Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022: Đặc sắc môn lân-sư-rồng
Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022, múa lân-sư-rồng chính thức được đưa vào thi đấu. Đây là sự khẳng định của một môn thể thao, góp phần tôn vinh và đưa nét đẹp văn hóa dân gian lên tầm cao mới.
Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 có tổng cộng 43 môn thi với 933 bộ huy chương. Bên cạnh những môn thể thao Olympic, sự kiện được tổ chức 4 năm 1 lần này đã có những môn thể thao truyền thống như: đẩy gậy, kéo co, đá cầu… Đặc biệt, môn lân-sư-rồng lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình thi đấu của Đại hội với tư cách một môn thể thao.
Trong văn hóa của người châu Á, lân-sư-rồng biểu trưng cho sức mạnh phi thường, đem đến phát đạt và hanh thông trong công việc lẫn cuộc sống. Vì vậy, người xưa quan niệm, điệu múa này sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng. Việc đưa vào thi đấu như một môn thể thao của Đại hội là nhằm bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này.
Tại Đại hội, môn lân-sư-rồng quy tụ gần 300 vận động viên (VĐV) đến từ 14 đơn vị gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Hà Nam, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương, Vĩnh Long và Đồng Tháp. Đây đều là những đơn vị có phong trào lân-sư-rồng phát triển mạnh và đã tổ chức các giải đấu cấp tỉnh. Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh, từ tháng 9-2022, Liên đoàn Lân-sư-rồng thành phố đã tổ chức giải mở rộng với sự tham gia của 7 đội. Qua đó, đơn vị này đã tuyển chọn được những VĐV chất lượng nhất để tranh tài tại Đại hội.
Hay như đơn vị chủ nhà Quảng Ninh, dù phong trào tập luyện tại các câu lạc bộ trong tỉnh chưa thực sự mạnh nhưng cũng đã có sự chuẩn bị kỹ càng ở kỳ đại hội lần này. Ông Bùi Văn Thành-huấn luyện viên đoàn Quảng Ninh-cho hay: “Từ đầu năm 2022, chúng tôi đã tuyển chọn VĐV từ các võ đường, các câu lạc bộ duy trì sinh hoạt múa lân-sư-rồng trong tỉnh để tiến hành tập luyện. Các VĐV đã tập luyện rất hăng say, nghiêm túc, nghiên cứu, học hỏi để nâng cao trình độ, kỹ năng. Chúng tôi cũng rất háo hức khi được thi tài cùng 13 đội khác đến từ toàn quốc ở kỳ đại hội này”.
Tại Đại hội, các đơn vị đã thi đấu ở 7 nội dung gồm: múa rồng, lân địa bửu, nhảy bục, leo cột cá nhân, leo cột đồng đội, mai hoa thung nam nữ, mai hoa thung nam. Các đội đã trình diễn những kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao với các kỹ thuật bắt buộc cùng sự sáng tạo. Trong đó, nhiều nội dung đòi hỏi các VĐV phải có sự khổ luyện để thi triển thuần thục các động tác khó, nguy hiểm như leo cột hay mai hoa thung. Bên cạnh đó, đối với điệu múa lân-sư-rồng, tiếng trống, tiếng thanh la, chập chõa có vai trò vô cùng quan trọng. Người đánh trống phải đánh phải có bài bản, phù hợp với các bộ pháp như: chào, lạy, nằm, ăn, leo lên, tuột xuống, tiết tấu lúc chậm rãi, lúc dồn dập liên hồi như trống trận. Từ đó mới có thể lột tả hết sự oai phong, hùng dũng của lân-sư-rồng.
Không như các môn thể thao khác tranh tài tại nhà thi đấu, lân-sư-rồng là môn thể thao duy nhất được tổ chức ở Quảng trường 30-4 (TP. Hạ Long). Đây cũng trở thành môn thể thao thu hút đông đảo khán giả nhất tại kỳ đại hội này với hàng ngàn lượt người theo dõi mỗi ngày thi đấu. Người dân địa phương cùng khách du lịch đã được thưởng thức những màn trình diễn đẹp mắt, ngoạn mục của các VĐV. Bà Nguyễn Thị Loan (TP. Hạ Long) bày tỏ: “Tiếng trống nổi lên là mấy đứa cháu nhà tôi lại háo hức đòi ra quảng trường để xem. Chưa bao giờ tôi được chứng kiến những màn múa lân độc đáo, hấp dẫn đến vậy. Xem múa lân mà chúng tôi ngỡ không khí ngày Tết đã cận kề”.
Kết thúc môn thi, đoàn TP. Hồ Chí Minh đã thể hiện vị thế của đơn vị dẫn đầu với 3 huy chương vàng, Quảng Ninh và TP. Cần Thơ mỗi đoàn giành 2 huy chương vàng.
Tại Gia Lai, những năm qua, phong trào tập luyện lân-sư-rồng đã có sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ở các võ đường võ cổ truyền. Hy vọng một ngày không xa, các câu lạc bộ lân-sư-rồng tại Phố núi cũng sẽ phát triển theo hướng chuyên nghiệp như một môn thể thao để có dịp tranh tài với các đơn vị mạnh trong toàn quốc.