Đạm Cà Mau (DCM): Lãi hơn 300 tỷ đồng trong tháng 7, xuất thêm lô hàng lớn sang Australia

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) ước tính, lũy kế 7 tháng đầu năm nay, đã ghi nhận hơn 1.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 183% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) vừa cho biết đã xuất khẩu thêm lô hàng 30.000 tấn phân bón sang Australia trong tháng 7/2025. Australia được đánh giá là một trong những quốc gia có hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt bậc nhất thế giới đối với mặt hàng phân bón.

Vào tháng 3/2025, Đạm Cà Mau đã đạt được chứng chỉ Level One - cấp độ cao nhất trong hệ thống kiểm soát nhập khẩu phân bón vô cơ của Australia. Chứng chỉ do Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia (DAFF) cấp, sau quá trình đánh giá thực địa toàn diện đối với hệ thống sản xuất, đóng gói và kiểm dịch sinh học của Đạm Cà Mau.

Việc đạt chứng chỉ Level One giúp sản phẩm của Đạm Cà Mau được miễn kiểm tra tại cảng đến, qua đó giảm đáng kể thời gian thông quan và chi phí logistics. Trong đó, sản phẩm Urê Cà Mau cũng được xếp vào nhóm đạt chuẩn cao nhất, đủ điều kiện phân phối với mức giá tốt hơn, Đạm Cà Mau cho biết.

Đạm Cà Mau đã xuất khẩu thành công lô hàng 30.000 tấn phân bón sang Australia trong tháng 7/2025.

Đạm Cà Mau đã xuất khẩu thành công lô hàng 30.000 tấn phân bón sang Australia trong tháng 7/2025.

Đạm Cà Mau cũng tiết lộ ước tính lũy kế 7 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu hợp nhất đạt 10.541 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.417,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 37% và 39% so với cùng kỳ năm 2024. Qua đó, hoàn thành 75,3% mục tiêu doanh thu và 183% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Trước đó, Đạm Cà Mau ước tính lũy kế 6 tháng đầu năm nay đã ghi nhận 9.600 tỷ đồng doanh thu và 1.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, chỉ tính riêng tháng 7/2025, doanh nghiệp phân bón này đã thu về hơn 317 tỷ đồng lợi nhuận.

Theo đánh giá mới đây của một số hãng chứng khoán, giá phân bón dự kiến sẽ duy trì ở mức tích cực trong thời gian tới do nguồn cung trên thế giới tiếp tục bị siết chặt. Mặc dù có thông tin Trung Quốc đã nối lại hoạt động xuất khẩu phân bón, nhưng hạn ngạch xuất khẩu giảm từ 25 - 50% so với năm 2024.

Đồng thời, Nga cũng quyết định gia hạn việc áp dụng hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến tháng 11/2025. Ngoài ra, Ai Cập cũng đang yêu cầu các nhà sản xuất nitơ ở nước này phải cắt giảm sản lượng 20% do cắt giảm khí đốt. Trong khi đó, Ấn Độ đang tăng cường nhập khẩu phân bón để chuẩn bị cho mùa vụ nửa cuối năm 2025.

Theo Chứng khoán SSI, giá urê tại châu Âu đã tăng 16% trong 5 tháng đầu năm 2025, trong khi giá khí tự nhiên tăng 38% so với cùng kỳ. Do đó, giá bán urê được dự báo sẽ tăng 10% trong năm 2025 và ổn định trong năm 2026. Giá DAP cũng được kỳ vọng tăng 6% trong năm 2025 và giữ vững trong năm 2026.

Ngoài ra, với việc giá dầu thô Brent hạ nhiệt do OPEC+ đang gia tăng nhanh sản lượng khai thác, giá dầu FO dược dự báo sẽ giảm xuống còn 430 USD/tấn trong năm 2025 và 400 USD/tấn trong năm 2026. Hiện chi phí sản xuất của Đạm Cà Mau đang được neo theo giá dầu FO, do đó giá dầu FO giảm sẽ giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận của công ty.

Cảnh Hưng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/dam-ca-mau--dcm-lai-hon-300-ty-dong-trong-thang-7--xuat-them-lo-hang-lon-sang-australia-146283.htm