Đảm bảo tính khả thi chính sách của Nhà nước về phát triển điện
Quan tâm đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát, đảm bảo tránh dàn trải, đảm bảo nguồn lực của Nhà nước được thực hiện hết các chính sách được quy định tại dự thảo luật; đồng thời cần tính toán đảm bảo tính khả thi để quy định của pháp luật phải đi vào cuộc sống, được thực hiện nghiêm minh.
Rà soát các quy định đảm bảo tính khả thi, để luật đi vào cuộc sống
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV nhiều đại biểu bày tỏ sự thống nhất sửa đổi luật, nhằm nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đảm bảo sự phù hợp với các Luật Đầu tư; Luật Đất đai; Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng và thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Về chính sách của nhà nước về phát triển điện lực, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng và các cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 trong thời kỳ mới; thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng, chính sách của nhà nước liên quan đến chính sách giá điện, áp dụng cơ chế giá điện phù hợp đối với các nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ điện cao và phát thải cao; chính sách phát triển điện phục vụ vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bổ sung một số giải thích từ ngữ liên quan đến hoạt động điện lực như các loại giá điện, các nhà máy điện…; quy định nguyên tắc chung trong phát triển điện hạt nhân nhằm góp phần đảm bảo cung ứng điện, an ninh năng lượng và đáp ứng mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP 26..
Quan tâm đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực tại Điều 5 của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội cho biết, Điều 5 của dự thảo luật gồm 15 khoản, với rất nhiều chính sách phát triển điện lực cho từng lĩnh vực. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là dàn trải, sẽ không đảm bảo nguồn lực của Nhà nước để thực hiện hết tất cả các chính sách đã được quy định tại dự thảo luật. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát quy định khái quát các chính sách chung, cần tính toán đảm bảo tính khả thi để quy định của pháp luật đi vào cuộc sống và phải được thực hiện nghiêm minh.
Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, cụ thể hóa trong Luật một số chính sách như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận thống nhất cao với các chính sách phát triển điện lực vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn như dự thảo luật, trong đó Nhà nước ưu tiên bố trí đầu tư vốn và các chính sách ưu đãi về đầu tư, về tài chính. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc phát triển điện ở các đảo, vùng biển đảo rất đặc thù, do đó Nhà nước cũng cần ưu tiên bố trí đầu tư vốn và có chính sách ưu đãi đặc thù.
Đại biểu nêu rõ, các đảo của nước ta phần lớn cách xa đất liền vài chục tới vài trăm kilomet và để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho người dân, cũng như phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhà nước đầu tư nhiều chi phí để làm các nhà máy điện diesel, điện gió, điện mặt trời, hoặc kéo điện ra đảo.
Bổ sung các điều khoản cụ thể về đầu tư, quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân
Nhất trí với chính sách phát triển điện hạt nhân quy định tại khoản 14 Điều 5, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng khẳng định điện hạt nhân là loại hình điện đặc biệt, có yêu cầu rất cao về công nghệ, tài chính và nhân lực. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết cơ chế đặc thù để phát triển, xây dựng, vận hành đảm bảo an toàn hạt nhân của các nhà máy điện hạt nhân.
Cũng quan tâm đến chính sách phát triển điện hạt nhân quy định tại khoản 14 Điều 5, đại biểu Hoàng Đức Chính – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa nội dung về điện hạt nhân - đây là bước quan trọng trong định hướng năng lượng quốc gia. Việc đưa điện hạt nhân vào dự thảo luật thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng khoảng 10%/năm và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, các dự án điện hạt nhân đảm bảo cung cấp năng lượng sạch, dài hạn cho sản xuất, nhất là đối với sản xuất các ngành sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn điện ổn định.
Tại Việt Nam đã từng có kế hoạch phát triển điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lượng và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, vào năm 2016, Chính phủ đã quyết định tạm dừng các dự án điện hạt nhân, đặc biệt là dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận do có lo ngại về an toàn, chi phí đầu tư cao, vấn đề về công nghệ cũng như các diễn biến về tình hình năng lượng toàn cầu vào thời điểm đó.
Để hoàn thiện dự án luật, đưa điện hạt nhân phát triển bền vững, đại biểu Hoàng Đức Chính đề nghị bổ sung các điều khoản rõ ràng về đầu tư, quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới. Bổ sung những quy định về quản lý chất thải phóng xạ và các biện pháp đảm bảo an toàn cho cộng đồng và môi trường khi thực hiện các dự án nhà máy điện hạt nhân. Điều này nhằm tránh những lo ngại của người dân và tăng sự đồng thuận trong xã hội. Cùng với đó là bổ sung các điều khoản về khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho biết, khoản 14 Điều 5 có nhiều quy định về phát triển điện hạt nhân, như quy hoạch phát triển điện hạt nhân, đối tượng đầu tư, xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân, sử dụng công nghệ của dự án điện hạt nhân… Điều đáng nói là tất cả các quy định này chỉ nêu hàm ý vài dòng, còn quy định được thực hiện như thế nào không rõ.
Để việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng của quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị cần nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về điện hạt nhân đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất quy định các cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân sao cho thành công, đạt hiệu quả cao. Cần phải có lộ trình phát triển điện hạt nhân cụ thể, tránh làm lãng phí nguồn lực nhà nước đã đầu tư nguồn lực đất đai tại hai vị trí điện hạt nhân năm 2009 Quốc hội đã có Nghị quyết chủ trương đầu tư, xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
“Việc đầu tư phát triển điện hạt nhân cần có chủ trương thống nhất triển khai thực hiện, đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ, hiệu quả, tạo niềm tin cho Nhân dân”, đại biểu Đảng Thị Mỹ Hương nêu quan điểm.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=90756