Đại sứ Việt Nam tại UAE: Ngoại giao kinh tế là ưu tiên hàng đầu trong công tác đối ngoại
'Tối đa hóa tiềm năng hợp tác, tận dụng mọi cơ hội đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước' là phương châm ngoại giao kinh tế của Đại sứ Việt Nam tại Các Tiểu Vương quốc Arab (UAE) Nguyễn Mạnh Tuấn.
Thưa Đại sứ, sức hút của thị trường Việt Nam đối với UAE là gì?
UAE coi Việt Nam là đối tác thương mại lớn và thị trường đầu tư tiềm năng.
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và UAE chiếm 30% khối lượng trao đổi thương mại UAE - ASEAN.
Bạn có thế mạnh về dầu và các sản phẩm dầu mỏ, nhu cầu lớn về an ninh lương thực, nhu cầu tiêu dùng trong nước và tái xuất khẩu, nhu cầu về đầu tư, dịch vụ du lịch, lao động có tay nghề, và Việt Nam có đủ điều kiện để đáp ứng.
Tỷ trọng này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hiện các nhà đầu tư UAE đang quan tâm mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, dịch vụ hậu cần, cảng biển, du lịch, khách sạn bên cạnh ngành truyền thống là dầu khí.
Hơn 2 thập niên qua, UAE được coi là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Việt Nam. Các lĩnh vực đầu tư chính là gì ?
UAE là một trong những nhà đầu tư lớn của khu vực vùng Vịnh tại Việt Nam, có thế mạnh về kỹ thuật công nghệ, tài chính, cơ sở hạ tầng và logistics.
UAE hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở khu vực Trung Đông và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều trong những năm gần đây đạt trên 6 tỷ USD.
Các nhà đầu tư UAE có tầm nhìn kinh doanh quốc tế, hiện muốn đầu tư vào Việt Nam để tranh thủ các thỏa thuận đa phương, song phương Việt Nam đã ký với quốc tế.
Hiện nay phía bạn đang quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, dầu mỏ, cơ sở hạ tầng và du lịch.
Trong con mắt của nhiều người, thế mạnh của UAE chủ yếu là nguồn dầu mỏ dồi dào. Ý kiến Đại sứ như thế nào?
Không thể phủ nhận dầu mỏ cho đến nay vẫn là nguồn thu chính của UAE.
Tuy nhiên, có thể nói lãnh đạo UAE đã triển khai tầm nhìn dài hạn khi chủ trương phát triển mạnh nền kinh tế phi dầu mỏ để giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào khu vực dầu mỏ.
Hiện dầu mỏ chỉ chiếm 30% GDP của UAE.
Để thực hiện mục tiêu trên, chính phủ UAE đã chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch, hàng không, dịch vụ, logistics, cảng biển, xây dựng các khu kinh tế mở (chế biến, tái xuất), các ngành công nghiệp phụ trợ và một số ngành công nghiệp kỹ thuật cao.
Hiện nay, UAE đẩy nhanh tốc độ số hóa nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu năng lượng sang các nguồn năng lượng xanh, sạch và bền vững, áp dụng các chương trình, phần mềm quản lý hiện đại nhất trong phát triển kinh tế; đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đặt biệt để thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển mạnh các khu thương mại tự do, phát triển mạnh cơ sở hạ tầng.
UAE cũng đẩy mạnh đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, lao động Việt Nam ở UAE có bị tác động tiêu cực?
Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang UAE từ năm 2000. Hiện có khoảng 3.000 lao động đang làm việc hợp pháp tại đây.
Hiện nay, UAE đẩy nhanh tốc độ số hóa nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu năng lượng sang các nguồn năng lượng xanh, sạch và bền vững, áp dụng các chương trình, phần mềm quản lý hiện đại nhất trong phát triển kinh tế
Ngành nghề chủ yếu là ngành xây dựng, cơ khí, đóng tàu, dịch vụ, vệ sĩ, giúp việc gia đình,…
Thu nhập bình quân của lao động phổ thông từ 400 - 450 USD/tháng và khoảng 600 - 700 USD/tháng đối với lao động có nghề.
Do bất ổn chính trị tại khu vực Trung Đông và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong những ngày đầu năm 2020 đến nay đã có những tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác lao động Việt Nam - UAE.
Nhờ vào sự phục hồi kinh tế và kết quả tích cực trong phòng chống dịch Covid-19 tại UAE, hợp tác lao động giữa hai nước đang dần được khôi phục.
Thời gian tới có sự gia tăng về số lượng hay sự thay đổi về cơ cấu thành phần lao động?
Sắp tới, nhu cầu lao động nước ngoài tại UAE dự báo sẽ tăng, đặc biệt trong các ngành như xây dựng, dịch vụ, khách sạn.
