Đắk Lắk: Dành nguồn lực chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số
Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai đồng bộ các chương trình, chính sách vùng đồng bào dân tộc.
Những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần, của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt; phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất; tự chủ về kinh tế; nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc...
Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS
Đắk Lắk là địa bàn chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh của khu vực Tây Nguyên; người DTTS chiếm 37,5%; cư trú rộng khắp trên địa bàn tỉnh; trong đó, đông nhất là dân tộc Ê Đê với 350 nghìn người, dân tộc Nùng hơn 53 nghìn người, dân tộc Tày hơn 53 nghìn người, dân tộc M’nông hơn 48 nghìn người, dân tộc Mông hơn 39 nghìn người, dân tộc Gia Rai hơn 20 nghìn người...
Thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã vận dụng các chính sách ưu tiên phát triển vùng đồng bào DTTS của Nhà nước như: Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Đề án “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”..., để xây dựng và triển khai các hoạt động bám sát với đặc điểm tình hình vùng đồng dân tộc, góp phần giải quyết những khó khăn, kinh tế, xã hội từng bước ổn định, phát triển.
Một trong những chủ trương có tính đột phá là việc triển khai Chương trình 135 của Chính phủ. Giai đoạn 2016-2022, Đắk Lắk đã đầu tư 413.330 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đặc biệt, trong năm 2022, tỉnh đã tiến hành xây dựng mới 98 công trình đầu tư 23.486 triệu đồng dành cho tu sửa, bảo dưỡng. Nhiều tuyến đường từ trung tâm đến thôn, bản được trải nhựa, giao thông phát triển; nhiều công trình được đầu tư xây dựng như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế... mang lại bộ mặt nông thôn mới cho đồng bào DTTS.
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn như giao đất ở, đất canh tác và sản xuất công nghiệp; cung cấp giống cây trồng, công cụ sản xuất, tạo điều kiện cho bà con DTTS phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Trong nhiều năm qua, thực hiện Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh 3 dự án định canh, định cư tập trung và 3 dự án định canh, định cư xen ghép để ổn định cuộc sống cho 492 hộ; lập 2 dự án định canh, định cư tập trung tại xã Cư Klông, huyện Krông Năng và xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc cho 483 hộ.
Trong năm năm gần đây, tỉnh đã hỗ trợ 270 hộ di dân người đồng bào DTTS với tổng vốn đầu tư là 42.830 triệu đồng, xây dựng 4 công trình cơ sở hạ tầng; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào. Từ năm 2017-2020, tỉnh hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.634 hộ dân với kinh phí 2.442,8 triệu đồng tại huyện Lắk, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông, Krông Pắc; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 700 hộ đân tại huyện Krông Busk, M'Drăk, kinh phí thực hiện là 1.050 triệu đồng.
Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm mạnh nhờ chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Từ năm 2011-2018 đã hỗ trợ bằng hiện vật với kinh phí 133.115 triệu đồng, bằng tiền mặt là 37.787 triệu đồng để có vốn đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ đó, số hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh năm 2022 đã giảm từ 41.515 (năm 2021) xuống 35.982 hộ.
Cùng với chăm lo đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTT, Đắk Lắk đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch góp phần tăng thêm thu nhập, kinh tế cho người dân. Chỉ tính riêng năm 2022, kinh phí đầu tư để bảo tồn, phát huy văn hóa DTTS của tỉnh là 470 triệu đồng. Kinh phí này để tổ chức các lớp học giảng dạy văn hóa truyền thống như: lớp học cồng chiêng, lớp truyền dạy sử thi và nghệ thuật hát kể sử thi cho con em đồng bào dân tộc; trang bị trang phục, đạo cụa cho các lớp học...
