Đại sứ Phạm Sanh Châu: 'Tôi ôm đồm, 'lấn sân' nhưng không có nhu cầu kiếm nhiều tiền'
Đại sứ Phạm Sanh Châu được nhiều người xem là một nhân vật đặc biệt. Ông nổi tiếng với vai trò một đại sứ di sản hơn là một nhà ngoại giao kinh điển. Người ta còn được thấy một Phạm Sanh Châu rất khác khi ông tự nhận mình là người tham công tiếc việc, thích ôm đồm chuyện không phải của mình, thậm chí “lấn sân” sang cả lĩnh vực khác.
TỪ “TRẬN ĐÁNH” ĐẦU TIÊN ĐẾN HÀNH TRÌNH VINH DANH PHỞ, ÁO DÀI, TẾT VIỆT…
Thưa Đại sứ, được biết ông đang ấp ủ việc đưa món Phở của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể và Đại sứ cũng từng có ý định quảng bá áo dài và văn hóa Tết cổ truyền của người Việt Nam như những di sản văn hóa thế giới. Vậy ý tưởng và mong muốn xiển dương những nét văn hóa đặc sắc nước nhà của ông được khởi phát từ khi nào?
Mong muốn này bắt nguồn từ những ngày đầu tiên tôi tham gia các dự án Chính phủ về di sản văn hóa phi vật thể. Sự nghiệp của tôi gắn bó với UNESCO từ năm 1999 đến nay cũng đã hơn 20 năm. Sau đó, khi hoạt động trong ngành ngoại giao tôi lại càng quan tâm đến vấn đề này. Đặc biệt giai đoạn từ 2006-2016 là giai đoạn mở cửa mọi quan hệ kinh tế, văn hóa nhất là sau khi Việt Nam vừa gia nhập WTO.
Tôi còn nhớ, thời điểm những năm trong giai đoạn này, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm còn phụ trách mảng văn hóa và ông cũng là người rất thích ngoại giao bằng văn hóa, đặt nền móng cho các cán bộ ngoại giao như tôi. Từ đấy, mình có rất nhiều cơ hội, hoạt động để được thực hiện ngoại giao bằng văn hóa bên cạnh ngoại giao chính trị.
Đối với cá nhân tôi, “trận đánh” đầu tiên của tôi về di sản văn hóa đấy là tháng 7/2003 khi tôi bảo vệ thành công Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Ban đầu, hồ sơ của Phong Nha – Kẻ Bàng đã bị loại vì họ cho rằng di sản của mình không còn tính nguyên vẹn vì có đường mòn Hồ Chí Minh đi qua. Tính nguyên vẹn là một trong những tiêu chí quan trọng của họ. Năm 2003 cũng là năm cuối cùng trước khi tôi kết thúc nhiệm kỳ công tác, tôi đã tận dụng tối đa những mối quan hệ của mình kiên quyết bảo vệ và vinh danh di sản của nước ta. Sau thành công đầu tiên ấy, bản thân tôi hiểu được con đường “đánh trận” di sản văn hóa như thế nào, cách thức để vận động và triển khai hồ sơ đối với những di sản về sau ra sao.
Cũng khoảng thời gian này, UNESCO ban hành công ước vinh danh các di sản văn hóa phi vật thể như diễn xướng nghệ thuật, tri thức dân gian, thực hành tín ngưỡng, lễ hội, nghề thủ công… Khi bắt tay vào làm tôi mới thấy Nhã nhạc cung đình Huế của Việt Nam có đầy đủ tiêu chí để được vinh danh. Sau khi làm hồ sơ thì cùng năm 2003 Nhã nhạc cung đình Huế của chúng ta được vinh danh, tiếp đó là Cồng chiêng Tây Nguyên… và rất nhiều di sản khác của Việt Nam lần lượt được công nhận.
Tính đến nay, tôi rất tự hào khi đã đưa được 13 di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận.
