Đại lý bán lẻ xăng dầu được nhập hàng từ nhiều nguồn
Đó là ý kiến của Bộ Công Thương tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 21/4 về việc các đại lý bán lẻ xăng dầu có thể được lấy hàng từ nhiều nguồn khác nhau.
Sau khi ghi nhận góp ý từ các bộ, ngành, doanh nghiệp về sửa Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, các đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ được lấy hàng từ nhiều nhà cung cấp (thương nhân phân phối, đầu mối) thay vì chỉ một nguồn như hiện tại.
Theo đó, việc sửa đổi các quy định về kinh doanh xăng dầu sẽ hướng vào các nội dung như sửa công thức giá, phương thức điều hành; thời gian điều hành và công bố giá. Thực tế thị trường có nhiều đơn vị cung ứng nên việc cho phép đại lý chọn, thay đổi đơn vị cấp hàng sẽ linh hoạt về nguồn, nhất là khi thị trường biến động.
Việc các đại lý chỉ được lấy từ một nguồn như hiện tại, theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, là một trong số nguyên nhân khiến họ thiệt thòi, thua lỗ khi thị trường biến động hơn một năm qua.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho biết quy định về thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện với doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu cũng sẽ được sửa phù hợp hơn. Khâu trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu sẽ cắt giảm (bỏ hình thức tổng đại lý) và cụ thể hơn về dự trữ lưu thông bắt buộc.
Được biết, Dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Việc sửa đổi quy định nhằm xử lý những bất ổn trên thị trường thời gian qua, để thực hiện mục tiêu bảo đảm nguồn cung, an ninh năng lượng quốc gia.
Liên quan đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lấy từ một nguồn, trước đó, trao đổi với PV PetroTimes, TS. Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc cho biết, việc không cho doanh nghiệp bán lẻ (DNBL) lấy nhiều nguồn dẫn đến DNBL thành lập ra quá nhiều doanh nghiệp nhỏ của gia đình mình. Trước đây, có người 3-4 cửa hàng xăng dầu của 1 doanh nghiệp nay đã tách ra lập thành 2 hoặc 3, thậm chí là 4 doanh nghiệp riêng biệt để được lấy nhiều nguồn. Việc thành lập nhiều doanh nghiệp là để đối phó với quy định cửa hàng xăng dầu không được lấy từ nhiều nguồn.
“Nếu cho doanh nghiệp được lấy nhiều nguồn thì sẽ có một cuộc sáp nhập hàng loạt doanh nghiệp với nhau để chủ doanh nghiệp dễ quản lý đó là điều chắc chắn” - chủ doanh nghiệp Bội Ngọc cho biết thêm.
Ngoài ra, ông Tây cho rằng, Ban Kinh tế Quốc hội nên lập ra tổ đánh giá chuyên đề về tác động tiêu cực của Nghị định 95, 83 về kinh doanh xăng dầu để đánh giá lại đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp từ đó rút kinh nghiệm cho việc ban hành Nghị định quản lý xăng dầu sắp tới.
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/