Ngoài ra, các chương trình biểu diễn và phục dựng một số nghi lễ, lễ hội truyền thống như: lễ cúng bến nước, lễ cúng cầu mưa, lễ kết nghĩa anh em của người Ê Đê; lễ cúng lúa mới, lễ cúng ché của người M’nông... Các di tích như: Nhà đày Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Đại, Đình Lạc Giao... được đầu tư trùng tu, tôn tạo và đưa vào phục vụ hoạt động tham quan du lịch.
Nhiều chương trình hợp tác giữa công ty du lịch và các câu lạc bộ, tổ dệt thổ cẩm của người Ê Đê, M’nông... được đẩy mạnh, vừa sản xuất, vừa tham quan, quảng bá làng nghề, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và tạo động lực cho người dân giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, trình độ dân trí, nhận thức của người DTTS ngày một nâng cao; người dân được tiếp cận rộng rãi với công nghệ, thông tin; điều kiện y tế ngày một bảo đảm; tỷ lệ tảo hôn giảm mạnh; đặc biệt, công tác bình đẳng giới đã có chuyển biến rõ rệt, vị trí của phụ nữ đã được nâng cao trong đời sống bà con DTTS; sức khỏe bà mẹ và trẻ em được đảm bảo, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em; khoảng cách giữa vùng đồng bằng, thành thị với vùng núi, nông thôn được rút ngắn...
Tỉnh Đắk Lắk đã đổi mới hoạt động, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, đẩy mạnh xóa mù chữ cho đồng bào DTTS với kinh phí thực hiện là 3.327 triệu đồng; tổ chức các đợt tập huấn nâng cao năng lực y tế xã, cô đỡ thôn, buôn; tuyên truyền pháp luật và hôn nhân, dân số và gia đình với kinh phí 1.036 triệu đồng (đạt 57,7% kế hoạch đề ra) nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS; đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới bằng tiếng dân tộc, xây dựng chuyên mục phát thanh bằng bảy thứ tiếng (Việt, Ê Đê, M’Nông, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng và Cơ Ho) về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình...
Chỉ tính riêng năm 2022, tỉnh đã phân bổ 256 triệu đồng cho công tác tập huấn chuyên môn về y tế, dinh dưỡng cho đội ngũ y tế cấp xã trở xuống.
Giải pháp đồng bộ, lâu dài
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn: vùng DTTS vẫn là vùng khó khăn nhất của tỉnh; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; số hộ nghèo DTTS vẫn cao; cơ sở hạ tầng nhiều nơi xuống cấp; các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS vẫn có nguy cơ mai một; chất lượng giáo dục, y tế so với mặt bằng chung còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của Nhân dân...
Nguyên nhân khách quan là do xuất phát điểm vùng DTTS của tỉnh còn thấp; diện tích canh tác manh mún; vẫn còn phong tục, tập quán vốn đã lạc hậu, không còn phù hợp chưa được đẩy lùi. Một số chính sách còn chồng chéo; nhận thức của một bộ phận cán bộ đối với công tác dân tộc chưa thật sự sâu sắc; trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào DTSS còn thấp, chưa nhận thức rõ quyền lợi và nghĩa vụ, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa quyết tâm vươn lên, còn nhẹ dạ, cả tin, dễ bị dụ dỗ...
Để tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS ở Đắk Lắk rất cần các chính sách an sinh xã hội phù hợp với đặc điểm riêng, tâm lý đồng bào DTTS. Từ việc phân tích những tồn tại trong triển khai chăm lo cho đồng bào DTTS, cho thấy ngoài việc vận dụng, triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình lớn, bản thân cán bộ cấp cơ sở cần làm tốt công tác dân vận, gần gũi đồng bào để kịp thời tuyên tuyền, vận động, giải đáp kịp thời những khúc mắc, phát sinh từ cơ sở.
Cùng với đó, việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS là một trong những giải pháp hữu hiệu cùng với chính quyền địa phương vận động đồng bào các dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nắm bắt, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với cac cấp chính quyền, địa phương. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín về các lĩnh vực đời sống xã hội; có cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý cho họ.