Sau thành công của Nhã nhạc cung đình, Cồng chiêng Tây Nguyên, Bộ Văn hóa cũng đề xuất thêm một số thể loại diễn xướng khác như Quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử, cải lương… Tôi đều đã đồng hành cùng họ, đến từng địa phương để kết nối văn hóa. Có những chương trình được tổ chức tại địa phương thu hút hàng trăm vị Đại sứ các nước và phu nhân đến tham dự, hòa mình vào văn hóa của người dân Việt Nam.
Nhưng cũng chính vì vậy mà thời điểm này tôi có xu hướng thiên quá nhiều về các loại hình văn hóa nghệ thuật diễn xướng mà quên đi rằng UNESCO còn vinh danh thêm những lĩnh vực khác. Bởi thế, tôi đề xuất đưa tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng ra UNESCO xét duyệt hồ sơ. Thời điểm ấy, một số lãnh đạo cũng lo lắng về việc đưa vấn đề thờ cúng tổ tiên ra làm di sản liệu có ổn không. Để thuyết phục mọi người, tôi đã thử tiến hành với nghệ thuật Hát Xoan trước. Đến khi Hát Xoan được vinh danh thì mọi người đã có đủ lòng tin để giao cho tôi làm hồ sơ để UNESCO chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Một thành công vang dội của tôi là đã đưa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Nhờ đó mà các thanh đồng tham gia nghệ thuật hầu đồng rất tự hào, rất vinh dự vì trước đó họ từng bị phản đối, bị coi là mê tín dị đoan, không được nhiều người công nhận.
Sau thành công ở lĩnh vực diễn xướng, văn hóa tín ngưỡng, tôi tiếp tục thành công trong lĩnh vực làng nghề thủ công khi đưa Gốm Chăm – Ninh Thuận trở thành Nghề thủ công đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Tuy nhiên đến nay, tôi vẫn đau đáu về một lĩnh vực mà Việt Nam chưa được UNESCO ghi danh là ẩm thực. Ngoài ra, Tết cổ truyền dân tộc và nghệ thuật làm áo dài cũng là những nét văn hóa của nước ta mà tôi muốn được cả thế giới ghi nhận…
Qua lời kể của Đại sứ có thể thấy được đằng sau mỗi di sản văn hóa của Việt Nam được vinh danh là một câu chuyện rất dài, mang trong mình tình yêu lớn lao với nền văn hóa nước nhà. Ông có thể nói rõ hơn về động lực khiến ông nung nấu tâm nguyện đưa ẩm thực Việt Nam đến với UNESCO? Và tại sao lại là món Phở mà không phải một món ăn nào khác?
Mỗi món ăn của mỗi quốc gia đều mang đến một câu chuyện. Năm 2010, Mexico là quốc gia đầu tiên được UNESCO ghi danh văn hóa ẩm thực truyền thống với các món ăn từ ngô, đậu, ớt, bơ, cà chua… Sau đó đến kim chi của Hàn Quốc, Pizza của Ý, bia của Bỉ, bánh mì baguette của Pháp… lần lượt được vinh danh và thế giới biết đến nhiều hơn.
Tôi tự cảm thấy trước những món ăn của các nước bạn, món Phở của Việt Nam cũng rất xứng đáng được vinh danh. Vậy tại sao lại không làm hồ sơ để ẩm thực nước ta được ghi nhận? Đặc biệt, với một người con xa quê hương, sinh sống và công tác ở nước ngoài, hình ảnh và hương vị của món phở khiến chúng tôi không bao giờ quên. Ở nước ngoài, phở cũng là món ăn được bạn bè quốc tế ưa chuộng và rất yêu thích. Đi hầu khắp các nơi trên thế giới, món ăn này của Việt Nam cũng luôn được tái hiện và mang hương vị rất riêng.
