Đại tướng Chu Huy Mân: Nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam

Đại tướng Chu Huy Mân (1913 - 2006) là nhà chính trị, quân sự tài ba, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị và trọng trách công tác, Đại tướng Chu Huy Mân luôn đem hết tinh thần, nghị lực, trí tuệ của người cộng sản, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dấu ấn của vị tướng tài ba qua từng trận đánh

Đại tướng Chu Huy Mân, tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 tại xã Yên Lưu, Tổng Yên Trường, Phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An).

Tiếp thu truyền thống văn hóa, yêu nước của quê hương, đồng chí sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Cả cuộc đời rèn luyện, chiến đấu, công tác trên nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Chu Huy Mân luôn nêu cao phẩm chất cao đẹp và có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tham gia cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 khi vừa tròn 17 tuổi, rồi làm Đội phó Đội Tự vệ Đỏ, đồng chí đã tích cực đấu tranh bảo vệ phong trào cách mạng và được kết nạp Đảng vào tháng 11/1930. Tháng 5/1935, đồng chí đổi tên là Chu Huy Mân với ý nghĩa là “ngọc sáng”.

Giai đoạn 1937 - 1942, đồng chí nhiều lần bị địch bắt, tra tấn dã man tại các nhà tù, như: Vinh (Nghệ An), Đắc Glei, Đắc Tô (Kon Tum) nhưng vẫn giữ vững khí tiết của một người cộng sản kiên trung; tham gia đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, biến nhà tù thành trường học cách mạng. Sau khi vượt ngục, đồng chí hoạt động tại Quảng Nam, đã có nhiều đóng góp trong tập hợp lực lượng, củng cố và phát triển phong trào cách mạng. Đặc biệt, trực tiếp tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa và thành lập chính quyền tại tỉnh Quảng Nam, góp phần thúc đẩy Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên toàn quốc.

Tháng 9/1945, người cộng sản kiên trung lúc này gia nhập Quân đội và được phân công làm Chính trị viên Chi đội (Tỉnh đội), sau đó đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng của Quân đội và của Đảng, Nhà nước trên các mặt trận nóng bỏng, ác liệt nhất.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trên cương vị Trung đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy các Trung đoàn 72, 74, 174; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, đồng chí Chu Huy Mân đã lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tham gia nhiều chiến dịch lớn, lập nhiều chiến công vẻ vang, góp phần làm nên những chiến thắng, như: Việt Bắc-Thu Đông (1947), Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)… góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Với tài năng quân sự và nhãn quan chính trị sắc sảo, Đại tướng Chu Huy Mân luôn có những dự đoán và phát hiện những vấn đề nảy sinh trên chiến trường. Đồng chí đã chỉ đạo lực lượng vũ trang tích cực thực hiện phương châm kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, đánh địch bằng hai chân, ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược. Đặc biệt, Đại tướng Chu Huy Mân đã có những đóng góp vào nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch tổng hợp gồm hai lực lượng: Chính trị (đấu tranh chính trị, binh vận), quân sự (ba thứ quân) là một trong những phát triển sáng tạo, độc đáo, nổi bật của chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Chu Huy Mân đã cùng tập thể Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo quân và dân ta lập nên các chiến công vang dội. Tiêu biểu như: Trận Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me - Ia Đrăng; xây dựng “vành đai diệt Mỹ”; chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các chiến dịch tiến công tổng hợp Ba Gia (1965), Sa Thầy (1966), Tết Mậu Thân (1968), Bắc Bình Định (1972), chiến dịch Huế, Đà Nẵng (1975)…, góp phần cùng quân dân cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc đời cách mạng của mình, với những trọng trách được giao, Đại tướng Chu Huy Mân đã nhiều lần được gặp gỡ và làm việc với Bác Hồ. Nhìn nhận đây là một người “văn võ song toàn”, vì vậy trong lần gặp tháng 7/1967, Bác Hồ nói với Đại tướng Chu Huy Mân: “Chú gánh vác hai vai cho khỏe”. Cũng từ ấy, tên gọi “Anh Hai Mạnh” đã trở nên thân thiết với đồng bào, chiến sĩ từ những ngày tháng ác liệt cho đến sau này.

