200 năm kênh Vĩnh Tế: Vĩnh Tế - Tên người lưu danh sông núi

Nổi tiếng là người vợ hiền thục, đảm đang, đức hạnh của danh thần Nguyễn Văn Thoại, bà đã phù chồng, giúp nước, làm nên sự nghiệp lẫy lừng, đem lại lợi ích to lớn cho muôn dân, trăm họ trên vùng Tây Nam biên viễn. Những đóng góp của bà xứng đáng được người đương thời và người đời sau tán thán, tôn vinh, lưu danh vào đất thiêng sông núi.

Phần mộ của bà Châu Thị Tế trong Sơn Lăng dưới chân núi Sam (TP. Châu Đốc)

Phần mộ của bà Châu Thị Tế trong Sơn Lăng dưới chân núi Sam (TP. Châu Đốc)

Người phụ nữ vang danh của đất Nam Bộ ngày ấy có tên là Châu Thị Vĩnh Tế hay Châu Thị Tế. Bà vốn xuất thân từ dòng họ Châu Vĩnh nổi tiếng trên xứ Cù lao Dài thuộc thôn Thới Bình, tổng Bình Chánh, huyện Vĩnh Bình, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).

Thân phụ của Châu Thị Vĩnh Tế là Châu Vĩnh Huy và thân mẫu là Đỗ Thị Toán. Bà Vĩnh Tế được sinh ra vào năm Bính Tuất (1766) giữa lúc công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ còn ở giai đoạn sơ khai. Theo Nguyễn Văn Hầu, dưới triều Nguyễn, dòng họ này có “mấy người làm quan to” và đời sau còn những người kế nghiệp, như: Châu Vĩnh Kiệt, Châu Vĩnh Hữu, Châu Vĩnh Thái.

Giống như gánh của Nguyễn Văn Thoại, dòng họ Châu Vĩnh cũng có gốc gác ở tận xứ Quảng Nam, vì loạn lạc nên phải ly hương đến sinh cơ lập nghiệp trên đất Cù lao Dài vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII. Trên vùng đất mới, hai gia đình Châu - Nguyễn đã kết nghĩa thông gia qua mối lương duyên của Châu Thị Vĩnh Tế với Nguyễn Văn Thoại.

Châu Thị Vĩnh Tế nhỏ hơn Nguyễn Văn Thoại 5 tuổi. Nếu tính từ lúc Nguyễn Văn Thoại đầu quân cho Nguyễn Ánh tại Ba Giồng (Định Tường) vào năm 1777 (khi ông 16 tuổi) thì chuyện hôn phối có thể chưa diễn ra. Bởi lẽ, Châu Thị Vĩnh Tế còn nhỏ và Nguyễn Văn Thoại phải bôn tẩu theo Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, “rày đây mai đó” lúc ở Việt, khi ở Xiêm.

Mãi đến năm 1787, Nguyễn Ánh mới từ Xiêm trở về nước đóng quân ở Nước Xoáy (nay thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) để tự lực chống Tây Sơn. Bấy giờ, Nguyễn Ánh đã cử người đến nhiều khu vực ở Nam Bộ để chiêu mộ thêm binh lính và nhân sĩ. Trong thời gian này, Nguyễn Văn Thoại có dịp về quê nhà Cù lao Dài và kết duyên cùng bà Vĩnh Tế.

Nguyễn Văn Thoại có 2 người vợ. Châu Thị Vĩnh Tế là chánh thất, Trương Thị Miệt là vợ thứ. Bà Vĩnh Tế có với ông Thoại 1 người con tên Nguyễn Văn Lâm, còn bà Miệt sinh cho ông Thoại 1 người con tên Nguyễn Văn Minh.

Sau khi nhà Nguyễn được thành lập vào năm 1802, với vai trò là “khai quốc công thần”, Nguyễn Văn Thoại được triều đình giao cho nhiều chức vụ quan trọng, như: Trấn thủ Lạng Sơn, Trấn thủ Định Tường, Bảo hộ Chân Lạp (Campuchia)... Vì lẽ đó, Châu Thị Vĩnh Tế đã cùng chồng “đồng cam cộng khổ”, “chia ngọt sẻ bùi” từ Nam ra Bắc và ở tận xứ Chân Lạp xa xôi.

Đến năm 1817, Nguyễn Văn Thoại được bổ nhiệm làm Trấn thủ Vĩnh Thanh đã mở ra một chương mới trong sự nghiệp “kinh bang tế thế” của ông bà. Ở đâu, vợ chồng ông bà cũng để lại nhiều ân đức. Sau khi lập ra 5 thôn trên xứ Cù lao Dài, bà lại cùng chồng bén duyên với xứ sở miền Tây sông Hậu và biên viễn Tây Nam. Tại đây, năm 1818, Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại được vua Gia Long giao nhiệm vụ đào, vét con kênh nối từ Đông Xuyên thông ra Rạch Giá. Chỉ sau 1 tháng, kênh đã hoàn thành. Vua Gia Long khen ngợi, lấy tên ông đặt tên cho kênh mới đào là Thoại Hà và đổi tên núi Sập thành Thoại Sơn như một sự tán dương công trạng.