Tuy nhiên, thực tế khi bắt tay vào làm hồ sơ cho món Phở Hà Nội, tôi và anh Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã gặp không ít khó khăn bởi có ý kiến cho rằng Phở Nam Định mới là phở gốc, buộc tôi phải đề xuất cả 2 địa phương cùng tham gia làm hồ sơ. Đến nay, về tiến độ thì đã hoàn thành một nửa chặng đường khi hoàn thành hồ sơ công nhận cấp Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tiếp theo sẽ là một hành trình mới đối với món Phở của Việt Nam khi xây dựng xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghề phở Việt Nam là Di sản Văn hóa Phi vật thể Thế giới.
Để làm được điều đó, khi ra trước hội đồng thẩm định của UNESCO, chúng ta phải giải trình được những tiêu chí mà họ yêu cầu như: Chứng minh được tính cộng đồng của món ăn, bản chất truyền thống của món ăn thông qua việc truyền dạy từ đời ông cha để nấu được món ăn đó… Không thể giới thiệu một cách cảm tính mà phải thuyết phục họ bằng giá trị thực sự của món ăn với chính cộng đồng chúng ta.
Như đã phân tích ở trên, thì phở thực sự là một món ăn phổ biến và mang đến giá trị ẩm thực điển hình của người dân Việt. Chắc chắn mọi người còn nhớ vào những thập niên trước, hình ảnh những quán ăn có biển tên “CƠM – PHỞ” xuất hiện ở khắp đường phố như một nét đặc trưng, thu hút khách du lịch đến với Việt Nam. Nếu món Phở thành công được UNESCO công nhận thì có thể được xem là một bước đột phá khi lần đầu tiên chúng ta tiếp tục thành công trên một lĩnh vực mới hoàn toàn. Đây cũng là nền móng để chúng ta tiếp tục phát triển và vinh danh thêm nhiều món ăn Việt khác.
Không chỉ là người nung nấu ý tưởng đưa các di sản văn hóa Việt Nam vươn tầm thế giới, dường như ông còn là người thực đích thân “xắn tay áo” thực hiện từng đường đi nước bước để hiện thực hóa hành trình di sản ấy?
Tôi cũng có đủ duyên và thời gian gắn bó với UNESCO để được tham gia xây dựng và hoàn thiện bản Công ước về bảo vệ văn hóa phi vật thể. Cũng chính vì đã nằm lòng những quy định, tiêu chí tổ chức đưa ra nên tôi có thể định hướng, nắm chắc từng bước đi để hoàn thiện các hồ sơ đề nghị công nhận di sản quốc tế.
Khao khát lớn nhất trong tôi là một ngày gần nhất, Tết cổ truyền của dân tộc sẽ được vinh danh. Mặc dù, tôi biết rất nhiều người lo lắng về sự trùng lặp văn hóa Tết cổ truyền giữa Việt Nam và một số quốc gia khác. Nhưng tôi vẫn rất quyết tâm triển khai vì Tết của chúng ta vẫn mang một nét văn hóa riêng được truyền lại từ ngàn đời. Nếu văn hóa Tết cổ truyền được vinh danh chắc chắn sẽ như một cách bảo hộ thương hiệu của riêng mình.
Tôi rất mong sớm hoàn thành những tâm nguyện của mình với di sản văn hóa của dân tộc. Những thành công này tiếp nối sẽ tạo nên bức tranh di sản của dân tộc Việt một cách trọn vẹn.
CHUYỆN PHÍA SAU ĐƯỜNG BAY THẲNG VIỆT NAM - ẤN ĐỘ VÀ ĐÁM CƯỚI CỦA GIỚI SIÊU GIÀU
Bên cạnh cơ duyên với di sản văn hóa của một đại sứ UNESCO, từng giữ vai trò Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ấn Độ, nhiều người ghi nhận ông là người đã tiên phong, tạo dựng những mối lương duyên mới giữa Việt Nam và Ấn Độ, đặt nền móng để kết nối nhiều tỷ phú Ấn Độ đến với Việt Nam đầu tư, kinh doanh trong những năm gần đây. Đại sứ có thể chia sẻ thêm về những ngày đầu tiên của ông tại Ấn Độ để dẫn đến một kết quả như hiện nay?
