Đại biểu Sùng A Lềnh: Cần đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Di sản văn hóa và các luật khác

Sáng 26/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV làm việc tại Hội trường Diên Hồng với phần biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã có tham luận góp ý xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

 Quang phiên họp sáng 26/6/2024.

Quang phiên họp sáng 26/6/2024.

Theo đại biểu Sùng A Lềnh, cần đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Di sản văn hóa và Luật Ngân sách nhà nước. Đại biểu dẫn chứng khoản 1, Điều 90 của dự thảo Luật Di sản văn hóa quy định: “Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ…”.

Tiếp đó khoản 3 và khoản 5, Điều 90 của dự thảo Luật Di sản văn hóa nêu: “Quỹ bảo tồn di sản văn hóa có tư cách pháp nhân; có con dấu riêng. Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập”.

 Nội dung Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội bàn thảo kỹ lưỡng vào sáng 26/6.

Nội dung Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội bàn thảo kỹ lưỡng vào sáng 26/6.

Trong khi đó, Luật Ngân sách nhà nước (năm 2015) và Điều 12 Nghị định số 163/2016 về Hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước, không quy định về tư cách pháp nhân của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ trên cơ sở thực tiễn, tính pháp lý và mục tiêu của Quỹ bảo tồn di sản văn hóa để đảm bảo tính khả thi, thống nhất giữa các luật và quy định khác có liên quan.

 Đại biểu Sùng A Lềnh tham gia dự thảo Luật Di sản văn hóa, sáng 26/6 tại Hội trường Diên Hồng. Phiên họp được Truyền hình Quốc hội truyền hình trực tiếp.

Đại biểu Sùng A Lềnh tham gia dự thảo Luật Di sản văn hóa, sáng 26/6 tại Hội trường Diên Hồng. Phiên họp được Truyền hình Quốc hội truyền hình trực tiếp.

Tham gia nội dung về "Mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước”, đại biểu Sùng A Lềnh chỉ rõ dự thảo khoản 5, Điều 49 quy định: "Trường hợp di vật, cổ vật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, đề xuất phương án thu hồi, mua ở nước ngoài về nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án thu hồi hoặc dùng ngân sách nhà nước mua, đưa về Việt Nam và di vật, cổ vật được tổ chức, cá nhân mua, đưa về Việt Nam nhằm mục đích lưu giữ, trưng bày không vì mục đích lợi nhuận hoặc hiến tặng cho Nhà nước thì được hưởng chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế, phí liên quan khác”.

Trong khi đó, tại Điều 47, Hiến pháp thì vấn đề liên quan đến thuế phải quy định thành luật, hiện nay thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác đang được điều chỉnh trong các luật chuyên ngành. Điều 49 của dự thảo Luật nêu trên chưa quy định rõ ưu đãi thuế đối với việc dùng ngân sách nhà nước mua, đưa về Việt Nam và di vật, cổ vật được tổ chức, cá nhân mua, đưa về Việt Nam nhằm mục đích lưu giữ, trưng bày không vì mục đích lợi nhuận hoặc hiến tặng cho Nhà nước thì được hưởng ưu đãi thuế theo pháp luật nào? Cần có dẫn chiếu cụ thể để đảm bảo tính khả thi, trong trường hợp ưu đãi khác luật thuế thì cần sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan để tạo sự đồng bộ, thống nhất.

 Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp sáng 26/6.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp sáng 26/6.

Tiếp đó, đại biểu Sùng A Lềnh đã tham gia xây dựng Điều 93 của dự thảo Luật Di sản văn hóa "Về quản lý nhà nước về di sản văn hóa”, trong đó có quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng...

Theo Đại biểu Sùng A Lềnh, dự thảo Luật quy định thẩm quyền các bộ nêu trên là chưa phù hợp với khoản 2, Điều 39 Luật Tổ chức Chính phủ, trong đó có nội dung: "Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ”. Đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, điều chỉnh, bổ sung để phù hợp giữa 2 luật nói trên.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai còn chỉ rõ Điều 95 về “Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ” là chưa phù hợp với Chương VIII quy định về quản lý nhà nước.

Đại biểu cũng cho rằng việc quy định vào Luật về việc thành lập các tổ chức liên ngành cũng cần phải được rà soát để bảo đảm phù hợp với nội dung Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, Nghị quyết có nêu rõ: "Thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện; từng bước xóa bỏ cơ chế phối hợp liên ngành, gắn với việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu”.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dai-bieu-sung-a-lenh-lao-cai-can-dam-bao-su-thong-nhat-giua-luat-di-san-van-hoa-va-mot-so-luat-khac-post385866.html