Đại thắng mùa Xuân 1975 - Dấu ấn hào hùng qua ảnh lịch sử

Sau hơn 20 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, ngày 30/4/1975 trở thành ngày hội của non sông. Vào thời khắc đó, đã có những nhà báo, phóng viên trong nước và nước ngoài chụp được những hình ảnh lịch sử. Tới nay, vừa tròn 50 năm, những hình ảnh lịch sử cùng với những hồi ức của các tác giả tạo thành 'những thước phim vàng' tái hiện thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc.

Xe tăng Quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, ghi dấu mốc lịch sử kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất hoàn toàn đất nước. Ảnh: TTXVN

Xe tăng Quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, ghi dấu mốc lịch sử kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất hoàn toàn đất nước. Ảnh: TTXVN

Một trong những bức ảnh nổi tiếng về ngày 30/4/1975 là hình ảnh hai chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và 390 tiến vào Dinh Độc Lập do Francoise Demulder - nữ phóng viên ảnh nổi tiếng thế giới người Pháp chụp. Sáng 30/4/1975, từ khách sạn, Demulder đi bộ đến văn phòng của AFP nằm phía sau Dinh Độc Lập. Vừa đến văn phòng, bà được được tin Quân Giải phóng sắp vào thành phố. Ngay lập tức, Demulder quay về khách sạn lấy đồ nghề và cùng hai đồng nghiệp quay phim người Anh và Australia lên một chiếc xe đến Dinh Độc Lập.

Khi đến nơi, họ nhận ra Dinh Độc Lập không có người gác. Được biết, chỉ khoảng 10 phút nữa, Quân Giải phóng sẽ vào, bà vội vã ra bậc thềm chuẩn bị máy. Bỗng một trái đạn được phóng ra từ xe tăng rít lên trong sân trước Dinh Độc Lập. Bà không dám đứng ở vị trí cũ mà đi xuống bãi cỏ. Liền đó, chiếc xe tăng mang số hiệu 843 dẫn đầu đội hình lao vào cổng phụ và bị kẹt. Tiếp theo là chiếc xe tăng mang số hiệu 390 tiến lên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập và tiến sâu vào trong sân. Với chiếc máy ảnh có ống kính tele 200mm trong tay, Demulder liên tục bấm máy ghi lại những phút giây “có một không hai” này. Hình ảnh những chiếc xe tăng đầu tiên của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập đã được chụp lại trong khoảnh khắc hiếm có.

Một trong hai nhà báo đầu tiên của Việt Nam có mặt trong những giây phút Sài Gòn hoàn toàn được giải phóng, đó là Đậu Ngọc Đản[1]. Khi đó, ông là phóng viên Thông tấn quân sự, thuộc Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Vinh dự có mặt ở Sài Gòn vào đúng ngày 30/4 lịch sử, nhà báo Đậu Ngọc Đản khẳng định: “Đó là điều may mắn lớn của đời tôi”. Ấn tượng lúc đó vẫn luôn thường trực trong ký ức của nhà báo: “Khi vào Sài Gòn, cảm giác của tôi giống như một cậu học trò ở quê lần đầu ra tỉnh vậy. Đó là một thành phố phồn hoa đô hội, nên chúng tôi không tránh khỏi sự ngỡ ngàng. Nhưng với tâm thế của người chiến thắng nên tự nhiên cũng thấy tự tin hơn. Đang tác nghiệp, nhưng chính chúng tôi cũng muốn hòa mình vào không khí chiến thắng ấy vì thấy người dân miền Nam ai cũng có niềm vui ngập tràn trên khuôn mặt, không khí rộn ràng vô cùng...”. Năm đó, Thiếu úy Đậu Ngọc Đản mới 24 tuổi, đi cùng đội hình Tiểu đoàn 4 của Lữ đoàn Xe tăng 203. Khi Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, ông đã chụp bức hình: Đại úy Phạm Xuân Thệ áp giải Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng.

Cùng thời gian, nhiều phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam được cử đi theo các mũi tiến công thần tốc của Quân Giải phóng. Nhớ về những ngày tháng ấy, ông Đinh Quang Thành - nguyên phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam bồi hồi tâm sự: “Ngày 30/4/1975 là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm báo của tôi”. Sau hơn một tháng theo các đoàn Quân Giải phóng từ Bắc vào Nam, sáng 30/4/1975, Đinh Quang Thành cùng tổ phóng viên “mũi nhọn” theo một mũi tiến quân của Sư đoàn 304 hành tiến vào Sài Gòn. Cùng với Lữ đoàn Xe tăng 203 vào Dinh Độc Lập, với sự nhạy cảm nghề nghiệp, Đinh Quang Thành đã chụp được rất nhiều hình ảnh như: hai xe tăng số 390 và 843 án ngữ trước thềm Dinh Độc Lập; binh lính, sĩ quan quân đội ngụy Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện; các thành viên chính quyền Sài Gòn khai báo tại tầng hai Dinh Độc Lập...

