'Đại gia' kín tiếng bất ngờ chi hơn 2.400 tỷ đồng mua 23,06% vốn tại Vinaconex ITC

Một doanh nghiệp ít tên tuổi vừa chi hơn 2.400 tỷ đồng để mua vào 23,06% cổ phần VCR, cao hơn nhiều so với giá thị trường. Thương vụ thu hút sự chú ý khi hé lộ mạng lưới doanh nghiệp liên quan đến ông Vũ Đình Chiến...

Một doanh nghiệp bất ngờ chi hơn 2.400 tỷ đồng để mua vào 23,06% cổ phần của Vinaconex ITC, vượt giá thị trường gần 7.000 đồng/cổ phiếu. Động thái táo bạo và đầy toan tính này khiến thị trường không khỏi giật mình: Ai đang đứng sau cổ đông mới nổi nhưng đầy tham vọng này?

ẨN SỐ ANPHA CHI 2.400 TỶ "ÔM LỖ" VCR ĐỂ LÀM GÌ?

Ngày 3/7/2025, Công ty TNHH Sàn giao dịch Bất động sản Hà Nội Anpha khiến cả thị trường chứng khoán “dậy sóng” khi công bố đã mua thành công 48.430.106 cổ phiếu VCR, chính thức nắm giữ 23,06% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex – Vinaconex ITC (mã chứng khoán: VCR).

Điều đặc biệt không nằm ở số lượng cổ phiếu, mà nằm ở giá trị và cách thức giao dịch. Tổng giá trị thương vụ lên tới 2.402 tỷ đồng, tương ứng 49.602 đồng/cổ phiếu, cao hơn gần 7.000 đồng/cổ phiếu so với mức giá đóng cửa cùng ngày (42.800 đồng/cổ phiếu).

Thương vụ này diễn ra ngay sau khi Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã: chứng khoán VCG) công bố kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ 107,1 triệu cổ phiếu VCR (chiếm 51%) với giá tối thiểu 48.000 đồng/cổ phiếu, theo hình thức đàm phán với các nhà đầu tư quan tâm. Dù chưa rõ Anpha có đang nhắm đến toàn bộ lượng cổ phần này không, nhưng việc chốt mua gần một nửa giá trị chào bán với mức giá cao hơn giá sàn cho thấy độ "chịu chơi" và tham vọng không hề nhỏ.

Được biết, Vinaconex ITC là chủ đầu tư dự án Cát Bà Amatina, khu đô thị nghỉ dưỡng tại Cát Bà (Hải Phòng). Theo công bố tại Đại hội cổ đông thường niên 2025 của VCG, dự án này đã hoàn thiện phần lớn hạ tầng với khối lượng đầu tư riêng trong năm 2024 là khoảng 500 tỷ đồng, dự kiến tung sản phẩm ra thị trường trong năm 2025.

Tính đến cuối quý 1/2025, VCR đã rót hơn 4.920 tỷ đồng vào dự án, tương đương 94% tổng tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, VCR vẫn đang lỗ lũy kế hơn 545 tỷ đồng.

ÔNG CHỦ THỰC SỰ CỦA ANPHA LÀ AI?

Thoạt nhìn, Công ty TNHH Sàn giao dịch Bất động sản Hà Nội Anpha chỉ là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, có trụ sở tại Long Biên, Hà Nội, được thành lập từ năm 2014. Nhưng khi lần theo hồ sơ pháp lý và lịch sử doanh nghiệp, một "mạng lưới" sở hữu chằng chịt bắt đầu lộ diện, dẫn tới cái tên: Vũ Đình Chiến, sinh năm 1973.

Ban đầu, doanh nghiệp này từng mang tên Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Bất động sản Hà Nội Anpha, đặt trụ sở tại Long Biên, Hà Nội. Đến năm 2018, công ty đổi sang mô hình trách nhiệm hữu hạn, cùng thời điểm thực hiện cú nhảy vọt đầu tiên về vốn điều lệ từ 93 tỷ đồng lên 317,9 tỷ đồng.

Thoạt đầu, Anpha được điều hành bởi Công ty Cổ phần, một pháp nhân gốc TP.HCM, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản với người đại diện là ông Hoàng Cao Minh Đức, người cũng đứng tên hàng loạt doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, quyền lực tại Anpha không cố định.

Chỉ trong vài năm, ghế Chủ tịch và người đại diện pháp luật đã chuyển từ ông Vũ Đình Chiến sang ông Vũ Tiến Đức, rồi quay lại ông Hoàng Cao Minh Đức, trước khi trở về tay ông Vũ Đình Chiến vào năm 2020 và từ đó đến nay không thay đổi. Từ thời điểm đó, ông Chiến nắm trọn quyền điều hành: vừa là Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, vừa là người đại diện pháp luật của công ty.

