Đại tá, nhà văn Lê Hải Triều: Viết hồi ký binh nghiệp như một cái duyên lớn
Trước khi bén duyên với văn chương, Lê Hải Triều từng là người lính 'vào sinh ra tử' trong những trận chiến ác liệt nhất mặt trận phía Nam.
Viết hồi ký binh nghiệp cho các tướng lĩnh nhưng luôn tràn đầy chất văn là điều mà ít cây bút đương thời có thể làm được như Đại tá, nhà văn Lê Hải Triều. Và dù đã chấp bút hồi ký cho 26 tướng lĩnh như Đặng Vũ Hiệp, Chu Huy Mân, Khuất Duy Tiến, Tiêu Văn Mẫn, Nguyễn Huy Hiệu, Lê Văn Dũng… nhưng Lê Hải Triều vẫn khiêm tốn nhận mình chỉ là người lưu lại những điều đúng như cuộc sống và chiến tranh vốn có.
Viết sách lịch sử nhưng không khô khan
Đại tá, nhà văn Lê Hải Triều sinh năm 1947 tại thôn Phú Yên, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ông hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội. Trước khi nghỉ hưu, ông là biên tập viên NXB Quân đội Nhân dân. Ngoài “thương hiệu” là người viết hồi ức binh nghiệp cho các vị tướng, Lê Hải Triều còn là tác giả cuốn sách cảm động được tái bản đến 5 lần, gây được hiệu ứng lớn trong xã hội, mang tên “Nguyên ơi” (do NXB Quân đội Nhân dân, NXB Công an Nhân dân và NXB Hội Nhà văn lần lượt ấn hành). Đây là cuốn sách mà ông viết để tưởng nhớ người con trai xấu số của mình - Lê Viên Hải Nguyên.
Trước khi bén duyên với văn chương, Lê Hải Triều từng là người lính “vào sinh ra tử” trong những trận chiến ác liệt nhất mặt trận phía Nam. Đặc biệt trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, với thành tích tiêu diệt 17 lính Mỹ, ông được kết nạp Đảng, được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì cùng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” khi mới 21 tuổi.
Sau chiến dịch, Lê Hải Triều được cử đi báo cáo thành tích tại Hội nghị Mặt trận B3. Tại đây, ông được gặp Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp (người sau này là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) và từ đó hai người có một tình bạn đặc biệt, để sau này khi đã theo nghiệp viết thì người đầu tiên Lê Hải Triều tìm đến viết hồi ký là tướng Đặng Vũ Hiệp.
Tuy là người lính trực tiếp cầm súng nhưng Lê Hải Triều lại có năng khiếu và đam mê viết. Đó cũng là lý do khi ông đang đương chức Trưởng phòng Tuyên huấn Quân đoàn 3 lại rẽ ngang làm biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân.
Ông miệt mài viết sách về lịch sử chiến tranh với lối viết súc tích, chi tiết nhưng không khô khan, không sa vào kể lể, thống kê hóa kiểu viết sử đơn thuần. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như: “Chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh”, “Chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh - Những tập thể Anh hùng”, “Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang”, “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, “Chuyện kể về các anh hùng liệt sĩ”, “Lịch sử Trung đoàn 66”, “Lịch sử Sư đoàn 10”, “Đường vào Buôn Ma Thuột”…
Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia sưu tầm, biên soạn và xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị như: “Phép dụng binh Trung Quốc cổ đại” (tác giả Giáo sư Nguyễn Duy Quý), “Quan điểm cơ bản bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” (Đại tướng Đoàn Khuê), “Đảng lãnh đạo quân đội là nguyên tắc cơ bản, nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta” (Thượng tướng Lê Khả Phiêu, sau này là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng). Ông cũng tham gia viết kịch bản phim về lịch sử chiến tranh cho Hãng phim tài liệu Đài Truyền hình Việt Nam và Hãng phim Mê Kông TP Hồ Chí Minh.
Định hình phong cách viết hồi ký
Tuy nhiên, thể loại mà Lê Hải Triều thành công hơn cả là viết hồi ký cho các tướng lĩnh. Đầu tiên là cuốn “Ký ức Tây Nguyên” của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp. Lý giải nguyên nhân viết hồi ký cho tướng Hiệp, nhà văn Lê Hải Triều cho biết: “Ông là nhà quân sự trí thức, khác biệt bởi sự thông minh, sắc sảo, quyết đoán và hóm hỉnh”.
Nhưng khi bắt đầu viết, tướng Hiệp dặn nhà văn rằng, ông chỉ là người dẫn chuyện, là cầu nối nên khi viết phải nói về chiến sĩ, về cán bộ cấp dưới, về nhân dân và điều quan trọng là hạn chế cái “tôi” của ông đến mức thấp nhất.
Ngoài các cuộc ghi âm, phỏng vấn, tướng Hiệp còn giao cho nhà văn 39 cuốn sổ nhật ký chiến trận từ năm 1965 - 1975, ghi chép thông tin hằng ngày, thậm chí tên tuổi, quê quán của từng binh lính bị thương hoặc hy sinh cùng những sự kiện đáng nhớ khác.