Đây đúng là một hành trình gian nan, cực kỳ vất vả để gây dựng. Có lẽ thành tựu mà tôi tự hào nhất, đó là đã khai mở, xây dựng được đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ. Tôi nhớ đến ngày bay sang Ấn Độ thực hiện nhiệm vụ của một Đại sứ, tôi đã phải quá cảnh ở Thái Lan suốt 9 tiếng đồng hồ. Thật sự quá vất vả, tôi tự hỏi tại sao quan hệ giữa hai nước đã có từ 2000 năm rồi mà thời buổi hiện đại lại không có đường bay thẳng?
Nghĩ là làm, việc đầu tiên là tôi đã đi gặp hầu hết các hàng hàng không của Việt Nam. Câu trả lời tôi nhận lại là những cái lắc đầu ngán ngẩm của lãnh đạo các hãng hàng không. Họ khẳng định đã khảo sát lượng hành khách có nhu cầu đi chặng bay này rất thấp, nếu mở đường bay chắc chắn sẽ lỗ lớn. Không chấp nhận bỏ cuộc, tôi đã tìm cách kết nối và gặp gỡ ban lãnh đạo của 5 hãng hàng không lớn của Ấn Độ. Và kết cục tôi vẫn tiếp tục nhận được câu trả lời “Không!” vì họ cũng khẳng định đã nghiên cứu thị trường và chắc chắn không thể có lãi.
Tuy nhiên, tôi vẫn rất kiên trì với ý tưởng của mình, cho đến khi tôi tìm cách gặp bằng được Tổng giám đốc Hãng hàng không IndiGo, cố bằng mọi cách thuyết phục ông ta. Cũng không rõ có phải chính do sự nhiệt tình, tâm huyết của mình hay vì tôi cố công năn nỉ khiến ông ấy động lòng nên rốt cuộc đã thuyết phục được lãnh đạo hãng hàng không nọ. Sau khi cân nhắc, vị này đã quyết định mở chặng bay ngắn nhất để giảm lỗ đến mức tối đa nhất là chặng bay Kolkata – Hà Nội với hơn 2 giờ bay. Trời đã không phụ lòng người khi những tuần đầu tiên mở đường bay đã thành công mỹ mãn, đảm bảo hơn 85% lượng hành khách trên các chuyến bay. Lúc này, tôi tự tin quay trở lại hãng hàng không của Việt Nam để thuyết phục họ mở đường bay theo chiều ngược lại với Ấn Độ.
Một câu chuyện nhỏ vui vui trong quá trình kêu gọi Vietjet mở đường bay đó là việc xin giờ bay đẹp cho hãng hàng không Việt Nam tại sân bay của nước bạn. Đây chính là yếu tố then chốt quyết định việc mở chặng bay có thành công hay không. Nói thật là lúc đó tôi chẳng quen biết một ai có thẩm quyền quyết định vấn đề này. Tình cờ khi ra sân bay thấy một tấm biển ghi tên người phụ trách sân bay. Tôi lập tức tìm hiểu về nhân vật được cho là chịu trách nhiệm đầu mối quản lý xếp slot tại sân bay Ấn Độ.
Biết tin ông ta sắp tổ chức hôn lễ cho con, tôi bèn tìm cách đến dự đám cưới của con gái nhân vật này. Hôm đó, tôi chấp nhận kiên nhẫn xếp hàng dài hàng trăm người đến chúc phúc gia đình họ và cũng ngay trong ngày vui của họ, sau lời chúc mừng tôi đã tranh thủ mở lời xin được slot giờ bay đẹp để Vietjet yên tâm mở đường bay thẳng theo chiều từ Việt Nam sang Ấn Độ. Đến giờ anh có thể thấy, lượng khách du lịch Ấn Độ sang Việt Nam tăng đáng kể trong nhiều năm liền, lên đến hơn 250% tính từ năm 2019 đến nay hứa hẹn thời kỳ bùng nổ.
