Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Ưu tiên và cam kết mạnh mẽ với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Pháp

Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lựa chọn đất nước hình chữ S làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du khu vực của mình thể hiện rõ ưu tiên chiến lược và tầm quan trọng sâu sắc mà Pháp dành cho mối quan hệ song phương với Việt Nam.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón và hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, tháng 10/2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón và hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, tháng 10/2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã có cuộc phỏng vấn với Báo Thế giới và Việt Nam nêu bật ý nghĩa, kỳ vọng vào chuyến thăm của nhà lãnh đạo Pháp.

Đại sứ đánh giá như thế nào về mục đích và ý nghĩa chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron tới Việt Nam, đặc biệt khi hai nước mới nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm ngoái?

Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quan hệ song phương, nhất là sau khi hai nước đã nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng. (Nguồn: Nhân dân)

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng. (Nguồn: Nhân dân)

Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng và cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao Pháp đối với việc củng cố và phát triển quan hệ với Việt Nam, đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đi vào thực chất và hiệu quả. Đây là cơ hội tuyệt vời để lãnh đạo hai nước cùng thống nhất những bước đi mới để cụ thể các khuôn khổ đã định ra trong Đối tác chiến lược toàn diện.

Nhiều lĩnh vực, dự án cụ thể đang được hai bên bàn thảo sâu để thúc đẩy các ưu tiên kinh tế-thương mại-đầu tư, tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế. Việc ký kết các thỏa thuận hợp tác mới trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ tạo động lực và cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động hợp tác giữa hai nước những năm tới.

Chuyến thăm còn là dịp để tăng cường tin cậy chính trị ở cấp cao nhất giữa hai bên, gửi đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của Việt Nam và Pháp trong việc hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Chuyến thăm cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường trao đổi văn hóa và hữu nghị truyền thống giữa nước.

Hoạt động điểm nhấn của nhà lãnh đạo Pháp trong chuyến thăm sắp tới là gì? Đại sứ kỳ vọng thế nào về dấu mốc quan trọng này?

Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Pháp tới Việt Nam chắc chắn sẽ mang lại nhiều điểm nhấn quan trọng. Nổi bật nhất là việc hai bên sẽ cùng thông qua các văn kiện nhằm cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đặc biệt là việc mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, năng lượng và quốc phòng. Các văn kiện này không chỉ cụ thể hóa những cam kết cấp cao mà còn định hình một lộ trình hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai nước trong giai đoạn tới.

Việc Tổng thống Pháp lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du khu vực của mình thể hiện rõ sự ưu tiên chiến lược và tầm quan trọng sâu sắc mà Pháp dành cho mối quan hệ song phương với Việt Nam. Vị thế của Việt Nam là đối tác ASEAN đầu tiên và duy nhất thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Pháp càng củng cố điều này. Đồng thời, đây cũng là một bước đi quan trọng trong việc triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp, qua đó khẳng định vai trò then chốt của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Pháp tại khu vực.

Tôi kỳ vọng rằng, trên cơ sở các văn kiện và kế hoạch hành động được thông qua, chuyến thăm này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác thực chất và hiệu quả hơn nữa trong các lĩnh vực ưu tiên mà chúng ta đã xác định, bao gồm quốc phòng, an ninh, năng lượng và giao thông.

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng chuyến thăm sẽ tạo ra một động lực chính trị mạnh mẽ, không ngừng củng cố lòng tin chiến lược, tăng cường sự hiểu biết sâu sắc và làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước. Đây chắc chắn sẽ là một dấu mốc quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn nữa của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Pháp trong tương lai.

Nhân chuyến thăm chính thức tới Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tháng 10/2024, hai nước đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nhân chuyến thăm chính thức tới Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tháng 10/2024, hai nước đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Pháp là nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Đại sứ có thể chia sẻ về những điểm nhấn nổi bật của quan hệ Việt Nam-Pháp trong thời gian qua?

Quan hệ Việt Nam-Pháp đã chính thức được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 10/2024, đánh dấu một cột mốc to lớn sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Việc nâng cấp này đã tạo nền tảng quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu sắc và hiệu quả.

