Đắk Lắk: Gần 1.000 hộ dân xã biên giới huyện Buôn Đôn thiếu nước sạch
Hơn 2 tháng nay, gần 1.000 hộ dân ở các thôn, buôn trên địa bàn xã biên giới Krông na, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) đang gặp phải khó khăn về nguồn nước ăn, uống và sinh hoạt. Nhiều hộ đang sử dụng nguồn nước mất vệ sinh.
Do nắng hạn kéo dài nên gần hơn 2 tháng nay, người dân ở thôn Thống Nhất, Buôn Trí, Buôn Ea Rông, EaRông B và Buôn Đôn xã Krông na, huyện Buôn Đôn đang gặp khó khăn vì nguồn nước ăn uống, sinh hoạt đã cạn kiệt.
Chị Đồng Thị Hường buôn Ea Rông B, xã Krông na, huyện Buôn Đôn cho biết, từ Tết đến nay gia đình chị phải mua nước bình về để ăn uống; nước sinh hoạt thì phải ra sông, suối, mương để chở về dùng. Mỗi tháng chị phải mua hết 60 - 70 bình nước lọc để dành nấu ăn và uống.
Tiền mua nước mỗi tháng hết gần 1 triệu đồng, đó là nhà chỉ có 2 người; còn đối với những nhà 5-7 người thì mỗi tháng phải chi hết vài triệu tiền nước. Nhiều hôm các nhà cung cấp nước ở trong huyện cháy hàng, gọi cả tuần mới mua được bình nước lọc để nấu ăn, có khi phải gọi dịch vụ đóng nước bình, nước đóng chai từ thành phố Buôn Ma Thuột chở vào mới có nước dùng.
“Nhà cũng có giếng khoan, nước rất nhiều nhưng không dùng được vì nấu lên toàn vôi, tắm gội thì khô da, khô tóc, giặt quần áo bị ố và ngả sang màu vàng; dùng nước nhiễm vôi sợ bị bệnh sỏi thận, sỏi tiết niệu, tắc động mạch. Nhiều khi kẹt quá bơm nước giếng khoan lên dùng, nhìn đồ đạc trong nhà đều bám vôi, ố vàng trông rất bẩn. Gia đình cũng từng đào giếng nhưng không có nước. Nhà cũng xây 1 bể 20 m3 chứa nước mưa để dành ăn uống trong mùa khô nhưng nước mưa chỉ dùng được đến Tết là hết, kể từ đó là phải mua nước đóng bình để dùng. Nguồn nước sinh hoạt, mọi năm gia đình ra hồ Ea Rông cách nhà 500 m chở về dùng, nhưng năm nay nước hồ Ea Rông cạn trơ đáy nên phải ra sông Sêrêpôk hoặc ra kênh mương thủy lợi Buôn Ea Mar cách nhà vài km để tắm giặt, cực lắm”, chị Hường chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Quý, ở buôn Ea Rông, xã Krông na (huyện Buôn Đôn) cũng cho hay, vì nước giếng khoan nấu lên toàn vôi nên gia đình ông cũng xây 1 bể gần 20 m3 để hứng nước mưa để dành nấu cơm và nấu nước uống, hiện bể nước mưa của gia đình ông cũng đã cạn, sắp tới hết nước mưa, ông cũng phải mua nước đóng bình để nấu ăn uống.
“Trước đây nhà gần hồ nên rất tiện lợi, mọi sinh hoạt từ tắm rửa, giặt giũ, tưới cây trồng, tắm cho heo cũng đều sử dụng nước hồ, năm nay nước ở hồ Ea Rông cạn trơ đáy nên gia đình phải ra đi xa vài km để tìm kiếm nguồn nước chở nước về dùng. Hai ông bà tuổi cao sức yếu đi xa chở nước cũng gặp nhiều khó khăn", ông Quý than thở.
Bi đát nhất là hoàn cảnh gia đình chị H’Bí Byă ở buôn EaMar, (xã Krông na huyện Buôn Đôn). 6 hộ gia đình với 20 nhân khẩu sống chung trong một mái nhà sàn nhỏ, chật chội. Do hoàn cảnh khó khăn, số tiền làm nương rẫy, làm thuê cũng chưa đủ ăn nên không có điều kiện xây bể chứa nước mưa; mọi nguồn nước ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, sinh hoạt… trong gia đình đều ra kênh mương thủy lợi buôn Ea Mar để lấy nước về dùng.
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Krông na, huyện Buôn Đôn cho biết, do nắng hạn kéo dài nên hiện nay tất cả các nguồn nước sông, suối, ao hồ trên địa bàn xã Krông na đã cạn kiệt. Giếng đào không có nước, giếng khoan toàn vôi nên không sử dụng được. Hồ Ea Rông ở trung tâm xã là nguồn nước chính để bà con phục vụ tưới tiêu sinh hoạt lâu nay nhưng giờ đã cạn kiệt, phần do nắng hạn kéo dài, phần do xả nước để nạo vét chân đập nhằm nâng cấp, cải tạo lại hồ; nguồn nước sông Sêrêpôk bị thủy điện chặn dòng chảy nên nguồn nước sông cũng phụ thuộc vào lưu lượng xả của thủy điện vì thế nguồn nước sông cũng khô cạn. Trên dòng sông Sêrêpôk nhiều chỗ cạn trơ đáy, đá lô nhô.
Hiện tại trên địa bàn xã có gần 1.000 hộ đang bị thiếu nước ăn uống và sinh hoạt. Người có điều kiện thì xây bể chứa nước mưa, mua nước đóng bình để ăn uống, người không có điều kiện thì lấy nước ở sông, ở kênh mương về ăn uống và sinh hoạt. Cuộc sống của người dân xã biên giới vốn đã khó khăn nay lại càng cơ cực hơn.
Năm 2021, xã Krông na được đầu tư công trình nước sạch trị giá 79 tỷ đồng. Công trình đã được xây dựng trên địa bàn xã Ea Huar nhằm mục đích phục vụ nguồn nước sạch cho bà con nhân dân 2 xã Ea Huar, Krông na (huyện Buôn Đôn).
Hai tháng trước (16/2/2023) UBND huyện Buôn Đôn có mời các ngành liên quan kiểm tra lần cuối để đơn vị thi công bàn giao cho đơn vị tiếp quản vận hành nước phục vụ cho bà con nhân dân, tuy nhiên không hiểu vì sao từ đó đến nay Công trình nước sạch vẫn chưa hoạt động.
Trước những khó khăn của người dân, ông Lê Tiến Dũng mong các cấp, các ngành, tạo mọi điều kiện, đưa công trình nước sạch sớm đi vào hoạt động, giúp bà con xã biên giới huyện Buôn Đôn giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.