Nhưng đáng nói là không chỉ có khách du lịch bình thường mà ngày càng nhiều người thuộc giới thượng lưu, siêu giàu của Ấn Độ cũng đã đến Việt Nam du lịch, đầu tư, làm ăn. Thậm chí, một số tỷ phú Ấn Độ lựa chọn sang Việt Nam tổ chức đám cưới cho con cái mình là điều chưa từng xảy ra trước đây. Được biết chính ông là người đã khai mở xu hướng này, ông đã làm việc đó như thế nào?
Có lẽ sự kiện có vai trò đánh dấu mối quan hệ với giới siêu giàu của Ấn Độ đó là vào tháng 3/2019, đã diễn ra đám cưới của một cặp tỷ phú Ấn Độ đã diễn ra tại Phú Quốc với 700 khách mời đều thuộc giới thượng lưu. Siêu đám cưới này đã diễn ra 4 ngày với nhiều sự kiện “vô tiền khoáng hậu” chưa từng có trước đây.
Câu chuyện này cũng bắt nguồn từ một cơ duyên của tôi. Lúc tôi sang Ấn Độ và có dịp dùng cơm thân mật với phụ huynh của cặp đôi tỷ phú này. Họ bộc bạch muốn tìm một nơi tổ chức đám cưới được uống rượu, thoải mái thỏa mãn nhu cầu của gia đình. Bởi với người Ấn, bên cạnh sinh nhật lần thứ 60 (một dịp trọng đại kiểu như lục thập hoa giáp trong văn hóa Á Đông) thì đám cưới của con cái là sự kiện lớn nhất trong cuộc đời. Họ muốn dành phần lớn tài sản để tổ chức những đám cưới xa hoa, những bữa tiệc xa xỉ thể hiện đẳng cấp. Anh không tưởng tượng nổi đâu, họ thậm chí còn đầu tư hàng trăm đô la để tạo ra mỗi tấm thiệp mời xa hoa đến choáng ngợp để gửi đến quan khách tham dự đám cưới.
Đối với đám cưới này ở Phú Quốc, bản thân vị tỷ phú ấy cũng đã đặt ra cho tôi 22 “bài toán”, yêu cầu tôi phải đáp ứng được thì họ mới lựa chọn tổ chức như: Phải có máy bay được thuê riêng để chở thẳng hành khách từ Ấn Độ đến Phú Quốc; miễn visa cho tất cả các hành khách; được mang theo 55 đầu bếp riêng từ Ấn Độ sang; phải đảm bảo về mặt hải quan những loại nguyên liệu ẩm thực mà họ mang tới; tổ chức bắn pháo hoa mừng lễ cưới... Và trong khả năng của mình, tôi đã cố gắng hết sức hoàn thiện hầu hết các yêu cầu của họ đề ra để ngày vui của gia đình vị tỷ phú diễn ra một cách trọn vẹn nhất.
Sau sự kiện thành công mỹ mãn đó, đã mở ra xu hướng các gia đình tỷ phú Ấn Độ lựa chọn tới Việt Nam tổ chức hôn lễ thay vì sang các nước châu Âu hay Bali… Từ những viên gạch đặt nền móng, sự kiện đầu tiên đã thành công rực rỡ nên trong quá trình hoạt động ngoại giao của mình, tôi cũng luôn cố gắng kết nối, mời gọi giới nhà giàu Ấn Độ đến Việt Nam để tổ chức những sự kiện lớn nhất trong cuộc đời họ và thật may mắn đã có một số vị tin tưởng, lựa chọn.
