Theo đại biểu, các ĐBQH thường lắng nghe ý kiến dư luận nhiều hơn so với các bộ, ngành, do đó việc “chuyển vai” cho Chính phủ đồng nghĩa với việc tiếng nói của dư luận qua các kênh báo chí, mạng xã hội sẽ gặp một số hạn chế.
Ngoài ra, một trong những vấn đề quan trọng được đại biểu quan tâm là hiện nay, có nhiều cơ sở đăng tải dự thảo trên các trang web riêng biệt, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc theo dõi.
Theo đại biểu, việc xuất bản cần có một cổng thông tin chung để đăng tải tất cả các phiên bản của dự thảo, đồng thời đảm bảo các tài liệu liên quan như trình bày và báo cáo giải trình cũng được công khai cho Nhân dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin.
Một vấn đề khác cũng được đại biểu Hà Sỹ Đồng đề cập trong phiên thảo luận là việc sử dụng thủ tục rút gọn khi ban hành văn bản luật. Năm 2025, Chính phủ dự kiến ban hành 130 văn bản, trong đó có tới 69 văn bản áp dụng thủ tục rút gọn. Thủ tục này giúp đưa ra nhanh việc quyết định, nhưng lại hạn chế thời gian tham vấn ý kiến. Dù áp dụng thủ tục rút gọn, nhưng vẫn cần phải đảm bảo tính công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử để các cơ quan thông tin đại chúng, báo chí và người dân có thể xem xét lại.
![Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: T.S](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_450_51460942/c146c85fff11164f4f00.jpg)
Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: T.S
Tham gia tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị tham gia ý kiến về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Trong đó, tại khoản 1, Điều 1 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi, bổ sung Điều 5) có đề cập "Quốc hội ban hành luật để quy định các nội dung sau đây: a, b, c ...l”. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc quy định chi tiết các nội dung sẽ dẫn đến khó có thể bao quát được đầy đủ các chế định, lĩnh vực mà Hiến pháp 2013 đã quy định.
Đại biểu nêu rõ, theo Hiến pháp 2013 quy định quyền hạn “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp”. Hiến pháp 2013 có 10 chế định, lĩnh vực phải được Quốc hội thể chế bằng luật. Do đó, đại biểu đã đề nghị Ban soạn thảo liệt kê thẩm quyền bằng luật để thực hiện các quy định của Hiến pháp hoặc liệt kê đủ cả 10 chế định, lĩnh vực trong Hiến pháp, xem xét không liệt kê các quy định tại Điểm 1, khoản 1 của dự thảo.
Liên quan đến quy định tại khoản 3, Điều 1 của dự thảo về sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 30 của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh lại theo hướng căn cứ vào năng lực chuyên môn, yêu cầu công tác và khả năng tham gia hoạt động của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, ĐBQH có thể đăng ký tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc một ủy ban của Quốc hội.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động đoàn ĐBQH tỉnh và nhấn mạnh: Ban soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu quy định cụ thể trong luật về kinh phí hoạt động của đoàn ĐBQH địa phương từ hai nguồn trung ương và địa phương để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Đối với dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đại biểu Hoàng Đức Thắng khẳng định: Việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn và những thay đổi trong hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang nỗ lực đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, việc sửa đổi luật không chỉ đơn thuần là một nhiệm vụ mang tính kỹ thuật lập pháp mà còn là một bước đi chiến lược để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Đại biểu đề nghị bổ sung từ “nước” trước cụm từ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tại các điều khoản: khoản 2 Điều 5; khoản 1 Điều 28; khoản 1 Điều 29; điểm d khoản 4 Điều 31; điểm c khoản 4 Điều 34; điểm đ khoản 4 Điều 37; điểm d khoản 1 Điều 50; khoản 1 Điều 54; khoản 5 Điều 58.
Nghiên cứu bổ sung thêm nguyên tắc bảo đảm tính ổn định khi xây dựng và ban hành luật tại Điều 5 của dự thảo như: “Bảo đảm tính ổn định, tránh sửa đổi thường xuyên, trừ khi có sự thay đổi lớn về chính sách hoặc thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp bách”; bổ sung nội dung mọi công dân Việt Nam được quyền được quyền tham gia góp ý kiến về chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tại khoản 3, Điều 6 của dự thảo.