Trải qua nhiều chức vụ cho đến cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Chu Huy Mân thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang. Đặc biệt, chăm lo củng cố, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong lực lượng vũ trang; xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ chính ủy, chính trị viên các cấp.

Với những cống hiến đặc biệt xuất sắc của mình, đồng chí được phong quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng vào năm 1974, quân hàm Đại tướng năm 1980, được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tuổi trẻ Công an Nghệ An tổ chức các hoạt động về nguồn tại Nhà lưu niệm của Đại tướng Chu Huy Mân tại TP Vinh.

Tuổi trẻ Công an Nghệ An tổ chức các hoạt động về nguồn tại Nhà lưu niệm của Đại tướng Chu Huy Mân tại TP Vinh.

Vị Tướng của tình hữu nghị Việt - Lào

Với kinh nghiệm lãnh đạo công tác chính trị, quân sự, công tác tổ chức, đào tạo, huấn luyện cán bộ và chỉ huy chiến đấu qua các cuộc kháng chiến, cuối năm 1954, đồng chí Chu Huy Mân được Bác Hồ, Trung ương Đảng và Quân đội tin tưởng giao trọng trách làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn cố vấn quân sự sang giúp Đảng và Bộ Quốc phòng Lào.

Sau những ngày hành quân vất vả, Đoàn 100 đến bản Na Mèo thuộc tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Ổn định xong nơi ăn, ở và sinh hoạt, đồng chí Chu Huy Mân họp Đảng ủy Đoàn 100 đề ra chủ trương lãnh đạo: củng cố phát triển đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bạn và đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Đầu tháng 12/1954, Hội nghị quân chính quân đội Lào tổ chức tại bản Cang-Thạt. Tại hội nghị, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản trình bày đề án xây dựng lực lượng và cơ bản thống nhất với chủ trương của ta. Sau hội nghị, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản ký quyết định biên chế toàn quân đội Lào, có cơ cấu hợp lý của một quân đội tập trung: Ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng, cùng hệ thống cán bộ thuộc các đơn vị, địa phương, chín tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn trợ chiến, một tiểu đoàn vận tải, 12 đại đội độc lập, một trường quân chính Com-ma-đam, hai cơ quan tỉnh đội Hủa-Phăn và Phông-xa-lỳ. Trong gần 4 năm làm việc tại Lào, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng Đoàn chuyên gia quân sự nước ta đã tạo điều kiện cho lực lượng cách mạng Lào phát triển theo kịp phong trào của ba nước Đông Dương.

Đại tướng Chu Huy Mân vừa về nước được 3 tháng thì tiếp tục nhận thông báo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh phải trở lại Lào ngay. Đầu tháng 9/1957, đồng chí trở lại Hủa-Phăn, gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Lào, đồng chí bắt tay ngay vào công tác. Với sự nỗ lực của bạn và sự giúp đỡ nhiệt tình có hiệu quả của Đoàn cố vấn quân sự Việt Nam, các lực lượng vũ trang Pa-thét Lào có bước trưởng thành vượt bậc và sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới. Năm 1960, đồng chí Chu Huy Mân trở lại Lào với cương vị Đoàn trưởng Đoàn 100, tức Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam bên cạnh Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản cùng với quân dân bộ tộc Lào lập chiến công vang dội tại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Sau khi giải phóng Cánh đồng Chum, lãnh đạo Đảng bạn đã tận dụng lợi thế và thời cơ, khẩn trương xây dựng cơ sở chính trị trong cả nước đạt kết quả bước đầu. Trước ngày đồng chí Chu Huy Mân về nước, Thủ tướng Xu-va-na Phu-ma quyết định trao tặng đồng chí Huân chương Bắc Đẩu bội tinh, một thanh bảo kiếm của Hoàng gia. Đó là những phần thưởng cao quý và là sự ghi nhận của Chính phủ và nhân dân nước bạn đối với đóng góp của đồng chí Chu Huy Mân trong sự nghiệp cách mạng Lào.

Thùy Anh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/dai-tuong-chu-huy-man-nha-chinh-tri-quan-su-xuat-sac-cua-cach-mang-viet-nam-i691188/