Đại sứ có thể kể về mối cơ duyên đặc biệt với ông Gautam Adani, vị tỷ phú giàu thứ 2 Ấn Độ hiện nay? Chơi với giới siêu giàu không phải dễ, ông làm thế nào để bước chân vào thế giới của họ?
Đây là sự kết nối về tình cảm mang tính cá nhân. Tôi là người duy nhất không phải thành viên gia đình được mời dự sinh nhật 60 tuổi của vị tỷ phú này. Tôi cũng đã gửi tặng ngài ấy tác phẩm Thần voi Ganisha được làm bằng tăm hết sức độc đáo do một nghệ nhân Việt Nam thực hiện.
Nếu để tự đánh giá, tôi tin rằng mình là người theo trường phái kết nối. Làm ngoại giao nhưng tôi không biết uống rượu bia, tôi chỉ muốn chia sẻ chân thành nhất để đối phương thấu hiểu tâm nguyện của mình. Làm sao để “chơi” được với giới siêu giàu Ấn Độ quả thực không phải chuyện đơn giản. Tôi đã tranh thủ dịp có một tỷ phú Ấn Độ bày tỏ nguyện vọng muốn được mời 15 Đại sứ đến dự đám cưới của con ông ta. Đây là một thách thức bởi mời một lúc 15 vị Đại sứ ở các thành phố khác nhau đến dự một đám cưới lại không hề dễ. Nhưng tôi quả quyết: “Để chúc mừng cho ngày vui của gia đình ông, tôi sẽ thay ông mời 15 Đại sứ cùng vợ họ đến. Họ sẽ mặc trang phục của đất nước họ và mang quà của họ đến". Rốt cuộc, cả 15 vị Đại sứ đã cùng nhau xuất hiện tại đám cưới và tôi đã “ghi điểm” trong mắt nhà tỷ phú nọ.
“TÔI KHÔNG CÓ NHU CẦU KIẾM NHIỀU TIỀN. CHỈ CÓ NHU CẦU KHÔNG ĐƯỢC NGHÈO THÔI”
Trong lĩnh vực di sản văn hóa hay ngoại giao, tên tuổi Đại sứ Phạm Sanh Châu đều đã để lại dấu ấn. Nhưng có vẻ như sau khi kết thúc nhiệm vụ của một nhà ngoại giao, ông có vẻ bận rộn hơn với những dự định của mình và cũng tự do hơn để thi triển những thế mạnh riêng có?
Anh nói có ý đúng bởi khi còn đảm đương nhiệm vụ, gánh vác trọng trách tôi sẽ có nhiều hạn chế, bó buộc, khó có thể thực hiện những dự định ấp ủ. Có rất nhiều nguồn năng lượng mà trong thời điểm công tác tôi chưa thể thi triển để trở thành những sản phẩm có ý nghĩa.
Rất nhiều Đại sứ của các nước hoặc những người làm trong ngành ngoại giao nhận định tôi là một đại sứ đặc biệt. Khi còn giữ cương vị Đại sứ ngoại giao, tôi vẫn rất muốn tạo nên những giá trị.
Tôi rất thích một câu danh ngôn của Albert Einstein: "Đừng nên cố gắng trở thành một người thành công, hãy cố gắng trở thành một người có giá trị
Đại sứ Phạm Sanh Châu
Đây cũng là lý do để tôi đẩy mạnh phát triển, quảng bá những di sản văn hóa dân tộc. Bên cạnh là nhiệm vụ được lãnh đạo Đảng và Nhà nước giao phó thì đó còn là đam mê của bản thân tôi.
Đúng là có ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế. Một vấn đề mà nhiều người biết tôi rất băn khoăn, đó là chẳng ai bắt tôi phải làm những việc làm ngoài vai trò đại sứ ngoại giao của mình. Tôi là một người tham công tiếc việc. Đúng, không ai bắt tôi làm cả. Kể cả vấn đề làm kinh doanh, bản thân tôi không có nhu cầu kiếm nhiều tiền. Tôi chỉ có nhu cầu không được nghèo thôi.
