Đảm bảo an toàn di tích Cố đô Huế trong mùa mưa bão

Cố đô Huế có hàng trăm công trình, di tích, kiến trúc, cổ vật hàng trăm năm tuổi dễ bị tác động của thiên tai. Vào mùa mưa bão, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các địa phương chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn di tích và khách tham quan.

Kinh thành Huế là một trong số các cụm di tích quan trọng thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế có tuổi đời hàng trăm năm. Nhiều công trình, kiến trúc xuống cấp nghiêm trọng, số khác đang thi công hoặc vừa được trùng tu, tôn tạo. Những di tích này tồn tại trong thời gian dài chịu nhiều tác động của chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt, rất dễ xuống cấp, ngã sập.

Kinh thành Huế bị ngập nước tháng 11/2023

Kinh thành Huế bị ngập nước tháng 11/2023

Ông Trần Đình Thanh, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ di tích, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: đơn vị tổ chức giằng néo, chống đỡ các hạng mục di tích xuống cấp, cắt tỉa cây xanh phòng chống mưa bão: “Chúng tôi đã đi khảo sát các khu vực và có đề xuất với Ban Giám đốc để có giải pháp chống đỡ cũng như che chắn. Chúng tôi tiến hành cắt tỉa, bảo vệ cây xanh trên địa bàn di tích. Hàng năm khi hay tin có mưa bão, chúng tôi triển khai gằng néo, khi hết mưa bão thì tháo dỡ ra để đảm bảo mỹ quan di tích, tạo điều kiện cho khách tham quan”.

Cây xanh bên trong Đại Nội được giằng néo

Cây xanh bên trong Đại Nội được giằng néo

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thực hiện phương châm 4 tại chỗ. Khi xảy ra mưa bão, khoảng 30 người túc trực 24/24 giờ, chuẩn bị các dụng cụ cứu hộ gồm: áo phao, ghe, xuồng, đèn bão, đèn pin, dây thừng, máy cưa… để kịp thời xử lý tình huống.

Nhiều công trình kiến trúc, di tích xuống cấp

Nhiều công trình kiến trúc, di tích xuống cấp

Ông Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho hay: “Trong quá trình hoạt động lâu nay, chúng tôi cũng đã có phương án khai thác khách trong mùa mưa bão. Đặc biệt, khi bão lớn thì chúng tôi hoàn toàn không phục vụ khách. Mưa bão nhỏ hơn thì triển khai phục vụ tại những điểm mà du khách có thể thấy được cảnh bão lụt ở Huế. Khách chỉ đi chụp ảnh, lấy thông tin. Khi nước đã tràn vào khu vực di tích thì hầu như không thể phục vụ khách tham quan”.

Việc thoát nước bên trong di tích được chú trọng

Việc thoát nước bên trong di tích được chú trọng

Quần thể di tích Cố đô Huế là nơi tập trung hàng trăm công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt. Địa bàn di tích trải rộng từ vùng trũng trong Kinh thành đến các khu lăng tẩm, gò đồi phía Tây Nam của thành phố Huế. Nhiều điểm di tích ven sông Huơng thường chịu sự tác động của nước lũ, gió bão, nguy cơ sạt lở, chia cắt cục bộ đã và đang gây nhiều khó khăn trong công tác ứng cứu trong mùa mưa bão.

Du khách trải nghiệm đi thuyền trên đường phố Huế mùa mưa lụt

Du khách trải nghiệm đi thuyền trên đường phố Huế mùa mưa lụt

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: hiện có nhiều di tích đang trùng tu, đơn vị đã có phương án đảm bảo an toàn trong mưa bão: Theo dự báo, năm nay, thời tiết cực đoan có những cơn bão lớn. Chúng tôi chủ động các giải pháp. Trong đó, chú trọng bảo vệ phần mái, đặc biệt là giằng néo, cắt tỉa cây xanh tránh ngã đỗ gây hư hại di tích. Sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn. Công tác phòng là quan trọng nhất”.

Vinh Thông-Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dam-bao-an-toan-di-tich-co-do-hue-trong-mua-mua-bao-post1120544.vov