Đại dịch không làm nản lòng các nhà đầu tư Nhật Bản

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng Jetro tại Việt Nam cho biết, các DN Nhật Bản vẫn muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sau các quy định về xuất nhập cảnh được nới lỏng, dịch bệnh Covid-19 được khống chế.

Tại Hội nghị trực tuyến Kết nối đầu tư Việt Nam - Nhật Bản do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 9/9, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thời gian qua, Nhật Bản luôn là một trong những quốc gia đầu tư lớn vào Việt Nam về cả số lượng dự án và tổng vốn đầu tư. Làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam không ngừng tăng cả về số lượng doanh nghiệp và vốn đầu tư.

Hội nghị Kết nối đầu tư Việt Nam - Nhật Bản.

Hội nghị Kết nối đầu tư Việt Nam - Nhật Bản.

Cụ thể, năm 2018, Nhật Bản dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2019, hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.

Tính lũy kế tình hình thu hút FDI đến cuối năm 2019, Nhật Bản đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 59,3 tỷ USD, chiếm 16,7%. Điều này cho thấy Nhật Bản vẫn luôn là đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam sau 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư mở rộng kinh doanh sản xuất. Không chỉ có các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mà hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản cũng tăng cường xúc tiến đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư ra các địa phương khác thay vì chỉ tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như trước.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu đã khiến thương mại hàng hóa thế giới gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ từ vòng xoáy tác động này. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cảnh báo cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 trên khắp toàn cầu có nguy cơ khiến thương mại quốc tế trong năm 2020 sụt giảm ở mức kỷ lục. Tác động của cuộc khủng hoảng lần này có thể sẽ vượt xa so với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Trong bối cảnh này, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản ngày càng được chú trọng, việc tăng cường thu hút đầu tư của Nhật Bản trong thời gian tới, cùng với các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, sẽ giúp nâng cao trình độ công nghệ và năng lực sản xuất của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đặc biệt, sau 47 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đây sẽ là cơ hội thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại cho doanh nghiệp hai nước vào giai đoạn mới.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng Jetro tại Việt Nam cho biết, trước khi dịch bệnh bùng lên, 64% DN cho rằng sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ mong muốn khi dịch bệnh được kiểm soát, giao thông không còn bị “cấm vận”, các DN Nhật Bản sẽ tiếp tục quay trở lại hoạt động sản xuất tại Việt Nam.

“Cùng với những DN lớn đã và đang hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi sẽ phân bổ nguồn vốn, chia nhỏ sản xuất tại các địa phương lân cận để đảm bảo tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh sau đại dịch” - ông Takeo Nakajima nhấn mạnh.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

“Đây cũng chính là thế mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản. Sự hợp tác đầu tư này sẽ có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau và cùng phát triển” - ông Phú nói.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dai-dich-khong-lam-nan-long-cac-nha-dau-tu-nhat-ban-506865.html