Đến giờ, người ta hầu như không biết đến việc có một ngôi làng trên đất Pháp gần Nantes được người dân ở đó gọi trìu mến là làng Phạm Sanh Châu. Số là trong thời gian tôi còn là Đại sứ công tác tại Liên minh châu Âu, khi đó nước Pháp rất thiếu lao động làm nghề mổ lợn, trong khi bà con ta trong nước lại rất sẵn người có tay nghề. Thời điểm ấy, giữa Việt Nam và Pháp cũng không hề có hiệp định về hợp tác lao động. Mặc dù không phải việc của mình, nhưng tôi vẫn đặt vấn đề với quan chức chính phủ Pháp tháo gỡ thủ tục hành chính, tạo cơ chế đưa lao động Việt Nam sang Pháp làm việc trong lĩnh vực này. Kết quả, rốt cuộc đã có khoảng 100 người Việt đã tới Pháp theo diện trên. Họ đã làm việc rất tốt, sinh sống ở đó và lập hẳn một ngôi làng Việt Nam gần Nantes.
Có thể có người coi tôi là người hơi “ồn ào” khi nổi tiếng trên mạng xã hội, kết giao rộng rãi bên ngoài giới ngoại giao, thậm chí cả người trong showbiz, rồi tham gia thi tuyển Tổng giám đốc UNESCO…Nhưng tôi nghĩ khác, tôi cho rằng việc tham gia thi tuyển Tổng giám đốc UNESCO hay một hành động nhỏ như đặt chai nước do Việt Nam sản xuất trong buổi phỏng vấn của tôi cũng là một cách thức quảng bá cho đất nước.
Trong sự nghiệp hàng chục năm làm ngoại giao của mình, có điều gì khiến ông nhớ nhất, trăn trở hay hối tiếc nhất không?
Cha tôi là một nhà ngoại giao và tôi được sinh ra ở nước ngoài. Tôi cũng từng là một người lính pháo binh trong những năm biên giới phía Bắc vẫn khói lửa ác liệt ở Thanh Thủy, Vị Xuyên trên Hà Giang. Sau đó tôi mới tiếp tục đi học để công tác trong ngành ngoại giao. Thật sự mà nói, tôi đã vượt qua vô vàn những khó khăn trong quá trình thực hiện vai trò của một nhà ngoại giao.
Nói là hối tiếc cũng không đúng nhưng cũng có người bảo tôi sao ông không “nhạy bén” một tí thì có phải đã “nên người” rồi không. Tôi được học hành bài bản, lại giỏi ngoại ngữ nên thường xuyên đi phiên dịch cho lãnh đạo cấp cao như Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch nước Lê Đức Anh hay Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Cũng có lãnh đạo tin tưởng, quý mến hỏi tôi có muốn chuyển chỗ này chỗ kia không. Đấy rõ ràng là cơ hội tốt để thăng tiến còn gì nhưng bấy giờ chả có ai tư vấn hay “quân sư” cho mình cả, song cái chính là tôi vẫn thích làm ngoại giao.
Còn cái khó nhất tôi vướng phải có lẽ chính là đôi khi gặp sự đố kỵ, thiếu tôn trọng trong công việc. Đó cũng là điều khiến tôi trăn trở nhiều trong sự nghiệp 40 năm làm ngoại giao của mình. Tuy nhiên nếu nhìn nhận lại, tôi tự cảm thấy phải chăng do mình làm tốt hơn người ta những gì không thuộc bổn phận của mình. Mặc dù ngoại giao không hề phân chia lĩnh vực, tất cả chỉ vì đại cục, vì lợi ích chung của dân tộc. Nhưng ngược lại, cũng chính nhờ sự “lấn sân”, ôm đồm công việc thì mới có một Phạm Sanh Châu đóng góp rất nhiều cho di sản và có một kết thúc có hậu cho sự nghiệp.