Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang thảo luận tại hội trường về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)
BHG - Sáng 12.5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Đại biểu Tráng A Dương phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: CTV
Tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang cho biết: Tại Khoản 2 Điều 9 của dự thảo Luật quy định không ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp đối với “khoản chi không đáp ứng điều kiện chi, nội dung chi theo quy định của pháp luật chuyên ngành” là chưa phù hợp, chưa khả thi và tạo áp lực lớn cho cán bộ thuế và người nộp thuế. Đại biểu đề xuất bỏ quy định này, bởi theo dự thảo Luật đang quy định thì cán bộ thuế thực hiện thanh kiểm tra thuế phải rà soát toàn bộ quy định pháp luật chuyên ngành khác với mỗi khoản chi phí phát sinh, phạm vi và số lượng lớn, đôi khi không đúng chuyên môn, do đó không khả thi, kéo dài thời gian thanh kiểm tra do phải lấy xác nhận từ các cơ quan chuyên ngành, những khoản không có xác nhận thì cán bộ thuế phải tự đánh giá dẫn đến rủi ro áp dụng sai hoặc bị thận trọng loại trừ, thiệt hại lớn cho người nộp thuế. Vì vậy người nộp thuế cũng giảm hiệu quả công việc và tăng chi phí do phải giải trình từng khoản chi nhiều lần với cả cơ quan chuyên ngành và cơ quan thuế.
Ngoài ra, các vi phạm chủ yếu hiện nay là sai sót do khâu vận hành và sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật chuyên ngành, do đó không liên đới đến chi phí thuế để tránh phát sinh thuế chồng thuế. Mặt khác, các trường hợp cố tình vi phạm chỉ là thiểu số và không nên để các thiểu số này ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra sẽ chuyển các khoản có nghi ngờ vi phạm sang cơ quan chuyên ngành và vẫn tiếp tục cho ghi nhận chi phí thuế.
Theo đại biểu, tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4.5.2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã khẳng định nghiêm cấm các hành vi thanh tra, kiểm tra gây nhũng nhiễu, trùng lặp, kéo dài thời gian không cần thiết. Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc mỗi một năm, một doanh nghiệp chỉ kiểm tra, thanh tra một lần, trừ những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng hoặc có bằng chứng cụ thể.
Góp ý vào Điều 10 của dự thảo luật “Về thuế suất”, đại biểu Tráng A Dương cho biết, tại điểm d khoản 3 Điều 18 dự thảo Luật quy định: “Thuế suất 15% và 17% quy định tại khoản 2 Điều 10 và quy định về ưu đãi thuế tại các Điều 4, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Luật này không áp dụng đối với: d) Thuế suất 15% và 17% quy định tại khoản 2 và 3 Điều 10 của Luật này không áp dụng đối với doanh nghiệp là công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp đáp ứng điều kiện áp dụng thuế suất quy định tại khoản 2 và 3 Điều 10 Luật này”.
Theo đại biểu, quy định này là chưa phù hợp vì sẽ tạo ra bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh một ngành nghề. Dù doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết thì các doanh nghiệp này vẫn là các pháp nhân độc lập, tự chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh và phải tuân thủ đầy đủ hệ thống quy định pháp luật Việt Nam. Các giao dịch với bên có quan hệ liên kết cũng phải thực hiện theo nguyên tắc giá thị trường theo quy định thuế về giao dịch liên kết. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi mở rộng các lĩnh vực kinh doanh mới đều phải chịu mức độ rủi ro và các áp lực cạnh tranh như nhau, do đó, đại biểu đề nghị để bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp, cần áp dụng thuế suất tương tự nhau.