Ngoài ra, UAE vẫn đang có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực giúp việc gia đình, tuy nhiên thu nhập từ công việc này còn thấp.
Sự thiết hụt lao động của UAE là cơ hội cho lao động Việt Nam sang làm việc. Tuy vậy, việc này còn phụ thuộc vào tiến độ giải quyết dịch bệnh Covid-19.
So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, lao động của Việt Nam xếp vị trí như thế nào ở thị trường UAE?
UAE là thị trường tiếp nhận đa dạng nguồn nhân lực nước ngoài, chủ yếu là lao động các nước thuộc khu vực Nam Á, châu Phi và Trung Đông như Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Philippines, Bangladesh.
Lao động phổ thông Việt Nam đang phải chịu nhiều cạnh tranh so với các nước cung ứng khác như về yếu tố mức lương, ngoại ngữ, văn hóa.
Trong khu vực Đông Nam Á, Philippines và UAE là hai đối tác có quan hệ hợp tác lâu năm về lao động.
Lao động phổ thông Việt Nam đang phải chịu nhiều cạnh tranh so với các nước cung ứng khác như về yếu tố mức lương, ngoại ngữ, văn hóa.
Lao động Philippines là một trong những lựa chọn ưu tiên tuyển dụng của chủ sử dụng UAE, do có lợi thế về ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu công việc, nhất là trong các ngành dịch vụ.
Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế trong những ngành nghề kỹ thuật như cơ khí, xây lắp, dầu khí, sản xuất.
Nền kinh tế của hai nước có lợi thế so sánh như thế nào?
Nền kinh tế Việt Nam và UAE có tính bổ trợ cao.
UAE là nước có thế mạnh về vốn, công nghệ và kinh nghiệm trong các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, cơ sở hạ tầng, logistics, du lịch, đều là những lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu hợp tác nhiều.
Trong khi đó, là nước nhập khẩu lớn về các sản phẩm nông nghiệp, UAE mong muốn hợp tác với Việt Nam về đảm bảo an ninh lương thực tại quốc gia này và cung cấp cho các thị trường khác.
Ngoài ra, do nền kinh tế phụ thuộc lớn vào lao động nước ngoài, UAE cũng cần thu hút lao động có tay nghề của Việt Nam.
Vậy hai bên cần làm gì để tối đa hóa lợi thế hợp tác?
Điều quan trọng nhất là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, sớm triển khai các hiệp định giữa các bộ, ngành hai nước thông qua cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích của các hiệp định, thỏa thuận này, các cơ quan hữu quan cũng như cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần nỗ lực nhiều hơn.
Trước mắt, cần tăng cường cam kết giữa hai chính phủ, đồng thời tạo thêm kênh thông tin để cung cấp hỗ trợ cho doanh nghiệp hai bên.
Phương châm của ông về ngoại giao kinh tế ?
Đại sứ quán luôn đặt ngoại giao kinh tế là ưu tiên hàng đầu trong công tác đối ngoại, với phương châm "tối đa hóa tiềm năng hợp tác, tận dụng mọi cơ hội đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước".
Với phương châm này, Đại sứ quán luôn chủ động tiếp cận lãnh đạo các bộ, ngành, tập đoàn lớn của UAE để quảng bá tiềm năng hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như tìm hiểu nhu cầu hợp tác đầu tư, thương mại của các đối tác UAE để giới thiệu, tư vấn cho các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp Việt Nam về các biện pháp thúc đẩy hợp tác.
Đại sứ quán đã triển khai phương châm này trong thực tiễn như thế nào?
Đại sứ quán thực hiện các ưu tiên cụ thể như chủ động quảng bá hình ảnh Việt Nam và các sản phẩm tại UAE; tăng cường tiếp xúc các cơ quan, đặc biệt là lãnh đạo các bộ, ngành phía bạn; thiết lập kênh thông tin, tiếp xúc rộng rãi trong giới doanh nghiệp, cung cấp thông tin về trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp hai nước thông qua các kênh và hình thức khác nhau.
Cũng cần lưu ý, UAE là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư quan trọng, là thị trường lớn và tiềm năng của Việt Nam trong khu vực, nhưng phía bạn thường xuyên đổi mới, điều chỉnh các quy định của sở tại, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, Đại sứ quán đã chủ động, bám sát nghiên cứu luật thương mại và công nghiệp của UAE, các chính sách xuất nhập khẩu và thường xuyên cập nhật những thay đổi trong các quy định nhập khẩu hàng hóa của nước sở tại để thông báo kịp thời và tư vấn cho các đơn vị và doanh nghiệp trong nước, phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ thành công nhiều vướng mắc do những thay đổi trong chính sách nhập khẩu của nước sở tại đem lại, nhằm thông suốt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang UAE.
Hằng năm, Đại sứ quán đều hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham dự các hội chợ lớn tại UAE để tăng cường kết nối các đối tác giữa hai nước.