'Đại gia' bán dẫn hàng đầu thế giới ADI: 'Việt Nam là đích đến của nhiều nhà đầu tư trên thế giới'

Analog Devices, Inc (ADI), công ty bán dẫn hàng đầu thế giới, kết hợp vật lý và kỹ thuật số để mở ra những đột phá trong xử lý dữ liệu khẳng định, Việt Nam là một thị trường vô cùng quan trọng và là đích đến của nhiều nhà đầu tư trên thế giới và ADI sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam trong tương lai…

Ông Jerry Fan, Phó Chủ tịch Kinh doanh Cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản và Trung Quốc (APJC) kiêm Chủ tịch khu vực châu Á, Thái Bình Dương, Analog Devices (bên trái) cùng các quản lý cấp cao của Analog Devices tại buổi họp báo.

Ông Jerry Fan, Phó Chủ tịch Kinh doanh Cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản và Trung Quốc (APJC) kiêm Chủ tịch khu vực châu Á, Thái Bình Dương, Analog Devices (bên trái) cùng các quản lý cấp cao của Analog Devices tại buổi họp báo.

Theo ông Jerry Fan, Phó Chủ tịch Kinh doanh Cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản và Trung Quốc (APJC) kiêm Chủ tịch khu vực châu Á, Thái Bình Dương, Analog Devices cho biết hiện nay Việt Nam là đích đến của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới.

NHỮNG ĐIỂM MẠNH CỦA VIỆT NAM ĐỂ PHÁT TRIỂN LĨNH VỰC BÁN DẪN

Theo đó, các nhà đầu tư đến đây để xây nhà máy, triển khai các hệ thống nghiên cứu phát triển cũng như mang lại các cơ hội cho Việt Nam để trở thành một phần trong nền kinh tế toàn cầu. “Khi các nhà đầu tư lớn đến Việt Nam đã mang theo rất nhiều kiến thức chuyên môn về công nghệ. Đó là một điều thuận lợi”, ông Jerry Fan khẳng định.

Ông Jerry Fan, Phó Chủ tịch Kinh doanh Cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản và Trung Quốc (APJC) kiêm Chủ tịch khu vực châu Á, Thái Bình Dương, Analog Devices.

Ông Jerry Fan, Phó Chủ tịch Kinh doanh Cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản và Trung Quốc (APJC) kiêm Chủ tịch khu vực châu Á, Thái Bình Dương, Analog Devices.

Thứ hai, Việt Nam có một nguồn nhân lực trẻ, tốt và tài năng, được đào tạo bài bản để thúc đẩy sự phát triển trong kinh tế và phát triển sản phẩm. Đây chính là một yếu tố khiến cho Việt Nam trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư. Nhiều sinh viên Việt Nam (bao gồm cả sinh viên được đào tạo trong nước và đội ngũ du học sinh khi trở về công tác tại Việt Nam sau khi học tập tại Mỹ hay Nhật sẽ tạo ra một kho nhân lực chất lượng cao và mang lại nhiều khả năng thiết kế.

Theo phân tích của ông Jerry Fan, về mặt kinh doanh, từ quan điểm của tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam hoặc bất kỳ một quốc gia nào cũng sẽ dựa vào 2 tiêu chí đầu tư: nhu cầu trong nước và phục vụ thị trường toàn cầu. Về khía cạnh tiêu chí phục vụ nhu cầu trong nước, với quy mô dân số khoảng 100 triệu người và tầng lớp trung lưu đang phát triển, dân số trẻ, sáng tạo và có nhu cầu công nghệ cao. “Từ góc nhìn của nhà đầu tư, đây là những yếu tố hấp dẫn để đầu tư vào thị trường này. Đó chính là lý do tại sao các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) tập trung vào thị trường Việt Nam để trước mắt đáp ứng nhu cầu trong nước”, vị Chủ tịch khu vực châu Á, Thái Bình Dương ADI lý giải.

Thứ hai là các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam thì hướng tới phân tích và lựa chọn ra các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sao cho nắm bắt và phục vụ thị trường toàn cầu. “Ngày càng có nhiều nhà đầu tư coi Việt Nam là đích đến khi xây dựng nhiều nhà máy hơn. Từ đó sẽ hình thành một hệ sinh thái, khi các nhà đầu tư thấy rằng có một hệ sinh thái - giống như “buôn có bạn, bán có phường” thì chắc chắn đầu tư sẽ ngày càng hấp dẫn hơn”, đại diện ADI cho biết.

Ông cũng tin rằng chính phủ Việt Nam đã hiểu rõ ưu điểm của Việt Nam trong 2 lĩnh vực như vậy để tiếp tục đầu tư và nâng cao, phát triển những lĩnh vực đó để thu hút đầu tư vào Việt Nam. “Kết hợp 2 yếu tố là phục vụ nhu cầu trong nước cũng như khai thác thế mạnh của Việt Nam để phục vụ thị trường toàn cầu sẽ là tiền đề tốt để các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư vào Việt Nam. “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ sự phát triển của lĩnh vực công nghệ cũng như thu hút đầu tư của Việt Nam để có những động thái phát triển kinh doanh tương ứng”, ông Jerry Fan cho biết.