Đó là nguồn tư liệu quý giá giúp nhà văn thể hiện sinh động, chân thực những gì diễn ra trong suốt 10 năm ở chiến trường Tây Nguyên của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp.
Ở cuốn sách này, bạn đọc không thể không ấn tượng với một vị chỉ huy luôn đồng cam cộng khổ, đặc biệt là luôn ghi nhận công lao của từng cán bộ, chiến sĩ dù là người có cấp bậc nhỏ nhất, đúng như quan điểm của ông: “Tất cả mọi chiến thắng và kỳ tích anh hùng ở chiến trường đều làm nên bởi những binh nhất, binh nhì và cán bộ phân đội”.
“Ký ức Tây Nguyên” đã nhận được nhiều lời khen của bạn đọc và đồng nghiệp. Sách in lần đầu đúng dịp kỷ niệm 25 năm Ngày giải phóng Tây Nguyên (tháng 3/2000), sau đó tái bản 3 lần với tổng số 15 nghìn cuốn và được dịch ra tiếng Anh.
Lý giải thành công của cuốn sách, nhiều người cho rằng là do Lê Hải Triều vốn là người trong cuộc và có nhiều đồng cảm với tướng Hiệp và ông đã gửi gắm suy nghĩ thật của mình vào câu chuyện của nhân vật chính, đặc biệt là lối viết không theo khuôn mẫu thường thấy của thể loại hồi ký, vì thế người đọc không bị nhàm chán. Có thể nói, Lê Hải Triều đã tạo dựng được thương hiệu “viết hồi ký” ngay trong tác phẩm đầu tay này.
Được “chọn mặt gửi vàng”
Từ thành công của cuốn sách này, Lê Hải Triều được nhiều tướng lĩnh “chọn mặt gửi vàng” để viết hồi ký. Lê Hải Triều sau đó đã viết “Thời sôi động” cho Đại tướng Chu Huy Mân.
Nhà văn đã cho người đọc thấy được một phần cuộc đời cách mạng với những sự kiện sôi động, oanh liệt của Đại tướng Chu Huy Mân với các tên Hai Mạnh (mạnh về quân sự, mạnh về chính trị).
Cuốn sách chia làm 6 giai đoạn (từ 1929 đến 1975), tuân theo trình tự thời gian sự kiện với phương pháp thể hiện là hồi ức xen lẫn với những tổng kết, đánh giá của chính người trong cuộc.
Cuốn “Một thời Quảng Trị” của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu do Lê Hải Triều chấp bút xuất bản năm 2008, dày 539 trang, chia làm 7 chương với số lượng phát hành lần đầu trên 1 vạn bản, đến nay đã tái bản 3 lần.
Lật từng trang sách, người đọc như đắm mình vào những tháng ngày sôi động với các trọng điểm, lũy thép, chiến dịch phản công, tấn công…; thấy được sự tài trí, mưu lược, bản lĩnh của những người lãnh đạo, chỉ huy cũng như tinh thần quyết tâm, quả cảm của chiến sĩ.
Đặc biệt, các trang viết sáng lên tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, cao đẹp. Những lúc gian nguy, cận kề cái chết vậy mà luôn có người nhận sự hy sinh về mình.
Rõ ràng, chiến tranh không chỉ có chiến thắng, mà còn là hy sinh, mất mát, là những đồng đội vĩnh viễn nằm xuống, thậm chí thân thể không còn được nguyên vẹn… Cuốn sách cũng đã được Giáo sư Lê Quang Long dịch sang tiếng Anh và Bộ Ngoại giao chọn làm quà tặng Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam.
Đặc biệt, cuốn hồi ký “Những miền ký ức” đã vinh dự được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết lời giới thiệu với những dòng chữ hết sức cảm động: “Cuốn sách “Những miền ký ức” của Trung tướng Tiêu Văn Mẫn do Đại tá Lê Hải Triều thể hiện đã tái hiện những chặng đường chiến đấu, công tác anh đã trải qua.
Do sự phong phú về vốn sống và sự trải nghiệm gắn với những vị trí công tác khác nhau nên cuốn sách là tư liệu quý để người đọc hiểu hơn về cuộc sống của anh nói riêng và bộ đội ta nói chung…
Trong cuốn hồi ký “Những miền ký ức”, các câu chuyện được tái hiện sống động, chân thực, cuốn hút và có chiều sâu, nhiều tư liệu quý rất nên đọc và suy ngẫm”.
Có thể nói với lời văn bình dị, mộc mạc, chân thực, Lê Hải Triều đã thực sự làm “sống lại” những con người, sự việc trong cuộc chiến để độc giả, nhất là độc giả trẻ hiểu thêm về chiến tranh, về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ kiên cường, bất khuất.
Như một cái duyên lớn, giờ đây khi đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhà văn - người lính già vẫn cặm cụi thăm lại chiến trường xưa, miệt mài sưu tầm tư liệu chiến tranh để phản ánh chân thực về cuộc chiến đã qua. Đó là cách để Lê Hải Triều tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc.