Đảm bảo tài chính cho công tác bảo vệ môi trường

Công cuộc bảo vệ môi trường, ngăn ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi nguồn tài chính lớn hơn, đầu tư hiệu quả hơn để đạt được các mục tiêu cần thiết.

Các chuyên gia thảo luận tại Tọa đàm "Việt Nam và những cam kết tại COP26–Góc nhìn Kinh tế Môi trường". Ảnh: KTMT.

Các chuyên gia thảo luận tại Tọa đàm "Việt Nam và những cam kết tại COP26–Góc nhìn Kinh tế Môi trường". Ảnh: KTMT.

2 vùng đồng bằng rộng lớn ở miền Bắc và miền Nam là 2 khu vực tập trung đông dân cư cũng như các thành phố lớn, đóng vai trò quan trọng, làm đầu tàu cho kinh tế đất nước phát triển.

Tuy nhiên, nhiều dự báo được đưa ra, 2 vùng đồng bằng này đang đứng trước nguy cơ khủng khiếp đến từ biến đổi khí hậu, khi Việt Nam là một trong số 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mực nước biến dâng. 1/3 diện tích đồng bằng của Việt Nam có nguy cơ chìm trong nước biển.

Cùng với những thực trạng tiêu cực như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, rồi tiếng ồn, ánh sáng… gây ra nhiều hệ quả tới đời sống cũng như hoạt động kinh tế xã hội, chúng ta hiểu ra lời tuyên bố “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế” không phải là hô hào, khẩu hiệu, mà là một thực tế mang tính tất yếu.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhận xét, bảo vệ môi trường là nền tảng quan trọng, có thể nói là thiếu yếu với công cuộc phát triển bền vững của toàn nhân loại.

Đóng vai trò quan trọng như vậy, tuy nhiên, thực tế công tác bảo vệ môi trường đang không được quan tâm đúng mức, thể hiện rõ qua nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và môi trường, năm 2019, tổng ngân sách đầu tư cho hoạt động môi trường chỉ khoảng trên dưới 1% ngân sách. Cùng với số vốn điều lệ của Quỹ Bảo vệ môi trường chỉ có 1.000 tỷ đồng, là những con số “rất ít ỏi và mang tính tượng trưng”.

Đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt nhưng lại rất hạn chế, hiển nhiên đầu tư từ phía doanh nghiệp cũng không cao. Ông Phong cho biết, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không đủ tiềm lực để đầu tư bảo vệ môi trường.

Thậm chí, có nhiều trường hợp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường nhưng chỉ “xây xong để đấy” vì không có đủ nguồn lực vận hành. Vốn nước ngoài cũng không có nhiều, hỗ trợ chỉ khoảng vài trăm nghìn USD, còn lại là vốn vay nhưng cũng không phải là vay ưu đãi.

Giải pháp nào cho đầu tư vào môi trường

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế. Ảnh: KTMT.

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế. Ảnh: KTMT.

Thực tế đặt ra, cần có một cơ chế mới để huy động vốn đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường, ngăn ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo ông Phong, đối với Nhà nước, cần có chính sách huy động vốn bằng tín dụng xanh, trái phiếu xanh, đồng thời nhân danh COP26 để xin tài trợ từ quốc tế.

Mặt khác, cần phát huy nguồn vốn tự nhiên, cho phép tư nhân tự thành lập các quỹ bảo vệ môi trường, với tiêu chí đảm bao minh bạch, công khai. Nguồn vốn kiều hối cũng đóng vai trò quan trọng.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó chủ tịch Viện Kinh tế môi trường Việt Nam (VIASEE) nhận xét, Việt Nam phải tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân đầu tư vào bảo vệ môi trường.

“Nhà nước đừng ôm quá nhiều, thành ra đầu tư dàn trải, khó quản lý, kém hiệu quả. Phải vận dụng cơ chế thị trường. Tư nhân mới đóng vai trò chính, vai trò của Nhà nước là tạo cơ chế”, ông Chinh nhấn mạnh.

Cơ chế thị trường đối với bảo vệ môi trường sẽ hoạt động theo hướng người hưởng lợi chi trả dịch vụ, người gây ô nhiễm phải trả phí khắc phục. Thị trường hoạt động như một cơ chế thanh lọc tự động, khuyến khích doanh nghiệp có trách nhiệm tham gia, đồng thời loại bỏ dần những doanh nghiệp vô trách nhiệm.

Những công cụ như thị trường hạn ngạch carbon hay trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) cũng được xây dựng dựa trên thị trường. Những công cụ này tạo ra nguồn tài chính ổn định cho công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải cũng như thực hành bền vững hóa ở các doanh nghiệp.

Bên cạnh việc tìm kiếm nguồn vốn, theo PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, cần thiết phải có sự định hướng trong hoạt động đầu tư cho môi trường sao cho hiệu quả, bắt đầu là từ công nghệ.

“Chúng ta phải tập trung vào công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến để chống biến đổi khí hậu, thay vì cứ phải chọn công nghệ rẻ. Bắt đầu phải từ Quốc hội, quyết không cho phép công nghệ bẩn, công nghệ rác của quốc tế”, bà An nhấn mạnh.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/dam-bao-tai-chinh-cho-cong-tac-bao-ve-moi-truong-1638187060874.htm