GỢI MỞ CHIẾN LƯỢC ĐỂ PHÁT TRIỂN LĨNH VỰC BÁN DẪN CHO VIỆT NAM

Ngành bán dẫn cũng đã trở thành một khối cấu thành của tất cả hệ thống cần thiết khác trong kỷ nguyên số hiện nay. Vì vậy, các chính phủ cũng đang có những chiến lược ưu tiên phát triển ngành bán dẫn, trước hết để phục vụ nhu cầu trong nước.

Theo đại diện của ADI, bản chất của ngành công nghiệp bán dẫn mang tính toàn cầu nên bên cạnh việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, Việt Nam cũng cần xác định thế mạnh của mình. Trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, còn rất nhiều khâu ví dụ như khâu sản xuất tấm wafer bán dẫn ban đầu, hay dây chuyền sản xuất, lắp ráp, đo kiểm...“Về chiến lược bán dẫn, Việt Nam cần xác định vị trí của mình trên chiến lược bán dẫn toàn cầu thông qua phát huy điểm mạnh riêng của quốc gia”, ông Jerry Fan chia sẻ.

Theo vị Chủ tịch khu vực châu Á, Thái Bình Dương, Analog Devices, một số quốc gia đã và đang lựa chọn tập trung sản xuất (manufacturing) chip bán dẫn. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có yêu cầu vốn rất lớn để xây dựng nhà máy, thêm vào đó xây dựng những nhà máy sản xuất wafer và bán dẫn sẽ mất rất nhiều thời gian để ra được sản phẩm và không phải quốc gia nào cũng làm được.

Bên cạnh đó, một số quốc gia chọn đi theo hướng thiết kế chip bán dẫn, giống như với thiết kế phần mềm. Hướng đi này đòi hỏi vốn thấp hơn nhưng lại cần đến năng lực nhân sự cao. Điều này sẽ giúp tạo ra những giá trị quyền sở hữu trí tuệ (IP) của con người.

Ông Jerry Fan cho rằng, với Việt Nam - một đất nước có lợi thế về dân số trẻ, nhiều kỹ sư và chính phủ cũng đang ưu tiên phát triển bán dẫn, Việt Nam có lẽ nên tập trung vào khâu thiết kế. Tuy trước mắt nên tập trung vào thiết kế, nhưng về lâu dài, khi Việt Nam đã có một chuỗi cung ứng mạnh thì cũng có thể tham gia vào lĩnh vực sản xuất bán dẫn bởi Việt Nam cũng là một trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử lớn, ví dụ như điện thoại thông minh, máy tính.

“Với tầm nhìn dài hạn, Việt Nam có thể thành công trong cả hai lĩnh vực sản xuất chip và thiết kế chip. Nhưng để đảm bảo thành công thì Việt Nam cũng cần cân nhắc và nghiên cứu kỹ những yếu tố mang đến thành công”, ông Jerry Fan cho biết.

ADI là công ty bán dẫn hàng đầu thế giới, kết hợp vật lý và kỹ thuật số để tạo ra những đột phá trong xử lý dữ liệu. ADI kết hợp các công nghệ tương tự, kỹ thuật số và phần mềm cho các giải pháp giúp thúc đẩy những tiến bộ trong số hóa các nhà máy, phương tiện giao thông và chăm sóc sức khỏe trên nền tảng kỹ thuật số, chống biến đổi khí hậu, kết nối con người và thế giới một cách bền vững.

Với doanh thu hơn 12 tỷ USD trong năm tài chính 2023 và khoảng 26.000 nhân viên cùng với 125.000 khách hàng trên toàn cầu, ADI luôn tiên phong cho mọi đổi mới. Châu Á – Thái Bình Dương là thị trường trọng điểm của ADI, chiếm 20% tổng doanh thu của công ty vào năm 2023.

ADI cũng là công ty luôn đi đầu trong các đổi mới của công nghệ ô tô, đặc biệt với các dòng xe chạy điện. Công ty đã cung cấp nhiều giải pháp bao gồm điện khí hóa ô tô, cabin kỹ thuật số, hệ thống mạng lưới và kết nối. ADI cũng đi đầu trong phát triển hệ thống quản lý pin (BMS) với hơn 15 năm kinh nghiệm.

ADI mới đây cũng đã ký kết MOU với VinFast, cho phép ADI cung cấp những giải pháp như hệ thống quản lý pin, hệ thống lưu trữ năng lượng cho xe điện của VinFast. Với tư cách là một công ty công nghệ, ADI khẳng định sẽ theo sát thị trường Việt Nam để tìm kiếm các đối tác tiềm năng, bao gồm những đối tác là OEM (nhà sản xuất) hay những đối tác cấp 1 để sẵn sàng tiếp cận, hợp tác, và phục vụ thị trường tốt hơn.

Bình An

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dai-gia-ban-dan-hang-dau-the-gioi-adi-viet-nam-la-dich-den-cua-nhieu-nha-dau-tu-tren-the-gioi.htm