Đakrông giảm nghèo bằng những mô hình hay của HTX

Việc hỗ trợ, nhân rộng mô hình các HTX kiểu mới trong sản xuất nông nghiệp mang tính liên kết cao, thương mại hai chiều đã và đang giúp cải thiện thu nhập cho người dân nghèo, đồng bào thiểu số ở huyện Đakrông - một huyện miền núi biên giới, nằm phía Tây Nam tỉnh Quảng Trị.

Ở xã Ba Lòng (thuộc huyện Đakrông) đang kỳ vọng việc triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp của các HTX kiểu mới sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, để góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt từ 45 triệu đồng trở lên.

Ưu tiên cây trồng, vật nuôi chủ lực

Đơn cử như HTX Vanpa (với nhiều thành viên là người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô) ở xã Ba Lòng được xem là mô hình HTX kiểu mới hướng vào sản xuất kinh doanh cây dược liệu có giá trị cao, phục vụ thị trường nông sản, dược liệu trong và ngoài nước.

Người dân ở xã Ba Lòng (huyện Đakrông) đang ưutiên những cây trồng chủ lực thông qua vai trò “bà đỡ” của các HTX.

HTX này đã từng thành công từ mô hình sản xuất cây sả, sau đó mở rộng sang trồng các loại cây gừng, nghệ, tràm, hương nhu. Để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho cơ sở chế biến tinh dầu, HTX còn liên kết, tạo việc làm thu nhập ổn định cho gần 100 hộ nông dân, chủ yếu là người dân đồng bào Vân Kiều, Pa Cô.

Ngoài ra, ở xã Ba Lòng còn có các HTX Thiên Phúc và HTX Ngọc Hồ cũng đang trên đường phát triển theo mô hình HTX kiểu mới. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ các chính sách theo Luật HTX đối với hai HTX này và mở các lớp tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ để phát triển bền vững và hiệu quả.

Song song đó, chính quyền địa phương hỗ trợ, hướng dẫn các chính sách, hồ sơ để các HTX nêu trên thực hiện tốt các dự án liên kết chuỗi giá trị sản phẩm lạc và sản xuất chế biến tinh dầu lạc, tiến tới hoàn thiện hồ sơ đưa sản phẩm tinh dầu lạc thành sản phẩm OCOP.

Mặt khác, các HTX ở xã Ba Lòng còn được hỗ trợ, tạo điều kiện để liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, công ty đưa sản phẩm chủ lực của xã như lạc, tinh dầu lạc, đậu đỗ trở thành hàng hóa hữu cơ, sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tránh bị tư thương ép giá khi đến mùa vụ.

Để giúp giảm nghèo cho người dân địa phương, thông qua vai trò của kinh tế HTX, xã Ba Lòng đã và đang tập trung phát triển nông nghiệp với việc ưu tiên các cây trồng, vật nuôi chủ lực như: cây họ đậu, bò và gia cầm. Xã còn chú trọng vào các giống có giá trị kinh tế cao và khả năng chống chịu tốt; đồng thời triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đặc biệt, xã Ba Lòng đang đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như: Mô hình liên kết cây lạc của người dân với HTX Thiên Phú, mô hình chăn nuôi bò tại thôn 5 để cung ứng giống cho các đơn vị ở trên địa bàn của huyện và các địa phương khác trong tỉnh.

Hiệu quả mô hình thương mại hai chiều

Còn ở thị trấn Krông Klang thuộc huyện Đakrông có HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh được ghi nhận là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị triển khai mô hình thương mại hai chiều, cung ứng sản phẩm thiết yếu và tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở trong huyện. Sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay, mô hình của HTX kiểu mới này đạt những kết quả khả quan, được người dân địa phương đón nhận tích cực.

HTX dịch vụ nông nghiệp Hùng Anhđang thực hiện hiệu quả mô hình thương mại hai chiều ở Đakrông.

HTX này được thành lập từ cách đây 5 năm với mục đích ban đầu là hướng dẫn, hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng một quy trình sản xuất, chế biến các loại thảo dược quý hiếm trên địa bàn thành các loại trà thơm ngon, bảo quản được lâu ngày; kiểm soát chất lượng sản phẩm rồi phát triển nhãn mác bao bì để sản phẩm có tính thương mại hóa, đưa ra thị trường.

