Đại tướng luôn sống mãi trong lòng những người dân Cao Bằng

Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập và cũng là người chỉ huy đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, cả cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc với nhiều hoạt động tại các địa phương trong cả nước, trong đó có Cao Bằng. 80 năm đã trôi qua, tên tuổi và hình ảnh Đại tướng gắn liền với nhiều di tích lịch sử cách mạng và mãi lắng đọng trong tâm hồn, tình cảm của người dân Cao Bằng.

Những trang sử vinh quang của đất nước, của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn có dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người “Anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam, một thiên tài quân sự, một vị tướng huyền thoại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911, có tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn. Quê ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước.

Năm 1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng được cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 11/1941, trở về Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo, dìu dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác xây dựng cơ sở cách mạng, tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, lôi cuốn đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động cách mạng, tổ chức và phụ trách Ban xung phong Nam tiến, mở đường nối căn cứ địa cách mạng Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi.

Chấp hành chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Ðạo, xã Tam Kim (Nguyên Bình), Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay. Lễ thành lập Đội VNTTGPQ được cử hành trọng thể với 34 chiến sĩ, trong đó có 25 người là con em các dân tộc Cao Bằng.

Ngay sau ngày thành lập, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội VNTTGPQ đã ra quân và giành thắng lợi trong trận đánh đồn Phai Khắt (ngày 25/12/1944) và đồn Nà Ngần (ngày 26/12/1944), mở đầu cho truyền thống “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta. Sau này, Đại tướng giữ nhiều cương vị của Đảng, Nhà nước và quân đội ta; đến năm 1991, Đại tướng nghỉ hưu ở tuổi 80. Với nhiều công lao và đóng góp xuất sắc, Đại tướng được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (1992), hai Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến thắng hạng nhất.

Ông Nông Hữu Chung, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tam Kim (Nguyên Bình) chia sẻ các bài báo về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông lưu giữ.

Ông Nông Hữu Chung, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tam Kim (Nguyên Bình) chia sẻ các bài báo về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông lưu giữ.

Trọn cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng nêu bật tấm gương sáng của người cộng sản kiên trung, có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Những năm tháng hoạt động tại Cao Bằng, Đại tướng có mối quan hệ tốt đẹp, sâu nặng với bà con nơi đây. Đại tướng được bà con đùm bọc, che chở như người thân trong gia đình. Đó cũng là lý do, đến đâu Đại tướng rất gần gũi và nhận được sự tin yêu, cảm mến của nhân dân. Điều đó giúp Đại tướng dễ dàng học tiếng dân tộc và dịch Việt Minh Ngũ tự kinh sang các tiếng Tày, Nùng, Mông, Dao. Mỗi lần đi công tác, tuyên truyền, vận động bà con, Đại tướng đều nói bằng tiếng dân tộc, nhờ vậy tình cảm của Đại tướng với nhân dân luôn thân thiện, gần gũi, bà con vô cùng quý mến. Sau này, mỗi lần lên Cao Bằng, gặp bà con các dân tộc, Đại tướng vẫn thường chào hỏi bằng tiếng dân tộc. Thẳm sâu trong trái tim mình, Đại tướng luôn dành một tình cảm đặc biệt đối với vùng đất Cao Bằng và luôn coi Cao Bằng là “quê hương thứ hai” của mình.

Người dân Cao Bằng thường gọi Đại tướng bằng những tên thân thiết, trìu mến: Bác Văn, Bác Giáp. Trong tiềm thức của mỗi người dân, Đại tướng là một phần lịch sử của mảnh đất này. Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tam Kim (Nguyên Bình) Nông Hữu Chung chia sẻ: Những câu chuyện về Đại tướng tôi được nghe người già trong làng kể lại, Đại tướng là người giản dị và gần gũi; thời gian sống ở Tam Kim, Đại tướng luôn coi người dân như những người thân ruột thịt, vì vậy nhân dân luôn tin tưởng, nghe theo sự chỉ đạo của Đại tướng. “Bác Văn thường giao tiếp với bà con bằng tiếng dân tộc, luôn ân cần thăm hỏi mọi người, nhất là người già trong làng. Năm 1994, khi Đại tướng có dịp lên thăm Cao Bằng, trở lại khu rừng Trần Hưng Đạo, tôi khi đó là Xã đội trưởng, nhận nhiệm vụ canh gác, bảo vệ an toàn trên tuyến đường Đại tướng di chuyển từ xã tới khu rừng. Khi đến trung tâm xã, nay là xóm Phai Khắt, bà con đứng chật kín hai bên đường vẫy tay chào Đại tướng, tôi chưa bao giờ thấy đông người đứng ở hai bên đường như vậy, có những người ở các xã thuộc huyện Ngân Sơn, Bảo Lạc, Bảo Lâm cũng đến chào Đại tướng. Đáp lại tình cảm của bà con, Đại tướng xuống xe, đi bộ vẫy chào nhân dân. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng và cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự giản dị, khiêm tốn, tình cảm chân thành và vô cùng gần gũi của một vị lãnh đạo đối với nhân dân.

Ông Đặng Văn Thắng kể chuyện cho các cháu về những kỷ niệm của bố ông, đội viên Đặng Tuần Quý với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Đặng Văn Thắng kể chuyện cho các cháu về những kỷ niệm của bố ông, đội viên Đặng Tuần Quý với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng những kỷ niệm, ký ức về Đại tướng luôn sống mãi trong lòng những người dân Cao Bằng. Ông Đặng Văn Thắng, xóm Bản Um, xã Tam Kim (Nguyên Bình) con trai đồng chí Đặng Tuần Quý, một trong 34 chiến sĩ Đội VNTTGPQ chia sẻ: Bố tôi sinh năm 1925 tại xóm Bản Um. Năm 1938, ông nội tôi bị thực dân Pháp giết. Sự kiện này đã hun đúc trong lòng bố tôi lòng căm thù giặc sâu sắc và thôi thúc ông xin tham gia đội du kích địa phương. Với thân hình nhỏ bé, nhanh nhẹn, lại thông thạo địa hình, bố tôi được giao nhiệm vụ liên lạc, dẫn đường cho các đồng chí cán bộ về hoạt động cách mạng tại địa phương.

Ngày 22/12/1944, lễ thành lập Đội VNTTGPQ diễn ra tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Đặng Tuần Quý vinh dự là một trong 34 chiến sĩ của Đội. Sau khi thành lập, ông cùng đồng đội tham gia đánh liên tiếp hai trận Đồn Phai Khắt (xã Tam Kim) và Đồn Nà Ngần (nay thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình), lập nên chiến công đầu tiên của Đội VNTTGPQ. Tháng 2/1945, ông cùng đồng đội tiếp tục tấn công đồn Đồng Mu (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc). Trong trận đánh này, ông bị địch bắn trọng thương và được đưa về quê nhà điều trị, chăm sóc.

Khắc ghi lời dạy của Đại tướng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết một lòng, quyết tâm, quyết liệt, đổi mới, năng động, sáng tạo trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh. Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sống mãi trong trái tim đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Người là tấm gương sáng để những thế hệ trẻ trên quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng học tập, noi theo.

Thủy Tiên

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dai-tuong-luon-song-mai-trong-long-nhung-nguoi-dan-cao-bang-3171483.html