Đảm bảo an toàn cho bữa ăn học đường
Chất lượng cũng như vấn đề an toàn của bữa ăn học đường luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh mỗi khi năm học mới bắt đầu. Nhất là trong thời điểm hiện nay, sau bão số 3 (Yagi) rau xanh và thực phẩm khan hiếm ở những địa phương bị ảnh hưởng, việc chú trọng an toàn bữa ăn bán trú học đường lại càng là yêu cầu quan trọng.
Chọn gửi con, mong an toàn
Tại Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh, các Sở GDĐT phối hợp với ngành y tế đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong các cơ sở giáo dục mầm non, tuyệt đối không thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non, bữa ăn phải được nấu ấm nóng tại trường, đảm bảo các điều kiện ATTP.
Đối với các cấp học khác, Bộ GDĐT quy định, các nhà trường có thể lựa chọn các hình thức hoạt động của bếp ăn trong trường học như bếp ăn do nhà trường trực tiếp quản lý, điều hành, bếp ăn do đơn vị cung cấp dịch vụ nấu tại trường và cung cấp cho học sinh hay đặt suất ăn từ đơn vị cung cấp dịch vụ từ bên ngoài.
Có thể thấy, mô hình nhà trường mua thực phẩm, tự tổ chức nhân sự nấu tại trường chủ yếu được áp dụng đối với các trường mầm non. Chức năng chính của các trường mầm non chính là nuôi dạy nên nhà trường có nhân sự biên chế cô nuôi. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính về ATTP và dinh dưỡng suất ăn cho các con, đơn vị cung cấp thực phẩm chỉ chịu trách nhiệm đối với chất lượng thực phẩm đã bàn giao cho nhà bếp.
Còn đối với các cấp học khác, an toàn bữa ăn học đường vẫn luôn là nỗi lo lắng của phụ huynh khi vẫn còn những trường hợp ngộ độc hay suất ăn không đảm bảo chất lượng.
Chị Đặng Thị Tâm - phụ huynh ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Vẫn còn không ít vụ việc liên quan đến thực phẩm không đảm bảo chất lượng đã xảy ra tại các trường học trên cả nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của các con mà còn khiến chúng tôi hết sức lo lắng”.
Thực tế cho thấy, để đảm bảo an toàn về bữa ăn học đường, rất nhiều trường học đã áp dụng các quy trình kiểm soát chặt chẽ, như cam kết bảo đảm ATTP cho học sinh bằng cách công khai cơ sở cung cấp suất ăn, nguồn gốc thực phẩm, quy trình giao nhận, chế biến; thực đơn bữa ăn, danh sách Ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh học sinh tham gia giám sát (công khai theo tuần).
Nhiều trường còn thành lập Tổ giám sát ATTP, có Ban Đại diện cha mẹ học sinh tham gia; Ban Giám hiệu phân công lịch trực nhận thực phẩm cho các lớp, đến lớp nào trực thì đại diện Ban Phụ huynh lớp đó sẽ đến kiểm tra, giám sát cùng. Các trường đều quản lý những người ra vào khu vực bếp, bảo đảm an toàn vệ sinh trong suốt quá trình chế biến.
Thế nhưng, bất chấp tất cả các biện pháp nói trên, các vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học vẫn được ghi nhận.
Cần minh bạch và giám sát chặt chẽ
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, giai đoạn 2019-2023, cơ quan chức năng ghi nhận trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 6 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong bếp ăn trường học, làm gần 330 người bị ngộ độc. So với giai đoạn 2014-2018, số vụ việc và số nạn nhân tuy có giảm nhưng đây vẫn là một thực tế rất đáng lo ngại.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm là do sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến. PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm thông tin: Khi thanh tra, kiểm tra, nhất là ở các cơ sở giáo dục, chúng tôi thấy rằng nhiều trường, nhất là các trường có địa điểm chật hẹp, không đủ điều kiện diện tích để tổ chức nấu nướng tại chỗ, nên thuê một cơ sở nấu ở bên ngoài, sau đó vận chuyển đến trường. Đó cũng là một nguy cơ.
Theo nguyên tắc, thức ăn nấu xong không nên ăn sau 2 giờ, vì nếu để môi trường bình thường thì nguy cơ về vệ sinh ô nhiễm. Thế nhưng khi nấu ăn ở các địa điểm khác, sau đó vận chuyển, phương thức vận chuyển không bảo đảm thì rất có nguy cơ ô nhiễm trong giai đoạn này. Thứ hai là việc lựa chọn nguyên liệu, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể là do sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn không đảm bảo an toàn. Thứ ba, có sự lơ là trong khâu quản lý, giám sát.
Ông Phong cho rằng, việc kiểm nghiệm thực phẩm của các trường hiện chỉ nhìn bằng mắt thường, không có các thiết bị phân tích, nên không thể phát hiện được các vi khuẩn độc hại nếu cơ sở cung cấp cố tình đưa thực phẩm kém chất lượng đến.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, ngộ độc thực phẩm ở các trường học, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đây cũng là nỗi lo của bất cứ gia đình nào, có con em đi học, ăn bán trú.