Cũng trong sáng 30/4/1975, nhà báo Trần Mai Hưởng theo mũi đột kích của Quân đoàn 2 tiến vào trung tâm Sài Gòn. Khi ông tới Dinh Độc Lập thì những chiếc xe tăng đi đầu đã đến trước. Đứng trong Dinh Độc Lập, ông thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của Dinh Độc Lập. Xe tăng vừa tiến vào ngang cổng, cánh cổng sắt nằm dưới xích xe tăng, lá cờ Giải phóng trên tháp pháo tung bay. Đồng hành với những người lính xe tăng là các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn 66 hiên ngang bên tháp pháo. Trần Mai Hưởng đã kịp thời ghi lại hình ảnh tuyệt vời, đó là bức ảnh “Xe tăng Quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975”. Trong hình là chiếc xe tăng mang số hiệu 846 của Lữ đoàn 203 thuộc cánh quân phía Đông tiến vào Dinh Độc Lập. Bức ảnh đã được nhiều cơ quan truyền thông trong và ngoài nước sử dụng và trở thành một biểu tượng của Đại thắng mùa Xuân 1975.

Dinh Độc Lập - nơi lưu giữ những dấu mốc đáng tự hào của dân tộc trong cuộc chiến tranh khốc liệt chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Tất Dũng

Dinh Độc Lập - nơi lưu giữ những dấu mốc đáng tự hào của dân tộc trong cuộc chiến tranh khốc liệt chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Tất Dũng

Phản ánh về sự kiện trọng đại này cũng cần phải kể đến những hình ảnh quý giá của những phóng viên, nhà báo người Việt cộng tác cho những hãng thông tấn, báo chí nước ngoài có mặt trong thời khắc lịch sử. Trưa 30/4/1975, Hoàng Văn Cường là một trong số ít phóng viên quốc tế có may mắn đó. Sáng sớm 30/4/1975, ông lái xe ra ngoại ô Sài Gòn và chạy xuống tận Biên Hòa để đưa tin. Khi tới ngã ba Vũng Tàu, ông thấy đoàn xe tăng của Quân Giải phóng đang tiến vào Sài Gòn, ông xin quá giang trở lại Sài Gòn và trở thành người dẫn đường cho xe tăng Quân Giải phóng tiến vào trung tâm Sài Gòn. Tới Dinh Độc Lập, ông đã chụp được nhiều bức ảnh quý giá: Quân Giải phóng vẫy cờ trước thềm dinh, vỗ tay, vẫy chào sau khi cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập; Nội các Tổng thống Dương Văn Minh chờ đợi làm việc với đại diện Quân Giải phóng...

Vào lúc 13 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, nhà báo Phạm Kỳ (bút danh Kỳ Nhân), phóng viên Hãng AP đã chụp được bức hình Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện tại Đài Phát thanh Sài Gòn. Về khoảnh khắc chụp bức ảnh lịch sử, ông kể lại: “Khi Quân Giải phóng vào và đưa Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, tôi đã dùng xe riêng của mình để chở các ông Cả và Lâm (họ đều không đeo quân hàm) đến Đài Phát thanh. Lúc đó, các nhà báo có tôi và Borries Gallasch, nhưng nhà báo này chỉ ghi âm thôi chứ không chụp hình. Thấy đó là thời khắc quan trọng nên tôi đã chụp rất nhanh bức hình đó và gửi về Hãng AP".

Đến nay đã tròn 50 năm, những bức ảnh về thời khắc lịch sử trọng đại của đất nước ngày 30/4/1975 của các phóng viên, nhà báo trong và ngoài nước mãi còn được nhiều người nhắc đến. Các bức ảnh đó trở thành nguồn sử liệu quý khắc họa khoảnh khắc hào hùng có một không hai của dân tộc sau chặng đường trường chinh gian khổ, đấu tranh vì một nền độc lập, thống nhất.

[1] Người thứ hai là Hoàng Thiểm.

Hải Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dai-thang-mua-xuan-1975-dau-an-hao-hung-qua-anh-lich-su-post489302.html