Cùng với những thay đổi quyền lực, Anpha cũng tăng tốc mở rộng quy mô vốn. Tháng 1/2021, vốn điều lệ tăng mạnh lên 956,9 tỷ đồng, gấp ba lần chỉ sau hai năm, rồi tiếp tục tăng lên 1.056 tỷ đồng vào cuối năm 2024.

 Hình ảnh dự án Cát Bà Amatina, khu đô thị nghỉ dưỡng tại Cát Bà (Hải Phòng) do VCR sở hữu

Hình ảnh dự án Cát Bà Amatina, khu đô thị nghỉ dưỡng tại Cát Bà (Hải Phòng) do VCR sở hữu

Nhưng cú chuyển mình thực sự chỉ đến vào tháng 6/2025, thời điểm ngay trước thương vụ thâu tóm nghìn tỷ tại Vinaconex ITC, khi trong giấy đăng ký kinh doanh, ông Vũ Đình Chiến chính thức nắm giữ tới 90,468% vốn điều lệ tại Anpha, tương đương gần 956 tỷ đồng. Phần còn lại chia đều cho Nguyễn Thị Hoa và Bùi Bích Hạnh, mỗi người sở hữu 4,766%, tức hơn 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ nhìn Anpha để đánh giá quy mô và ảnh hưởng của ông Chiến thì là chưa đủ. Đằng sau cái tên tưởng như đơn lẻ này là cả một hệ sinh thái doanh nghiệp phức tạp với 17 pháp nhân khác nhau mà ông Chiến đang đứng tên đại diện pháp luật. Một vài cái tên có thể kể tới như: Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường, Delta Hà Nội, Hưng Phú, ANC Sài Gòn… Trong đó, có những doanh nghiệp sở hữu loạt dự án quy mô lớn, trải khắp từ Hà Nội đến Phú Quốc, từ Vĩnh Phúc đến Hưng Yên.

Tiêu biểu, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Thịnh là cái tên đứng sau khu đô thị mới An Thịnh tại Mê Linh (Hà Nội) và một resort tại Tam Đảo. Eurowindow Phú Quốc đang triển khai khu du lịch cao cấp Paradise Cove tại xã Dương Tơ, một trong những địa bàn phát triển nhanh nhất tại đảo ngọc. Vinalines Vĩnh Phúc, một pháp nhân khác trong hệ sinh thái, là chủ đầu tư của khu đô thị mới Vinalines, trải dài trên nhiều xã của huyện Mê Linh.

Đáng chú ý hơn cả là Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Địa ốc Mỹ Phú, một doanh nghiệp không chỉ sở hữu loạt dự án đình đám mà còn từng dính lùm xùm với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 212/QĐ-XPHC ngày 14/05/2024 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, liên quan đến hành vi vi phạm trong công bố thông tin và giao dịch chứng khoán.

Điểm chung giữa các doanh nghiệp trong hệ thống của ông Chiến không chỉ nằm ở lĩnh vực hoạt động, bất động sản, đầu tư, phát triển hạ tầng mà còn ở cách thức vận hành có phần kín đáo, với mối quan hệ sở hữu chéo đan cài như mạng nhện, nơi các doanh nghiệp vừa là chủ đầu tư, vừa là cổ đông lẫn nhau trong một hệ sinh thái có phần kín đáo nhưng đầy tham vọng. Tuy nhiên, phía sau bức tranh cấu trúc quyền lực ấy, nhiều công ty lại đang rơi vào tình trạng tài chính thiếu sức sống, với dòng tiền yếu ớt và khả năng sinh lời chưa rõ ràng.

Với hệ sinh thái doanh nghiệp trải dài khắp cả nước và khả năng tăng vốn “thần tốc”, từ 93 tỷ năm 2014 lên 1.056 tỷ đồng cuối 2024, và với những gì đang diễn ra, Hà Nội Anpha, và người đứng sau nó, không đơn thuần là một doanh nghiệp bất động sản thông thường. Đó có thể là một phần của một kế hoạch dài hơi, nơi mà từng mảnh ghép doanh nghiệp, từng cú tăng vốn, từng thương vụ ngàn tỷ như tại VCR… đều nằm trong toan tính của một thế lực kín tiếng nhưng đầy tham vọng.

Thiên Ân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/dai-gia-kin-tieng-bat-ngo-chi-hon-2400-ty-dong-mua-2306-von-tai-vinaconex-itc-post561522.html