“Để đảm bảo ATTP tại các trường học, cơ sở giáo dục cần đảm bảo các quy định của Bộ Y tế, như thực phẩm nhập vào bếp nấu phải có giấy kiểm định, đảm bảo tươi; khu vực bếp ăn, phải đặt ở vị trí cách xa nguồn ô nhiễm, nhà vệ sinh; môi trường bếp, phải đảm bảo sạch sẽ, có các khu riêng biệt như rửa, sơ chế, khu nấu, vị trí để thức ăn chín. Dụng cụ chế biến như nồi, chảo, dao, thớt, phải rửa thật sạch sẽ, không dùng chung dụng cụ cho đồ ăn sống và đồ ăn chín…” – PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nêu quan điểm.
Nâng cao chất lượng dinh dưỡng
Bữa ăn bán trú vào buổi trưa là một bữa chính trong ngày, không chỉ đảm bảo cho học sinh đủ sức khỏe học tập ở trường mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển thể chất của mỗi học sinh.
Đầu tháng 9 vừa qua, Công ty cổ phần dịch vụ suất ăn công nghiệp Hà Nội gửi thông báo tới nhà trường và phụ huynh Trường Tiểu học Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) về việc dự kiến thay đổi giá mỗi suất ăn bán trú từ 30.000 đồng của năm học trước thành 28.000 đồng trong năm học 2024-2025. Lý do là vì công ty nhận được phản hồi từ khá nhiều các nhà trường và phụ huynh là học sinh ăn không hết định mức nên rất phí. Doanh nghiệp khẳng định vẫn sẽ thực hiện bữa ăn đủ dinh dưỡng, đủ định lượng, đủ calo cho các em học sinh tiểu học với mức ăn 28.000 đồng/bữa, để bảo đảm mặt bằng chung trong các khu vực lân cận.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh bày tỏ việc giảm 2.000 đồng/suất thực tế mỗi tháng mỗi gia đình cũng không tiết kiệm được bao nhiêu, trong khi hiện nay giá cả nhiều mặt hàng đều tăng cao, việc đảm bảo chất lượng và an toàn bữa ăn bán trú là rất quan trọng. Nhất là học sinh đang trong giai đoạn phát triển nhanh, cần nhiều dinh dưỡng và năng lượng để học tập, vận động. Vì vậy, thay vì giảm tiền ăn, một số ý kiến đề xuất giữ nguyên, thậm chí sẵn sàng nộp thêm tiền để tăng chất lượng bữa ăn cũng như có thêm bữa phụ sau khi ngủ trưa dậy cho học sinh.
Tại Hà Nội, mức trần tiền ăn bán trú công lập là 35.000 đồng/học sinh với bữa trưa, 20.000 đồng với bữa sáng. Tại TPHCM, từ năm học 2024 – 2025, tiền ăn bán trú của học sinh sẽ do nhà trường thỏa thuận với phụ huynh, theo thực tế thay vì áp mức 32.000 - 35.000 đồng cho cả thành phố như năm học trước đó.
Theo các chuyên gia, việc quy định mức trần mỗi bữa ăn bán trú nhằm tránh lạm thu nhưng cũng cần căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của phụ huynh, học sinh để tính toán mức cụ thể, đảm bảo hợp lý, chất lượng.
Khẳng định thực phẩm trong học đường rất quan trọng, bởi có những học sinh ăn 2-3 bữa một ngày ở trường, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 – 2025 của ngành Giáo dục Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường các quy định, giám sát để đảm bảo nguồn gốc thực phẩm sạch và bữa ăn đủ chất lượng, số lượng. Ông Thanh lưu ý các trường học sát sao với đơn vị đấu thầu bếp ăn, đảm bảo đúng, đủ khẩu phần của học sinh, tuyệt đối không bớt xén. Ví dụ, bữa ăn 30.000 đồng thì cần làm cho tương xứng, đã gồm lợi nhuận, chứ không thể làm theo “lợi nhuận mong muốn”.
PGS.TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế):
Tuân thủ nghiêm ngặt quy định
Chúng ta có một công thức cơ bản được áp dụng từ xa xưa đối với bếp ăn tập thể, nhưng nhiều nơi vẫn chưa áp dụng nghiêm ngặt đó là kiểm thực 3 bước: Kiểm thực trước khi thực phẩm nhập về, kiểm thực trước khi chế biến và kiểm thực trước khi ăn. Trong trường hợp các trường học thuê công ty thì các công ty phục vụ cũng phải thực hiện nghiêm túc những quy trình này.
Hiện Cục An toàn thực phẩm đã ban hành đầy đủ 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, an toàn; Thực hiện ăn chín, uống sôi, ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ hoa quả trước khi sử dụng; Ăn ngay thức ăn vừa được nấu chín; Che đậy, bảo quản cẩn thận thức ăn sau khi nấu chín; Đun lại kỹ thức ăn trước khi sử dụng; Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín, không dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín; Rửa sạch tay trước khi chế biến thực phẩm, đặc biệt sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với nguồn dễ ô nhiễm khác; Bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ hợp vệ sinh; Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm ôi thiu, hỏng mốc, quá hạn; Sử dụng nguồn nước sạch, an toàn trong chế biến thực phẩm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dam-bao-an-toan-cho-bua-an-hoc-duong-10290060.html