Việc hoàn thành kênh Thoại Hà trong vòng 1 tháng thật sự là kỳ công lưu danh thiên cổ của Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại. Dân gian có câu: “Đằng sau người đàn ông thành công luôn có bóng dáng người phụ nữ”, với ông Thoại lại càng phù hợp. Châu Thị Vĩnh Tế không chỉ là người “nâng khăn sửa túi”, mà còn biết san sẻ gánh nặng quốc gia trọng sự cùng chồng. Với vai trò là người hỗ trợ phía sau, bà Vĩnh Tế đã không quản ngại khó khăn, gian khổ đảm nhận công việc hậu cần, lo cơm nước, thuốc thang, thăm hỏi, đôn đốc dân phu, lính tráng đào kênh một cách tận tâm.

Nếu không có sự đóng góp âm thầm, kịp thời và hiệu quả của bà Vĩnh Tế, chắc gì kênh Thoại Hà đã ra đời chỉ sau 1 tháng khởi công. Ngẫm lại mới thấy cái tài hậu cần, hỗ trợ phía sau của bà thật khéo hợp với cái tài chỉ huy đào kênh của đức lang quân Nguyễn Văn Thoại. Chính những kinh nghiệm hậu cần quý báu trong việc đào kênh Thoại Hà là tiền đề quan trọng để bà tiếp tục giúp chồng trong 1 công trình còn to lớn và dài hơi hơn là đào con kênh nối Châu Đốc với Hà Tiên suốt từ năm 1819 đến 1824.

Không chỉ giỏi trong việc hậu cần đào kênh, bà Châu Thị Vĩnh Tế còn đóng góp quan trọng vào công cuộc khai hoang lập làng, phát triển vùng biên viễn. Ngoài việc giúp chồng lập ra 5 thôn trên đất Cù lao Dài, bà Vĩnh Tế còn góp phần không nhỏ vào sự ra đời của Thoại Sơn thôn và Vĩnh Tế Sơn thôn. Đây là những thôn rất quan trọng trong việc phát triển vùng đất Thoại Sơn và Châu Đốc trong buổi đầu khai hoang mở đất trên vùng Tứ giác Long Xuyên.

Dưới triều Nguyễn, Nho giáo được xem là mực thước trị quốc, nền tảng của lễ nghi. Vai trò của người phụ nữ chưa được coi trọng. Song, đối với trường hợp của bà Châu Thị Vĩnh Tế là một ngoại lệ. Xuất phát từ sự đóng góp vô cùng to lớn của bà đối với sự nghiệp khai hoang, đào kênh, phát triển vùng đất “tân cương” cùng chồng Nguyễn Văn Thoại đã tạo được “đức dày trong đường lễ giáo”, tạo nên ấn tượng tốt đẹp và sự cảm khái từ triều đình Huế. Do đó, vua Nguyễn đã lấy tên bà đặt cho con kênh nối Châu Đốc với Hà Tiên dài 97km là kênh Vĩnh Tế. Tiếp đó, vua Nguyễn còn đổi tên núi Sam thành Vĩnh Tế Sơn và đặt tên cho ngôi làng mới lập với công lớn của ông bà ở dưới chân núi Sam là Vĩnh Tế Sơn thôn.

Thuận theo lẽ thường của tạo hóa, vào năm Bính Tuất (1826), bà Châu Thị Vĩnh Tế đã trút hơi thở sau cùng tại Châu Đốc. Nhằm ghi nhận công lao của người phụ nữ tài đức vẹn toàn, vua Minh Mạng đã ra dụ phong cho bà là “Nhàn Tĩnh phu nhân”.

Những công lao của vợ chồng Nguyễn Văn Thoại và Châu Thị Vĩnh Tế đã biến đất Châu Đốc tân cương xưa và An Giang nay là nơi duy nhất trong cả nước có kênh chồng - kênh vợ (Thoại Hà - Vĩnh Tế), núi chồng - núi vợ (Thoại Sơn - Vĩnh Tế Sơn), thôn chồng - thôn vợ (Thoại Sơn thôn - Vĩnh Tế Sơn thôn).

Ngày nay, trên những vùng đất mà vợ chồng ông bà đã lưu dấu, Nhân dân luôn tạc dạ ghi ơn, dựng tượng, lập đình thờ để tưởng nhớ. Tên ông bà còn được đặt cho nhiều trường THPT lớn trong tỉnh An Giang và Kiên Giang, như: Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu (TP. Long Xuyên), Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (huyện Thoại Sơn), Trường THPT Châu Thị Tế (TP. Châu Đốc) và Trường THPT Thoại Ngọc Hầu (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang).

Vĩnh Tế - tên người đã lưu vào sử sách và tâm tưởng của bao thế hệ cư dân vùng Tây Nam biên viễn. Bà là tấm gương mẫu mực của người phụ nữ Nam Bộ giàu đức hạnh, tận hiến vì sự phát triển của quê hương, xứng đáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

TS DƯƠNG THẾ HIỀN (Trường Đại học An Giang)

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/200-nam-kenh-vinh-te-vinh-te-ten-nguoi-luu-danh-song-nui-a405061.html