Dải Gaza và một tương lai mịt mù

Như vậy, cơn 'ác mộng' chiến tranh lại một lần nữa bao trùm Dải Gaza sau những giờ phút yên bình của 7 ngày ngừng bắn. Ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn hết hiệu lực, tiếng súng lại nổ ra trên dải đất này, báo hiệu các cuộc giao tranh tái diễn.

Những điều thảm khốc

Giới chức y tế Gaza cho biết, đến thời điểm này đã có 15.207 người Palestine thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng nổ vào ngày 7/10 vừa qua. Số người bị thương ở dải Gaza cũng đã vượt quá 40.000 người, trong đó 70% là trẻ em và phụ nữ.

Khung cảnh đổ nát ở Dải Gaza. Ảnh: AP

Khung cảnh đổ nát ở Dải Gaza. Ảnh: AP

Đại diện cơ quan y tế ở Gaza cũng cho biết các cuộc tấn công của Israel đã khiến 280 nhân viên y tế thiệt mạng, 56 xe cứu thương tại đây cũng đã trở thành mục tiêu tấn công. Cơ quan này cáo buộc Israel cố tình phá hủy hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Gaza.

Chỉ tính riêng từ hôm 1/12, kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas kết thúc, đã có ít nhất 193 người dân Palestine thiệt mạng do các đợt tấn công của của Israel. Người phát ngôn Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) James Elder mô tả tình hình là "rất thảm khốc", đồng thời cảnh báo, việc tái diễn giao tranh sẽ "xóa sạch ngay cả sự cứu trợ tối thiểu" mà lệnh ngừng bắn mang lại và "gây ra thảm họa cho dân thường Palestine".

Trong khi đó, người phát ngôn Cơ quan nhân quyền LHQ Ravina Shamdasani tuyên bố: "Xung đột tái diễn ở Gaza là điều thảm khốc. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên và các quốc gia có ảnh hưởng tăng cường nỗ lực ngay lập tức để đảm bảo một lệnh ngừng bắn bền vững vì nhân đạo và nhân quyền. Họ đang có kế hoạch mở rộng và tăng cường tấn công quân sự. Đây là điều rất đáng lo ngại".

Về phần mình, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) về các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths cảnh báo, người dân ở Dải Gaza đang vô cùng hoảng sợ và không còn nơi nào an toàn để đi.

Theo ông, tình hình ở Khan Younis, thành phố lớn nhất khu vực Nam Gaza, nơi Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) thả tờ rơi yêu cầu cư dân sơ tán ngay lập tức vì đây là "vùng giao tranh", đang rất nghiêm trọng. Quan chức này kêu gọi Israel và Hamas khôi phục thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo, tạo điều kiện cho vận chuyển hàng cứu trợ cũng như bảo vệ dân thường và "cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sự sống" tại Gaza.

Trước đó, lãnh đạo Cơ quan LHQ về người tị nạn Palestine (UNRWA) bày tỏ "vô cùng lo ngại" khi không có bất kỳ chuyến hàng viện trợ nhân đạo nào, kể cả nhiên liệu được phép vào Dải Gaza ngày 1/12. Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine (PRCS) xác nhận, Israel đã chặn hàng viện trợ vào Gaza thông qua cửa khẩu Rafah "cho đến khi có thông báo mới". PRCS lưu ý, động thái đã "làm trầm trọng thêm nỗi thống khổ của cư dân trong khu vực cũng như gia tăng thách thức đối với các tổ chức nhân đạo và cứu trợ".

Bên cạnh vấn đề nhân đạo là câu hỏi những ai còn bị giam giữ tại Gaza. Theo số liệu mà Israel công bố, các tay súng Hamas đã bắt giữ khoảng 247 con tin trong cuộc tấn công ngày 7/10 vào miền Nam Israel. Ngày 1/12, Israel cho biết 136 con tin vẫn còn ở Gaza.

Người phát ngôn Quân đội Israel, ông Daniel Hagari cho biết, những con tin này gồm 119 đàn ông, 17 phụ nữ và trẻ em. Theo thông báo cùng ngày của Văn phòng Thủ tướng Israel, có khoảng 10 con tin từ 75 tuổi trở lên. Phần lớn trong số đó là người Israel, 11 người còn lại là công dân nước ngoài, bao gồm 8 người Thái Lan, một người Nepal, một người Tanzania và một người Pháp gốc Mexico.

Trước đó, người phát ngôn Chính phủ Israel Eylon Levy cho biết con tin nhỏ nhất, Kfir Bibas, 10 tháng tuổi cùng anh trai Ariel 4 tuổi và người mẹ Shiri vẫn nằm trong số các con tin. Cùng ngày, phía Hamas thông báo 4 con tin đã tử vong trong quá trình bị giam, bao gồm cả người lớn tuổi nhất trong số các con tin.

Theo Chính phủ Israel, trong thời gian ngừng bắn, khoảng 110 con tin bị các tay súng Hamas bắt giữ ở Gaza đã được trao trả cho gia đình. Những người này bao gồm 86 công dân Israel và 24 người nước ngoài, hầu hết là người Thái Lan.

Những người trở về phần lớn đều có tình trạng sức khỏe ổn định, có thể đi lại và nói chuyện bình thường mặc dù nhiều người bị sụt cân trong thời gian bị giam cầm. Các bác sĩ cho biết một con tin 84 tuổi đã trở về trong tình trạng nguy kịch sau khi không được chăm sóc y tế thích hợp. Các bác sĩ cảnh báo những con tin này cần một thời gian dài mới hồi phục được những tổn hại tâm lý trong thời gian bị bắt làm con tin.

