Bảo đảm nghĩa vụ công bố thông tin hoạt động doanh nghiệp

Lưu ý hiện nay việc công bố thông tin về hoạt động của doanh nghiệp chưa được thực hiện đồng bộ, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung biện pháp bảo đảm việc thi hành nghĩa vụ công bố thông tin hoạt động doanh nghiệp như nêu tên, xử phạt hành chính đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc về công bố thông tin.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Sáng 13/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cắt giảm khoảng 30% thủ tục hành chính

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; người đại diện phần vốn nhà nước; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp. Cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục hành chính; khoảng 50% số thủ tục trình lên Thủ tướng Chính phủ được cắt giảm hoặc phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp.

Dự thảo Luật đã được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm có 8 Chương, 59 Điều, giảm 3 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Hồ Long

Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm đúng tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 12-NQ/TW, chỉ tập trung đầu tư vốn vào một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực then chốt, thiết yếu hoặc lĩnh vực mà các doanh nghiệp khác không đầu tư.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, quy định phạm vi đầu tư vốn của Nhà nước vào doanh nghiệp là những lĩnh vực mà nhà nước cần đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp và đầu tư bổ sung vốn nhà nước, gồm: doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động tại những địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; doanh nghiệp thuộc lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế.

Bảo vệ tài sản của bên mua khi tham gia mua vốn của nhà nước tại doanh nghiệp

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đồng tình với chỉ đạo, rà soát, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phạm vi đầu tư vốn của Nhà nước vào doanh nghiệp là những lĩnh vực mà Nhà nước cần đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp và đầu tư bổ sung vốn Nhà nước.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu đề nghị xem xét, phân định rõ các điều kiện đầu tư vốn vào doanh nghiệp để tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện, như thế nào là ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn? Các doanh nghiệp hàng năm phải đầu tư số tiền lớn so với quy mô vốn có phải là đầu tư lớn không?

Đại biểu cho biết hiện nay, doanh nghiệp nhà nước trong quá trình báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để tăng vốn điều lệ phải giải trình bổ sung để bảo đảm tuân thủ đầy đủ các nội dung quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 10 Luật 69/2014/QH13 Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quy định phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp bao gồm cả: ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh.

Do vậy, để tránh gây nhầm lẫn rằng, doanh nghiệp chỉ được tăng vốn khi bảo đảm đầy đủ các phạm vi như điểm d, khoản 1, Điều 12, nâng cao tính minh bạch và khả thi trong thực hiện, đề nghị xem xét tách điểm d, khoản này thành 2 điểm riêng biệt: “Doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, ứng dụng công nghệ cao”; “doanh nghiệp đầu tư đầu tư lớn, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế”.

Điểm b, khoản 3, Điều 20, dự thảo Luật đang quy định về phương thức chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp. Với quy định này các doanh nghiệp chỉ được thực hiện chuyển nhượng các cổ phần đang nắm giữ trên sàn chứng khoán thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trên sàn.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, Luật số 69/2014/QH13 và các Nghị định của Chính phủ quy định: các doanh nghiệp khi chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán nhưng không thực hiện trên sàn giao dịch chứng khoán thì thực hiện theo thứ tự phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận (thực hiện giao dịch ngoài sàn).

Do vậy, để tránh vướng mắc và tiếp tục kế thừa các nội dung đang triển khai theo quy định hiện hành, đại biểu đề nghị bổ sung “điều khoản quét” tại điểm b khoản 3: "… hoặc các phương thức khác theo quy định của Chính phủ”.

Nêu rõ Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đã có quy định về công bố thông tin hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên, các ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang)... cho biết, việc công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ.

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) phát biểu. Ảnh Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) phát biểu. Ảnh Hồ Long

Có doanh nghiệp tuân thủ tốt việc công bố thông tin hoạt động, nhưng cũng có doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc, như không công bố hoặc công bố rất chậm. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả giám sát của xã hội đối với các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân.

ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định về biện pháp bảo đảm việc thi hành nghĩa vụ công bố thông tin hoạt động doanh nghiệp. Cân nhắc một số cơ chế như nêu tên, xử phạt hành chính đối với các trường hợp doanh nghiệp nhà nước thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc về công bố thông tin.

Về chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần vốn nhà nước, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một điều quy định cụ thể về bảo vệ tài sản của bên mua khi tham gia mua vốn của nhà nước tại doanh nghiệp trong trường hợp bên mua trung thực, tình ngay, không biết hoặc không có nghĩa vụ phải biết trước những sai phạm của bên bán; trong quá trình giao dịch quyền tài sản của bên mua đối với phần vốn đã được mua xem như được pháp luật bảo vệ.

Trong các trường hợp đấu giá công khai, minh bạch đúng trình tự thủ tục, không có gian lận, có nhiều người tham gia đấu giá độc lập, thì kết quả đấu giá phải được pháp luật bảo vệ.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác của người đại diện phần vốn nhà nước, Điều 41 của dự thảo Luật quy định: “Người đại diện phần vốn nhà nước không làm việc trực tiếp tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên được hưởng tiền lương, tiền thưởng và các quyền lợi khác do cơ quan đại diện chủ sở hữu chi trả; thù lao (nếu có) do doanh nghiệp chi trả”. ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) bày tỏ lo ngại quy định với quy định này tại dự thảo Luật sẽ không bảo đảm đúng tiêu chuẩn liêm chính của thế giới.

Theo đó, quy định như dự thảo Luật sẽ thừa nhận những người đại diện vốn nhà nước không làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp vẫn hưởng thù lao do doanh nghiệp chi trả, không đúng với tiêu chuẩn liêm chính chung. “Nếu doanh nghiệp kinh doanh có lãi, mà người đại diện vốn nhà nước tư vấn, có đóng góp nhất định, thì doanh nghiệp sẽ có ứng xử phù hợp trong khuôn khổ pháp luật cho phép”, đại biểu nêu rõ.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tham gia về tên gọi; phạm vi điều chỉnh; đồng thời khẳng định vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong mối quan hệ với doanh nghiệp tư nhân trong điều kiện hiện nay; đối tượng áp dụng; phân biệt hoạt động đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phân phối lợi nhuận sau thuế…

Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-nghia-vu-cong-bo-thong-tin-hoat-dong-doanh-nghiep-10372258.html