Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ về dự thảo luật liên quan lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và đấu giá tài sản

Chiều 8/11, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ thảo luận số 13 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk về 2 dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp có 7 chương và 73 điều, nội dung của Dự thảo Luật đã thể hiện khá rõ 5 nhóm chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua trong quá trình đề xuất điều chỉnh bổ sung đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 3 nhóm chính sách tại đề nghị xây dựng dự án Luật đã được thông qua (về đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; về trình tự, thủ tục đấu giá; về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động đấu giá). Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; bổ sung 1 Điều mới.

Trong chương trình thảo luận tại tổ, cơ bản các ĐBQH nhất trí với các nội dung nêu trong 2 dự thảo luật và thảo luận thêm một số nội dung đóng góp vào 2 dự thảo luật này.

Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn có hai đại biểu gồm: Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh và Phạm Trọng Nghĩa, ĐBQH tỉnh tham gia phát biểu ý kiến vào cả 2 dự thảo luật.

Cụ thể, phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, hai đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa dự thảo Luật Đấu giá tài sản với các luật liên quan khác. Đối với phạm vi điều chỉnh, các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung các quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án trong dự thảo Luật để bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu giá tài sản thi hành án, từ đó góp phần nâng cao tính nghiêm minh của các bản án, quyết định của tòa án.

Về đấu giá trực tuyến, đấu giá công khai, hai đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chế định về đấu giá trực tuyến, đấu giá công khai là rất tích cực, có ý nghĩa quan trọng, xét cả ở yêu cầu quản lý nhà nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể có liên quan trong hoạt động đấu giá, góp phần ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, hạn chế trong hoạt động đấu giá. Điều 40 Luật hiện hành có liệt kê 4 hình thức đấu giá nhưng chưa quy định chi tiết về nguyên tắc, trình tự, thủ tục của hình thức đấu giá trực tuyến. Do đó, các đại biểu đề nghị bổ sung 1 điều về hình thức đấu giá trực tuyến để quy định chi tiết hơn về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá thông qua hình thức trực tuyến (bao gồm cả việc sử dụng và chi phí sử dụng hệ thống đấu giá trực tuyến của Cổng đấu giá tài sản quốc gia).

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung rõ hơn quyền, nghĩa vụ của chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản; bổ sung thêm quy định trả khoản tiền đặt trước và tiền lãi cho người tham gia đấu giá; chỉ nên quy định 1 bước giá cụ thể, chênh lệch tối thiểu giữa lần trả giá nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong đấu giá; quy định về bảo vệ quyền lợi cho người đấu giá khi tạm dừng đấu giá…

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát nội dung của Dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lặp với các luật hiện hành. Đồng thời, đề nghị bổ sung một điều quy định về chính sách của Nhà nước đối với xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp.

Đối với quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 25), đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa các quy định tại Điều 25 Dự thảo Luật theo hướng tăng cường thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, cần bổ sung quy định ưu tiên, ưu đãi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh nhằm huy động nguồn lực xã hội to lớn vào lĩnh vực hết sức quan trọng này. Nhất là đối với lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt. Cùng với đó, cần nghiên cứu, làm rõ cơ chế việc bảo vệ bí mật trong quá trình thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp quốc phòng – an ninh tham gia phát triển kinh tế – xã hội.

Theo chương trình, ngày 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; xem xét và biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; thảo luận ở Tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

THANH HUYỀN -VP.ĐOÀN ĐBQH&HĐND

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/622813-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-thao-luan-tai-to-ve-du-thao-luat-lien-quan-linh-vuc-cong-nghiep-quoc-phong-va-dau-gia-tai-san.html