Tương lai đen tối

Khi tiếng súng im bặt, tên lửa không còn rơi xuống nhà của thường dân, và cuộc chiến kết thúc, bước tiếp theo sẽ là gì? Ai sẽ tiếp quản Gaza, chịu trách nhiệm khôi phục những tàn tích, và giúp hơn 2 triệu dân tại đây vượt qua những đau thương của chiến tranh? Nghĩ về "ngày sau" trong thời chiến là một hành động vô ích khi các bên phải đối mặt với các thử thách ngay trước mắt và mức độ tàn phá vẫn chưa rõ ràng.

Nhưng điều này lại cần thiết để các bên tham chiến có thể xác định chiến lược lâu dài của mình và kết cục tốt nhất sẽ là gì - đối với dân thường Gaza, Israel, Mỹ, các quốc gia Arab láng giềng. Chỉ khi đó, họ mới có thể vẽ ra con đường khả thi hướng tới một tương lai dựa trên tầm nhìn này. Nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào của sự đồng thuận giữa các bên về một cách tiếp cận chung, và ngay cả những tuyên bố chi tiết nhất cũng không rõ ràng.

Bình luận ngày 31/10 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có thể được coi là tuyên bố cụ thể nhất được đưa ra cho đến nay, những chúng cũng chỉ gợi ý rằng, Washington và các quốc gia khác đang xem xét "một loạt các tình huống có thể xảy ra".

Ông nói rằng, "một Chính quyền Palestine (PA) hiệu quả và được hồi sinh" sẽ tiếp quản Gaza, nhưng không đưa ra manh mối nào về cách PA có thể quản trị hiệu quả hay vượt qua sự phản đối của Israel. Thay vào đó, ông chỉ gợi ý rằng, trong thời gian chờ đợi có thể thiết lập "các thỏa thuận tạm thời khác có thể liên quan đến một số quốc gia trong khu vực, và có sự tham gia của các cơ quan quốc tế giúp cung cấp an ninh và khả năng quản trị". Những ứng cử viên được đề cập cho vai trò tạm thời này bao gồm các quốc gia Arab và LHQ, được hỗ trợ bởi các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ khác.

Theo các nhà phân tích, các kế hoạch được đề xuất muốn đạt được an ninh và ổn định lâu dài cho người dân Gaza, trước tiên chúng phải giải quyết sự chiếm đóng của Israel vốn đã hạn chế chủ quyền của Gaza và ngăn chặn sự phát triển của mảnh đất này trong 17 năm qua.

Mỹ và cộng đồng quốc tế phải tập trung tìm cách bảo vệ nhân quyền ở Gaza, bắt đầu bằng việc chấm dứt sự phong tỏa của Israel và thiết lập một chính phủ lâm thời, tạo điều kiện cho các cuộc bầu cử diễn ra sau đó để xây dựng nên một chính phủ bền vững. Đồng thời, một liên minh các quốc gia, không chỉ bao gồm những nước có quan hệ chính thức với Israel - tức Ai Cập, Jordan, và các quốc gia thuộc Hiệp ước Washington - mà cả những quốc gia đã ủng hộ Palestine trong quá khứ như Qatar và Arab Saudi, sẽ phải tiến hành quá trình tái thiết Gaza cùng với Israel.

Bên cạnh đó, các chính phủ trong khu vực cũng sẽ phải thuyết phục người dân của họ là việc hợp tác với Israel là bước đi hợp lý nhất trong quá trình này. Và các thành viên giàu có hơn của liên minh này - Arab Saudi, Qatar, và UAE - sẽ phải phối hợp với Mỹ và Israel để cung cấp viện trợ tài chính lên tới hàng tỷ USD cho việc tái thiết Gaza.

Nhưng ngay cả trong trường hợp tốt nhất này, cũng có lý do để hoài nghi khả năng của các bên được đề cập tới để quản trị dải Gaza, cùng với các cơ quan viện trợ làm việc tại đây, các thành phần của PA, và những gì còn lại của bộ máy Hamas. Trở ngại lớn nhất chính là sự kiên quyết của Israel rằng, bất kỳ chính phủ lâm thời nào sẽ nằm dưới quyền kiểm soát quân sự của IDF. Một chính quyền PA sẽ nằm dưới sự kiểm soát an ninh hoàn toàn của Israel, tương tự như Khu C của Bờ Tây, làm xói mòn hình ảnh của PA như một "nhà thầu" của Israel.

LHQ hoặc bất kỳ liên minh quốc tế nào sẽ không có khả năng quản lý bất cứ điều gì ngoài việc cung cấp một vài dịch vụ thiết yếu, và bất kỳ nỗ lực gìn giữ hòa bình nào đòi hỏi sự đồng thuận trong Hội đồng Bảo an LHQ. Và không có lý do gì để các quốc gia trong khu vực muốn chịu trách nhiệm quản trị Gaza dưới sự kiểm soát quân sự của Israel, chưa nói đến việc Israel sẽ không chấp nhận các quốc gia khác nắm quyền kiểm soát quân sự ở Gaza.

Thực tế này cho thấy một triển vọng đen tối đối với tương lai của Dải Gaza, và hơn 2 triệu người sinh sống tại đây.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/dai-gaza-va-mot-tuong-lai-mit-mu-i715837/