Đại biểu trăn trở hàng loạt lãng phí vô hình làm nghèo đất nước
Lãng phí trách nhiệm, lãng phí thời cơ phát triển… là những lãng phí vô hình được ĐBQH chỉ ra và đánh giá đã góp phần khiến đất nước nghèo đi.
Những "chuyện thật như đùa"
Tại phiên họp ngày 31/10 kỳ họp thứ 4, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nhấn mạnh: Những thất thoát, lãng phí rất lớn, nghiêm trọng và làm mất đi cơ hội phát triển mà đoàn giám sát của Quốc hội nêu chỉ là phần nổi của "tảng băng".
Theo ông Hậu, đằng sau lãng phí hữu hình là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí những nguồn lực quốc gia, làm suy yếu bộ máy công quyền.
Đó là lãng phí trách nhiệm. Vị đại biểu dẫn chứng câu chuyện nhiều bệnh viện công xin thôi tự chủ, ách tắc đấu thầu thuốc, thiết bị trong bệnh viện… đang khiến bộ máy trì trệ, gây nhiều lãng phí.
Ở một góc độ nào đó, những người trong cuộc bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức đấu tranh, thiếu năng động…
"Tôi cho rằng phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm, chỉ có điều tinh thần trách nhiệm của họ không được phát huy, gây lãng phí khôn lường và không thể đo đếm", ông Hậu nói.
Nhắc tới vướng mắc liên quan việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên trong nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình cấp bách, ông Hậu cho biết rất nhiều địa phương đang đau đầu không biết sử dụng ngân sách thế nào cho hiệu quả mà không vi phạm quy định.
Thực tế, nhiều công trình cần thiết nên làm bằng kinh phí chi thường xuyên để tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí… nhưng theo quy định phải sử dụng nguồn đầu tư công với quy trình thủ tục nhiêu khê, tốn kém nhiều công sức, thời gian.
"Điều này dẫn đến tình trạng, khi dùng nguồn chi thường xuyên, họ biết làm như vậy là phù hợp, là hiệu quả nhưng nơm nớp lo bị kiểm điểm. Để hạn chế chuyện đó xảy ra, họ phải tốn không ít thời gian và trí tuệ chỉ để tìm cho ra một cái tên của dự án sao cho phù hợp quy định và tránh sự chú ý của cơ quan kiểm toán", đại biểu Hậu nói và cho biết không ai muốn làm "chuyện thật như đùa" này.
Lãng phí thời cơ cản trở đà tăng trưởng
Tại phiên họp, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, không nên coi việc giám sát là đơn thuần đối chiếu các loại định mức, tiêu chuẩn xem có phù hợp hay không, bởi có những lãng phí vô hình mà báo cáo không đề cập được, không đo đếm được.
Theo đại biểu, do cơ chế, chính sách chưa thực sự phù hợp, đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng đã làm vùng Đông Nam Bộ nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng, dù có điều kiện, cơ hội, dư địa phát triển, nhưng đang cạn dần nguồn lực, động lực để tăng trưởng.
"Việc lãng phí cơ hội này có cần được nhận diện, đánh giá hay không?", đại biểu Nhân nêu.
Theo ông Nhân, hiện nay, đất nước đang có nhiều ưu tiên để thực hiện, từ quy hoạch tổng thể quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh. Quan trọng là phải có nguồn lực tài chính để đảm bảo thực hiện các mục tiêu trên. Do đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện cởi các nút thắt, tạo nguồn lực tăng trưởng cho đất nước.
Bày tỏ sự đồng thuận một phần nào về những tồn tại, hạn chế trong quản lý sử dụng lao động, thời gian lao động, tuy nhiên, ông Nhân cho rằng việc đánh giá nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế, tiếp nhận, sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền, chưa lấy thực tế làm thước đo.
Vị đại biểu đoàn Bình Dương nêu ví dụ tại TP. HCM, sau 7 năm "đại phẫu" biên chế nhưng hiện vẫn dôi dư 5.700 người và là địa phương xếp thứ 4 sau Bình Dương, Tiền Giang và Nam Định về tỷ lệ người dân/cán bộ cao nhất nước.
Thế nhưng, chính 5.700 trường hợp dôi dư, chưa được công nhận nêu trên đã cùng hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp đóng góp gần 30% ngân sách quốc gia, hơn 20% GDP cả nước trong nhiều năm qua.
"Liệu chúng ta đã thực sự đồng cảm với những khó khăn của thành phố và các địa phương phát triển hay chưa? Rõ ràng với cơ chế chưa phù hợp thì TP. HCM hay các địa phương phát triển bị nêu trong báo cáo phải làm thế nào để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí? Phải chăng 63 chiếc áo đồng phục thể chế đã làm cho các địa phương đặc thù phải xin cơ chế để thay chiếc áo cũ đã bung rách, chật chội?", ông Nhân nói.
Tại Bình Dương, đại biểu Nhân cho biết địa phương đang rất cần nguồn lực tài chính để xây dựng các khung chiến lược mới, nâng cấp hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức lại không gian phát triển theo Nghị quyết 138 của Chính phủ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tìm nguồn lực tài chính ở đâu khi mà tỷ lệ điều tiết ngân sách được giữ từ 40% xuống 36% và nay chỉ còn 33%.
Ở góc nhìn khác, ông Nhân cho rằng nếu như cả nước hiện có gần 1.200km đường cao tốc thì vì sao Đông Nam Bộ - vùng kinh tế động lực quan trọng của quốc gia lại chỉ mới có 122km?
"Rõ ràng cơ chế chính sách chưa phù hợp, cộng với việc đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng đã làm cho vùng Đông Nam Bộ nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng dù nhiều điều kiện cơ hội tạo dư địa để tăng trưởng nhiều hơn nhưng đang cạn dần nguồn lực để tăng trưởng. Vậy, hình thức lãng phí cơ hội tăng trưởng này có cần được nhận diện hay không?", ông Nhân tiếp tục đặt câu hỏi.
Theo vị đại biểu này, nếu việc chậm ban hành các cơ chế chính sách được xem là sự lãng phí về cơ hội, thời cơ phát triển thì lãng phí này lớn hơn rất nhiều lần các con số có thể định lượng và thậm chí kéo lùi sự phát triển.
Ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương nhanh chóng thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ đã giao và thực hiện các kiến nghị của đoàn giám sát; đồng thời sớm xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
"Việc tháo bung các nguồn lực tăng trưởng cũng đồng nghĩa với việc không lãng phí thời cơ phát triển, thậm chí còn tiết kiệm được thời gian trên con đường đi đến thịnh vượng", đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.