Sau đó, khi thực hiện mô hình thương mại hai chiều, như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX Hùng Anh, mô hình đã cung cấp những hàng hóa thiết yếu, vật tư nông nghiệp chất lượng cho người dân trong vùng, từng bước hình thành thói quen tiêu thụ hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cho người dân.

Hơn nữa, ông Hùng cho biết HTX hỗ trợ thu mua, tiêu thụ những sản phẩm hàng hóa do bà con địa phương làm ra, nhất là những mặt hàng OCOP, đặc trưng của địa phương. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân trong giao lưu thương mại, góp phần ổn định thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn thị trấn Krông Klang và các vùng lân cận trong huyện Đakrông, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội.

Như đánh giá từ chính quyền địa phương, mô hình của HTX Hùng Anh đã góp phần hỗ trợ nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đơn vị về phân phối hàng hóa, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu; hỗ trợ duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm đến người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện.

Sau khi tham gia vào mô hình thương mại hai chiều, mỗi năm HTX này thu mua từ người nông dân trên địa bàn khoảng 60 tấn bao gồm 50 tấn các loại cây gia vị, dược liệu như gừng, sả, cây dược liệu và khoảng 10 tấn các loại cây lương thực có hạt như lạc, đậu xanh, đậu đen xanh lòng.

Từ các nông sản thu mua, HTX Hùng Anh đã chế biến, đóng gói và tiêu thụ theo đúng quy định về chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, đơn vị đã sản xuất được 4 sản phẩm trà dược liệu được chứng nhận đạt hạng OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh như trà Thạch Thiên Thảo, Tía Tô, Trinh Nữ, Diệp Thảo Đan.

Kỳ vọng vai trò tiên phong của HTX kiểu mới

Hy vọng rằng trong thời gian tới, HTX Hùng Anh sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Liên minh HTX Quảng Trị và chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực quản lý, xây dựng liên kết bền vững với các đơn vị cung ứng, các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh để khai thác mô hình thương mại hai chiều một cách có hiệu quả nhất.

Hyện Đakrông sẽ giảm nghèo hiệu quả từ việc nhân rộng những mô hình hay của các HTX kiểu mới.

Hyện Đakrông sẽ giảm nghèo hiệu quả từ việc nhân rộng những mô hình hay của các HTX kiểu mới.

Xét về việc phát triển kinh tế HTX (đặc biệt là mô hình HTX kiểu mới) nhằm giúp người dân địa phương thoát nghèo và vươn lên có đời sống khấm khá, toàn huyện Đakrông đang có gần 20 mô hình HTX, tổ hợp tác, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Đakrông là 38,04%; hộ cận nghèo 11,1%; trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 97% tổng số hộ nghèo toàn huyện. Với những con số đầy thách thức như vậy, để giảm nghèo thực chất đang rất cần vai trò tiên phong từ các HTX kiểu mới với những mô hình hiệu quả.

Để làm được điều đó, thông qua vai trò định hướng, hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và sự sát sao của Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị, đã, đang và sẽ đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hướng dẫn để các HTX kiểu mới ở Đakrông xây dựng được các mô hình mới, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực cho HTX, hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học- kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào trong sản xuất…

Người dân ở Đakrông mong rằng thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương để triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý, chuyên môn cho các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện.

Hơn thế nữa, các HTX ở Đakrông cũng mong muốn nhận được sự quan tâm xây dựng, phát triển để có đủ sức cạnh tranh trên thị trường, nhân rộng những mô hình hiệu quả nhằm giúp các HTX trong huyện có bước phát triển mới, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới.

Không chỉ vậy, các đồng bào thiểu số ở Đakrông mong đợi được trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu tham quan mô hình HTX sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Qua đó, bằng tai nghe mắt thấy, các HTX kiểu mới ở Đakrông sẽ giúp người dân nghèo nhận thức đúng về bản chất của kinh tế tập thể và sự cần thiết phải có HTX kiểu mới.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/dakrong-giam-ngheo-bang-nhung-mo-hinh-hay-cua-htx-1105842.html