Đức cần 288.000 lao động nước ngoài mỗi năm cho đến năm 2040

Mặc dù đã có những cải cách đối với luật lao động nhập cư, Đức vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động có tay nghề. Một nghiên cứu mới cho thấy tình trạng này phải được lấp đầy bởi những lao động nước ngoài.

Theo một nghiên cứu được Quỹ Bertelsmann ủy quyền, lực lượng lao động của Đức có thể giảm 10% vào năm 2040 nếu không có lượng nhập cư "đáng kể".

Nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu không có khoảng 288.000 lao động tay nghề cao nước ngoài nhập cư mỗi năm, quy mô lực lượng lao động của Đức sẽ giảm từ khoảng 46,4 triệu người hiện nay xuống còn 41,9 triệu vào năm 2040. Đến năm 2060, con số này có thể giảm còn 35,1 triệu người.

Bà Susanne Schultz, chuyên gia về di cư tại Bertelsmann, cho biết: "Thế hệ bùng nổ trẻ em dịch chuyển khỏi khỏi thị trường lao động đang đặt ra những thách thức lớn". Bà cho rằng tiềm năng lao động trong nước của Đức cần được phát triển và tăng cường, nhưng cũng nhấn mạnh rằng "sự thay đổi nhân khẩu học này đòi hỏi phải có nhập cư".

Một mô hình dự báo thứ hai, dựa trên dữ liệu bi quan hơn, cho thấy Đức có thể cần tới 368.000 lao động nhập cư mỗi năm cho đến năm 2040, sau đó giảm xuống còn 270.000 mỗi năm cho đến năm 2060.

 Đức đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động có tay nghề trong những thập kỷ tới. Ảnh: Rupert Oberhäuser

Đức đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động có tay nghề trong những thập kỷ tới. Ảnh: Rupert Oberhäuser

Liệu những cải cách về di cư lao động của Đức có đủ?

Bà Schultz cho rằng tình hình di cư lao động hiện nay đang tụt hậu so với nhu cầu, và để đáp ứng được, các rào cản cần phải được gỡ bỏ, đồng thời cần cải thiện điều kiện cho người nhập cư.

Vào năm 2023, Đức đã cải cách luật di cư lao động để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người lao động nước ngoài đủ điều kiện làm việc tại Đức. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cam kết đây là "luật di trú hiện đại nhất thế giới".

Tuy nhiên, Quỹ Bertelsmann cảnh báo rằng những lao động nước ngoài này sẽ không đến nếu "không có nền văn hóa chào đón hơn ở các doanh nghiệp và chính quyền địa phương", và nếu "không có triển vọng ở lại lâu dài".

"Tôi muốn bình đẳng nhưng sẽ không cầu xin"

Một ví dụ được hãng thông tấn DPA của Đức trích dẫn là câu chuyện của một người tị nạn Syria. Anh chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở quê hương vào năm 2016 khi mới 21 tuổi, và sau khi tốt nghiệp các trường đại học ở Đức với bằng cử nhân và thạc sĩ, anh đã trở thành chuyên gia CNTT tại Đức, nhưng giờ lại chuyển đến Thụy Sĩ.

Anh kể lại rằng, mặc dù đã nỗ lực hết mình để được coi trọng ngang bằng, anh vẫn bị từ chối và cảm thấy bị phân biệt đối xử, đặc biệt là trong các công việc bán thời gian trong lúc chờ đợi một việc làm chính thức. "Tôi muốn được đối xử bình đẳng. Nhưng tôi sẽ không cầu xin điều đó", anh nói.

Đối với bà Schultz, câu chuyện này "thật không may không phải là trường hợp bất thường". Bà nhấn mạnh rằng Đức không thể để tình trạng này tiếp diễn và cần phải trở nên hấp dẫn hơn đối với lao động nước ngoài.

Tác động của việc suy giảm lực lượng lao động

Theo nghiên cứu, sự suy giảm lực lượng lao động và nhu cầu nhập cư lớn hơn để lấp đầy khoảng trống sẽ ảnh hưởng khác nhau đến các khu vực của Đức.

Các bang đông dân như Bắc Rhine-Westphalia sẽ chịu mức suy giảm trung bình khoảng 10%, trong khi các bang ít dân hơn như Thuringia, Saxony-Anhalt ở Đông Đức cũ, và Saarland ở biên giới với Pháp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Ngay cả những vùng phía nam giàu có như Bavaria và Baden-Württemberg cũng sẽ không thể hoàn toàn tránh khỏi tác động tiêu cực. Trong khi đó, các thành phố lớn như Hamburg và Berlin, vốn đã hưởng lợi từ lượng người nhập cư cao, sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.

Ngọc Ánh (theo DPA, AFP, DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/duc-can-288000-lao-dong-nuoc-ngoai-moi-nam-cho-den-nam-2040-post323136.html