Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Nên sớm có Luật về công nghiệp hỗ trợ trong nước

'Chúng ta phải tạo một cơ chế kết nối ngành công nghiệp trong nước cùng sự phát triển của khu vực FDI, khi đó mới hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững hơn,' ý kiến của đại biểu Quốc hội gửi gắm tới Bộ Công Thương sau phiên chất vấn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP HCM. Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP HCM. Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN.

Chia sẻ với báo chí sau phiên chất vấn trên Nghị trường ngày 6/6, nhiều Đại biểu Quốc hội kỳ vọng các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ thực hiện tốt lời hứa của mình trước cử tri và nhân dân và tạo chuyển biến trên thực tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, không khí chất vấn rất sôi nổi, có lúc Nghị trường rất nóng khi nhiều đại biểu đăng ký tranh luận.

Mặc dù đôi khi các vị Bộ trưởng, trưởng ngành bỏ sót một số câu hỏi hay chưa trả lời được hết những câu hỏi của các đại biểu, song cũng đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề trước Quốc hội. Về cơ bản, theo đại biểu Nga, phiên chất vấn và các giải pháp đưa ra trong phiên chất vấn đã thỏa mãn được mong đợi của cử tri và của đại biểu Quốc hội.

"Điều các đại biểu cũng như cử tri mong đợi sau mỗi phiên chất vấn là khi những vấn đề đã được mổ xẻ, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ thực hiện lời hứa của mình trước cử tri và nhân dân như thế nào và tạo chuyển biến ra sao trên thực tế," đại biểu Việt Nga nói với Mekong ASEAN bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: Kiều Chinh - Mekong ASEAN.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: Kiều Chinh - Mekong ASEAN.

Gửi gắm kỳ vọng tới Bộ Công Thương: Nên sớm có Luật về công nghiệp hỗ trợ trong nước

Dành nhiều quan tâm đến những vấn đề đặt trong phiên chất vấn lĩnh vực công thương, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP HCM chia sẻ thêm về những giải pháp có thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bền vững - điều mà đại biểu chưa có dịp trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại hội trường.

Từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng trên thị trường thế giới bị đứt gẫy, xung đột địa chính trị thế giới đã ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu gặp nhiều thách thức nhất định. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu giảm, nhưng những tháng đầu năm 2024 đã tăng trở lại.

Trong cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng hơn 70%. Tuy nhiên, khu vực nội địa cũng có cải thiện đáng kể, nhất là xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong những chia sẻ bên hành lang, vị đại biểu đoàn TP HCM nêu một vài đề xuất để doanh nghiệp Việt giữ vững lợi thế xuất khẩu:

Theo ông Ngân, trong bối cảnh xung đột địa chính trị diễn ra phức tạp, doanh nghiệp Việt phải chú ý tới thị trường cận biên như ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ.... Từ đó, mới có khả năng giảm tác động đứt gẫy chuỗi cung ứng có khả năng xảy ra.

Đặc biệt, "Chúng ta phải tạo một cơ chế để kết nối ngành công nghiệp trong nước cùng sự phát triển của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khi đó mới hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững hơn.

Cho nên, phải sớm có Luật về công nghiệp hỗ trợ trong nước để hỗ trợ sản xuất trong nước," đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.

Một điểm nữa cũng cần quan tâm, theo đại biểu đoàn TP HCM, đó là hiện nay biến đổi khí hậu khắc nghiệt, thời tiết cực đoan, thế giới hướng về phát triển xanh. Đối với những hàng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, tiêu chí xanh đặt ra rất lớn. Cho nên, các doanh nghiệp trong nước phải nhanh chóng thích ứng, chuyển đổi nhanh sang phát triển xanh, thích ứng chuyển đổi số.

"Doanh nghiệp số và doanh nghiệp xanh là hai xu hướng mà doanh nghiệp Việt Nam phải hướng tới. Như vậy, hàng hóa xuất khẩu của chúng ta mới có đơn đặt hàng bền vững, nếu không sẽ chạy sang thị trường lân cận," đại biểu nhận định.

Nhìn rộng hơn toàn bộ khu vực doanh nghiệp, theo đại biểu, trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp Việt Nam rút lui khỏi thị trường tăng lên. "Tôi cho rằng, ngành công thương, cơ quan quản lý Nhà nước nên có một nghiên cứu đánh giá xem nguyên nhân nào dẫn tình trạng trên để có giải pháp thích ứng hỗ trợ doanh nghiệp," ông Trần Hoàng Ngân nói.

Từ những phân tích, đại biểu Trần Hoàng Ngân kỳ vọng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng như Bộ Công Thương sẽ sớm đưa ra được những giải pháp để giải quyết những vấn đề trên.

Mong chờ những nghị quyết, giải pháp sau chất vấn

Nhận xét về phiên chất vấn, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đánh giá cao thành công của phiên chất vấn khi có nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành lần đầu tiên đăng đàn trả lời.

Phần trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành tuy là cũng có nội dung còn phải tranh luận, làm rõ nhưng cơ bản đã rất thẳng thắn, đi cùng những giải pháp cụ thể, ông Trịnh Xuân An nói.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Một điểm nữa, về trách nhiệm cao của các đại biểu đặt câu hỏi rất "trúng" và khơi gợi nhiều vấn đề, đại biểu đặt câu hỏi không chỉ để hỏi thông tin một cách thuần túy mà hướng về lắng nghe bài học, giải pháp cho thời gian tới.

Với phần trình bày của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng cho thấy sự chủ động, linh hoạt, cầu thị từ phía Chính phủ, ông An nói.

"Điều quan trọng trong chất vấn và trả lời chất vấn đó là những lời hứa, những cam kết phải đi vào thực tiễn. Chúng tôi mong chờ rằng trên cơ sở chất vấn sẽ đưa ra được nghị quyết, những cam kết của các tư lệnh ngành phải được đi vào thực tế một cách nhanh nhất, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong thực tiễn," đại biểu Trịnh Xuân An kỳ vọng.

Kiều Chinh - Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dai-bieu-tran-hoang-ngan-nen-som-co-luat-ve-cong-nghiep-ho-tro-trong-nuoc-post35429.html