Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) góp ý vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

Sáng 27/11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị tập trung vào việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực để người lao động tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề.

Đại biểu Trần Văn Tuấn đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận.

Đại biểu Trần Văn Tuấn đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận.

Theo đại biểu, thực tế cho thấy, số lượng, chất lượng lao động tác động rất lớn đến phát triển KT-XH, là yếu tố quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư của quốc gia và các địa phương. Kỹ năng nghề lại là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng lao động.

Người lao động được đào tạo, có kỹ năng sẽ dễ dàng hơn trong tìm kiếm việc làm, có việc làm bền vững. Vì vậy, việc hoàn thiện các quy định về phát triển kỹ năng nghề cho người lao động cần được đặc biệt quan tâm.

Tại khoản 1, Điều 43 của dự thảo Luật về hỗ trợ hoạt động phát triển kỹ năng nghề quy định: Nhà nước hỗ trợ thực hiện cả 8/8 nội dung phát triển kỹ năng nghề (được quy định tại khoản 2, Điều 34 của dự thảo Luật).

Đại biểu cho rằng phạm vi hỗ trợ như vậy vừa quá rộng, quá dàn trải, vừa không rõ đối tượng được hỗ trợ, nguồn lực và phương thức hỗ trợ. Nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ hoạt động phát triển kỹ năng nghề, dù từ ngân sách nhà nước, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hay nguồn khác thì cũng nên có trọng tâm, tập trung hỗ trợ người lao động là chính, đồng thời cần mở rộng đối tượng là người lao động được hỗ trợ.

Đại biểu Trần Văn Tuấn nêu, trong dự thảo Luật cũng đã có một số điều khoản về chính sách hỗ trợ hoạt động phát triển kỹ năng nghề với người lao động song còn có một số vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu.

Tại khoản 2, Điều 43 quy định: Nhà nước hỗ trợ 6 nhóm đối tượng tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gồm: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động là người khuyết tật; người lao động là người cao tuổi; người lao động là người dân tộc thiểu số; người lao động là thân nhân người có công với cách mạng; người lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện, sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng.

Ngoài ra, trong phạm vi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (quy định tại Điều 55), người lao động được hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề khi thuộc một trong những trường hợp sau: Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, hoặc người lao động không phải là người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định (tại Khoản 2, Điều 72). Nội dung hỗ trợ chủ yếu là hỗ trợ học phí và tiền ăn theo thời gian học thực tế.

Như vậy, các quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trong dự thảo Luật mới chủ yếu là hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng khó khăn. Đại biểu cho rằng đây là cách tiếp cận truyền thống, khó có thể tạo ra đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đại biểu đề nghị cần có cách tiếp cận mới, thiết kế chính sách hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng phát triển kỹ năng nghề theo hướng: Mở rộng về đối tượng được hỗ trợ; chính sách phải mang tính khuyến khích hơn nữa đối với tất cả người lao động, không chỉ hỗ trợ khắc phục khó khăn cho một số nhóm đối tượng mà phải tạo động lực cho người lao động nói chung nêu cao tinh thần học tập suốt đời, thường xuyên tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, không bằng lòng với bằng cấp, chứng chỉ đã có.

Từ những nhận định và đánh giá trên, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị: Cần nghiên cứu phương án quy định chính sách hỗ trợ hằng năm cho người lao động đã tham gia thị trường lao động, với điều kiện trong năm, người lao động có tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và được cấp bằng cấp, chứng chỉ theo quy định (bằng cấp, chứng chỉ là điều kiện quan trọng để thanh toán mức hỗ trợ). Đồng thời giao cho Chính phủ quy định mức hỗ trợ tối đa/người/năm, trong đó, những đối tượng quy định tại khoản 2, Điều 43 và khoản 2, Điều 72 sẽ được ưu tiên hơn.

Nếu thiết kế chính sách theo hướng trên thì phải tính toán kỹ về nguồn lực và cách thức sử dụng nguồn lực sao cho phù hợp, hiệu quả. Theo đại biểu, để giải quyết vấn đề này, qua tìm hiểu được biết, hiện có nhiều nước trên thế giới, trong đó ở khu vực Đông Nam Á có các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan… đều có Quỹ phát triển kỹ năng cho người lao động (quỹ này hình thành từ nguồn phân bổ của Chính phủ; sự đóng góp của doanh nghiệp; khoản tài trợ, quà tặng; lợi tức đầu tư từ nguồn vốn lấy từ Quỹ…), đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế, trên cơ sở đó đổi mới trong thiết kế chính sách quan trọng này.

Xuân Hà

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dai-bieu-tran-van-tuan-doan-bac-giang-gop-y-vao-du-an-luat-viec-lam-sua-doi-130021.bbg