Về chính trị-ngoại giao, trao đổi giữa hai nước tăng mạnh và thắt chặt hơn, các cơ chế hợp tác được mở rộng như việc tổ chức phiên Đối thoại Biển lần đầu tiên giữa hai Bộ Ngoại giao. Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là sự tiếp nối quan trọng chuyến thăm Pháp và dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, hai nước đã và đang tăng cường hơn nữa sự phối hợp và hợp tác trong các vấn đề toàn cầu, như tại Hội nghị Thượng đỉnh về Trí tuệ Nhân tạo tại Paris (2/2025), Hội nghị P4G (4/2025) và sắp tới là Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc ở Nice (6/2025).

Về quốc phòng-an ninh, đây tiếp tục được coi là trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, thể hiện sự tin cậy chiến lược giữa hai nước. Chuyến thăm TP. Hồ Chí Minh gần đây của Tàu hộ tống đa nhiệm Provence thuộc Nhóm tác chiến tàu sân bay Pháp thăm khu vực (3/2025) thể hiện sự tiếp nối các trao đổi giữa hai nước trên tinh thần cùng nhau hợp tác đóng góp cho hòa bình và đảm bảo an ninh, tự do hàng hải tại khu vực, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Về kinh tế-thương mại-hợp tác phát triển, có thể ghi nhận sự gia tăng quan tâm từ các đối tác, doanh nghiệp Pháp đối với hợp tác với Việt Nam. Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đang thúc đẩy nhiều dự án mới với Việt Nam, trong đó có các dự án liên quan đến phát triển năng lượng sạch và đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam. Nhiều đoàn đại biểu doanh nghiệp và bộ, ngành kinh tế Pháp, trong đó có Bộ trưởng Giao thông vận tải Pháp đã đến Việt Nam trao đổi, tìm hiểu khả năng hợp tác trong những chiến lược và dự án hàng đầu của Việt Nam về năng lượng và cơ sở hạ tầng, giao thông. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước cả năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 11%, đạt hơn 5,4 tỷ USD.

Hợp tác y tế ngày càng khẳng định vai trò quan trọng và trở thành điểm sáng trong quan hệ Việt-Pháp với việc thúc đẩy hợp tác sản xuất một số loại vaccine tại Việt Nam giữa Trung tâm Tiêm chủng VNVC và Tập đoàn Sanofi được tiến hành ngay sau khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Hợp tác giữa các địa phương cũng tiếp tục có những kết nối mới. Tháng 2/2025, thành phố Đà Nẵng và thành phố Le Havre chính thức ký kết thỏa thuận thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển cảng biển, chuyển dịch sinh thái, đổi mới số. Việt Nam và Pháp cũng đang xúc tiến công tác chuẩn bị cho Hội nghị hợp tác giữa các địa phương lần thứ 13 dự kiến tổ chức vào năm 2026 tại Pháp.

Đối thoại biển Việt Nam-Pháp lần thứ nhất. (Ảnh: Minh Trang)

Đối thoại biển Việt Nam-Pháp lần thứ nhất. (Ảnh: Minh Trang)

Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới?

Có thể thấy quan hệ Việt Nam-Pháp đang được đặt trong một môi trường quốc tế chi phối bởi các thách thức đa dạng và đan xen, đòi hỏi cả hai nước phải có những nỗ lực bền bỉ để định hướng và theo đuổi các lĩnh vực hợp tác đã được xác định. Cả hai nước cũng đều đứng trước các yêu cầu mới về phát triển cũng như về vị thế, nên cần không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hợp tác, cần nỗ lực xây dựng được các dự án và chương trình phù hợp và hiệu quả, khai thác tối đa vị trí ưu tiên của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã được thiết lập.

Để vượt qua những thách thức này, tôi cho rằng cần có những nỗ lực đồng bộ từ cả hai phía. Một là, tăng cường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau. Hai bên cần đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp, duy trì hiệu quả các kênh đối thoại song phương trên nhiều lĩnh vực như ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học và công nghệ... Điều này giúp kịp thời giải quyết các vướng mắc, củng cố lòng tin chính trị và hiểu rõ hơn về ưu tiên của mỗi nước trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện.

