Đại sứ Ấn Độ cảm động thấy người Việt Nam chờ 3 giờ chiêm bái xá lợi Phật
Đại sứ Ấn Độ cho biết, việc xá lợi Phật lần đầu đến Việt Nam và được đón nhận đông đảo thể hiện sự kết nối đặc biệt về văn hóa và tín ngưỡng giữa người dân hai nước.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya chiều 15/5 trả lời báo chí nhân dịp Đại lễ Phật đản Vesak và khởi động chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm ngày quốc tế Yoga (21/6).
Đại sứ trân trọng nỗ lực của các cơ quan chính phủ, ban ngành, đoàn thể Việt Nam trong việc phối hợp với phía Ấn Độ để lần đầu tiên đưa xá lợi Phật đến Việt Nam nhân dịp Đại lễ Phật đản Vesak, và tổ chức các hoạt động để người dân có thể đến chiêm bái.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya.
Đại sứ chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, ông rất vui mừng và trân trọng sự hỗ trợ nhiệt tình từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như các cơ quan hữu quan của Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên của xá lợi Phật đến Việt Nam, nên trong quá trình chuẩn bị, hai bên đã phải trao đổi rất nhiều nội dung và làm rõ nhiều thông tin.
Cá nhân ông thực sự xúc động khi chứng kiến những câu chuyện gắn liền với người dân và các Phật tử trong hành trình chiêm bái xá lợi. Theo ông thấy, có những người đã chờ đợi suốt ba tiếng đồng hồ dưới thời tiết khắc nghiệt chỉ để được nhìn thấy xá lợi Đức Phật trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Có các nhóm quyên góp hoặc hỗ trợ cho những người ở xa đến chiêm bái. Điều đó thể hiện lòng thành kính, đức tin sâu sắc vào tôn giáo và tín ngưỡng, cũng như sự cam kết của người dân đối với các giá trị thiêng liêng. "Với chúng tôi, đây còn là minh chứng cho tình cảm nhân văn và mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa nhân dân hai nước", Đại sứ nói.
Đại sứ cho biết thêm, trong quá trình tổ chức, các cơ quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Bộ Ngoại giao và Bảo tàng Quốc gia của Ấn Độ để hoàn thiện các bước chuẩn bị. Dù việc đón tiếp một lượng lớn Phật tử là thách thức không nhỏ, nhưng đến thời điểm này, Ấn Độ thực sự hài lòng với công tác tổ chức của phía Việt Nam. Mọi việc đã được thực hiện chu đáo, an toàn và trang nghiêm.
"Tất cả những gì chúng ta chứng kiến thể hiện niềm tin của mọi người vào giá trị đạo đức của con người. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, sự kiện này mang đến cho mọi người cảm giác thanh thản, tĩnh lặng – một điều rất quý giá trong cuộc sống hiện đại".
Tháng 5 là dịp lễ Phật Đản, một ngày quan trọng đối với Phật giáo ở cả Việt Nam, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác. Việc đưa xá lợi Đức Phật – vốn được phát hiện cách đây gần 100 năm – đến Việt Nam là sự kiện đặc biệt. Ấn Độ coi đây là quốc bảo và di chuyển bằng máy bay quân sự, có sự tháp tùng và đi kèm các nghi lễ cao nhất của Ấn Độ.
Chuyến thăm xá lợi kéo dài 20 ngày, với các điểm dừng chân tại TP.HCM, Tây Ninh, Hà Nội và các tỉnh khác. Theo thống kê, chỉ trong 5 ngày tại TP.HCM đã có 1,8 triệu lượt người chiêm bái, tại Tây Ninh là khoảng 125.000 người.
Việc đưa xá lợi đến Việt Nam đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ hai nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bảo tàng Ấn Độ và nhiều tổ chức khác. Sự kiện không chỉ thể hiện sự gắn bó tín ngưỡng mà còn là biểu tượng của sự chia sẻ các giá trị văn hóa sâu sắc giữa hai quốc gia.
Đại sứ nhấn mạnh: “Nhiều lời dạy của Đức Phật tiếp tục mang tính thời sự trong bối cảnh thế giới hôm nay. Tinh thần đó cũng hiện diện trong các nội dung được nêu tại Đại lễ Vesak năm nay: gìn giữ hòa bình và phát triển bền vững".

Ngày Quốc tế Yoga hàng năm được hưởng ứng đông đảo trên toàn thế giới.
10 năm Ngày Quốc tế Yoga
Cũng tại cuộc họp báo, Đại sứ chia sẻ, ngày 21/6 được Liên hợp quốc công nhận là Ngày Quốc tế Yoga, và năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm sự kiện này kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2015. Đây là một cột mốc quan trọng không chỉ với Ấn Độ mà còn với cộng đồng quốc tế. Nghị quyết của Liên hợp quốc đã ghi nhận lợi ích của yoga trong việc nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho con người.
"Với tư cách là người tập luyện yoga, tôi muốn chia sẻ thêm một góc nhìn: yoga không chỉ là bài tập thể chất giúp cân đối cơ thể, mà còn mang lại lợi ích tinh thần sâu sắc, giúp người tập tìm được sự bình tâm và an yên thông qua các bài tập thở và thiền. Ngoài ra, yoga còn có giá trị trị liệu, hỗ trợ cải thiện chức năng của các cơ quan nội tạng như gan, thận, và thậm chí giúp kiểm soát bệnh như tiểu đường. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận các hiệu quả tích cực này".
Tại Việt Nam, Đại sứ quán đã tổ chức nhiều buổi hội thảo nhỏ để lan tỏa kiến thức và giá trị của yoga như một liệu pháp toàn diện. Chủ đề Ngày Quốc tế Yoga năm nay là “Một Trái đất, Một Sức khỏe”. Tất cả hoạt động sẽ xoay quanh thông điệp này. Đại sứ bày tỏ niềm vui khi thấy sự quan tâm ngày càng lớn của người dân Việt Nam đối với yoga và sức lan tỏa mạnh mẽ của bộ môn này tại đây.
Tính đến nay, đã có 36 tỉnh, thành trên cả nước xác nhận sẽ tổ chức Ngày Quốc tế Yoga trong hai tháng tới, bắt đầu từ ngày 16/5 tại Quảng Trị. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ cũng cung cấp học bổng cho công dân Việt Nam quan tâm đến lĩnh vực này.

Khu đền tháp Mỹ Sơn. (Ảnh: TTXVN)
Hợp tác văn hóa sâu sắc Việt Nam - Ấn Độ
Đại sứ cũng nhấn mạnh các hoạt động giao lưu và hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, nghệ thuật và du lịch.
Về Phật giáo, hai bên phối hợp tổ chức triển lãm nghệ thuật và phục dựng di tích như Mỹ Sơn, góp phần tăng cường hiểu biết văn hóa. Trong giáo dục, Ấn Độ cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam.
Liên hoan phim Ấn Độ và dự án phim “Love in Vietnam” là điểm nhấn hợp tác văn hóa – điện ảnh. Du lịch giữa hai nước tăng trưởng nhanh, với nhiều đường bay thẳng được mở và tiềm năng khai thác điểm đến mới.