Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Với 103 tuổi đời, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đại tướng là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những công lao to lớn của Đại tướng gắn liền với sự trưởng thành, phát triển, chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Đại tướng Võ Nguyên GIáp.

Đại tướng Võ Nguyên GIáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25/8/1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho, giàu truyền thống yêu nước. Ngay từ khi còn là học sinh, được tiếp thu những tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh bãi khóa ở Trường Quốc học Huế. Năm 1927, gia nhập Đảng Tân Việt cách mạng - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1930, tham gia phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh. Tháng 6/1940, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đầu năm 1941, đồng chí về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng.

Tháng 12/1944, đồng chí được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên chỉ với 34 chiến sĩ và vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ, từng bước phát triển thành những trung đoàn, đại đoàn thiện chiến, kiên cường chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Tháng 1/1948, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đảm nhiệm trọng trách lớn lao khi mới 37 tuổi, song bằng ý chí và nghị lực phi thường, sự phấn đấu không ngừng nghỉ, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và của nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đại tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ “Tướng quân tại ngoại, toàn quyền quyết định”, “trận này rất quan trọng, đã đánh phải thắng, chắc thắng thì mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Đồng chí dồn hết tâm sức, trí tuệ để nghiên cứu, suy ngẫm thấu đáo và đưa ra quyết định “khó khăn nhất” cuộc đời làm tướng của mình trong chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển phương châm từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Và đã giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, giải phóng hoàn toàn miền Bắc nước ta. Hiệp định Giơnevơ ký kết chưa được bao lâu, đế quốc Mỹ đã nhanh tay hất cẳng Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự Mỹ, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Trước tình hình cách mạng mới, Đại tướng đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên những thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đất nước hòa bình, thống nhất, trên cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương (đến năm 1978), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Năm 1980, Đại tướng thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng vẫn tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị (đến năm 1982) và Phó Thủ tướng phụ trách khoa học - kỹ thuật.

Năm 1991, Đại tướng nghỉ hưu ở tuổi 80. Từ năm 1992 đến lúc từ trần, Đại tướng là Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Chủ nhiệm Đề tài: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, kiêm cố vấn chương trình khoa học cấp Nhà nước về “Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh”; Chủ tịch danh dự Hội khoa học lịch sử Việt Nam; Chủ tịch danh dự Hội khuyến học Việt Nam; Chủ tịch danh dự Quỹ hỗ trợ sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam; Chủ tịch danh dự Hội Cựu giáo chức Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được sống và làm việc bên cạnh, được Người giáo dục và rèn luyện, đồng chí đã nỗ lực phấn đấu học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống, luôn tu dưỡng rèn luyện, nói và làm theo gương Bác Hồ vĩ đại. Đồng chí là một trong những người sớm nghiên cứu và viết về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách cơ bản, toàn diện, hệ thống và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Với ba chuyên luận: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, “Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh”, “Thế giới đổi thay, tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi” và nhiều tác phẩm khác. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong thời kỳ mới. Trong các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, báo chí, ngoại giao, văn hóa, lịch sử…, đồng chí đều có những đóng góp quan trọng, thực sự là con người tài - đức vẹn tròn, văn - võ song toàn.

Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất, nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đại tướng là tấm gương sáng về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu, khiêm tốn, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào.

Kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2024), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bày tỏ sự trân trọng, biết ơn với những công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam. Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

M.T

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-nguoi-hoc-tro-xuat-sac-cua-chu-tich-ho-chi-minh-3171549.html