Hai là, tập trung vào các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, có tính bổ trợ và chiến lược. Chúng ta nên ưu tiên hợp tác trong những lĩnh vực mà cả hai bên đều có thế mạnh và nhu cầu, đặc biệt là các lĩnh vực trụ cột hoặc có tiềm năng tăng trưởng cao như công nghệ cao, năng lượng sạch và năng lượng hạt nhân, chuyển đổi số, y tế, giáo dục và hạ tầng chiến lược.

Ba là, phát huy tốt các hỗ trợ chính sách khác nhau, từ tác động của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và gỡ các nút thắt chung ở Việt Nam hiện nay đến việc Pháp thể hiện vị thế của mình để hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn lực tài chính, công nghệ quốc tế cần thiết cho phát triển.

Bốn là, tiếp tục huy động tốt vai trò của mọi thành phần trong mối quan hệ đa tầng nấc của quan hệ Việt Nam-Pháp, trong đó không chỉ có trách nhiệm của các bộ, ngành mà còn là nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng người Việt và bạn bè, các cấp chính quyền khác nhau tại Pháp.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tiếp ông Nicolas Mainetti, Giám đốc Văn phòng Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF) khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Hà Nội, ngày 21/3. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tiếp ông Nicolas Mainetti, Giám đốc Văn phòng Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF) khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Hà Nội, ngày 21/3. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Vinh dự được trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch” vào năm ngoái, Đại sứ có thể chia sẻ về vai trò của các nhà ngoại giao, những vị sứ giả văn hóa, trong việc thúc đẩy các hoạt động văn hóa đối ngoại, lan tỏa sức mạnh mềm của dân tộc khắp năm châu?

Được trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch” vào năm ngoái là một niềm vinh hạnh lớn đối với tôi. Kỷ niệm chương này cũng là sự đánh giá chung dành cho tập thể Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, trong đó có Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, vì những nỗ lực không ngừng trong việc triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam trên mọi phương diện.

Trong suốt nhiệm kỳ công tác của mình, tôi luôn tâm niệm rằng Đại sứ quán không chỉ là cơ quan đại diện chính trị mà còn là một trung tâm văn hóa sôi động, một nhịp cầu kết nối những giá trị tinh túy của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Chúng tôi chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động văn hóa đa dạng, từ việc tổ chức các triển lãm nghệ thuật giới thiệu vẻ đẹp của hội họa, điêu khắc Việt Nam, đến những buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống làm say đắm lòng người bằng những giai điệu quê hương. Chúng tôi cũng không quên giới thiệu sự phong phú và tinh tế của ẩm thực Việt Nam thông qua các tuần lễ ẩm thực, chạm đến trái tim của bạn bè quốc tế bằng hương vị đặc trưng của dân tộc.

Tôi tin rằng, văn hóa là một kênh đối ngoại vô cùng hiệu quả, một phương tiện để xây dựng cầu nối hữu nghị và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia. Các nhà ngoại giao, với vai trò là những người tiên phong, có trách nhiệm mang những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất của dân tộc đến với bạn bè quốc tế, góp phần làm giàu thêm bức tranh văn hóa đa dạng của thế giới và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Kỷ niệm chương này là nguồn động viên to lớn để tôi tiếp tục cống hiến hết mình trên hành trình này, làm cho Việt Nam ngày càng rạng rỡ hơn trên bản đồ thế giới.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

"Việc Tổng thống Pháp lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du khu vực của mình thể hiện rõ sự ưu tiên chiến lược và tầm quan trọng sâu sắc mà Pháp dành cho mối quan hệ song phương với Việt Nam. Vị thế của Việt Nam là đối tác ASEAN đầu tiên và duy nhất thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Pháp càng củng cố điều này." (Đại sứ Đinh Toàn Thắng)

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch” cho Đại sứ Đinh Toàn Thắng, tháng 7/2024.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch” cho Đại sứ Đinh Toàn Thắng, tháng 7/2024.

(thực hiện)

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-dinh-toan-thang-uu-tien-va-cam-ket-manh-me-voi-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-phap-315070.html