Đắk Lắk trưng bày trang phục truyền thống của 49 dân tộc
Trưng bày chuyên đề 'Trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk' giới thiệu 175 hình ảnh, hiện vật của 49 dân tộc đang sinh sống trong tỉnh.
Ngày 8/3, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề "Trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk" và giới thiệu hoạt động chuyển đổi số tại bảo tàng.
Sự kiện nhằm chào mừng Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 (từ 10 đến 14/3/2023), đồng thời giới thiệu đến nhân dân, du khách những nét đặc sắc về văn hóa, cuộc sống của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở Đắk Lắk thông qua những bộ trang phục truyền thống, những bộ trang sức và vật dụng hàng ngày.
Tại trưng bày giới thiệu 45 hình ảnh, 130 hiện vật của 49 dân tộc đang sinh sống ở Đắk Lắk. Các hiện vật trưng bày được chia thành 8 chủ đề, tương ứng với 8 nhóm ngôn ngữ và 1 bài viết giới thiệu chung về trang phục các dân tộc.
Trong khuôn viên trưng bày còn có các hoạt động trải nghiệm: Dệt vải thổ cẩm, giới thiệu một số đặc sản của Đắk Lắk, thực hành và thưởng thức món ăn truyền thống của người Ê Đê…
Diễn ra từ nay đến hết tháng 4/2022, trưng bày “Trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk” được kỳ vọng sẽ là một địa điểm tham quan thú vị, bổ ích cho người dân địa phương cũng như du khách khi đến với Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8.
Dịp này, Bảo tàng Đắk Lắk cũng giới thiệu các hoạt động chuyển đổi số vừa được triển khai tại. Đó là hệ thống thuyết minh tự động phục vụ khách tham quan trưng bày; hướng dẫn du khách sử dụng ứng dụng tham quan trên các thiết bị điện tử thông minh; tương tác với hiện vật bằng công nghệ không gian 3D; trải nghiệm các hoạt động bằng thiết bị thực tế ảo.
Được biết, những năm qua, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã áp dụng công nghệ, từng bước thực hiện chuyển đổi số vào các hoạt động sưu tầm, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các giá trị di tích lịch sử, văn hóa đến với công chúng.
Những sản phẩm chuyển đổi số này sẽ giúp cải thiện tốt hơn những trải nghiệm của du khách khi đến với bảo tàng, giúp cho việc quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa của Đắk Lắk ngày càng lan rộng.