Không chỉ mất nguồn năng lượng Nga, kinh tế Đức có thể 'hụt hơi' 3 năm liên tiếp, còn bởi lý do này
Trong bối cảnh tứ bề khó khăn, hoạt động thương mại với Mỹ được coi như 'lối thoát hiểm', lại bị thuế quan của Tổng thống Trump chặn đứng. Sự yếu kém của kinh tế Đức thậm chí còn góp phần đẩy ước tính tăng trưởng của khu vực đồng Euro xuống thấp hơn.

Dự báo tăng trưởng thấp hơn ở nền kinh tế Đức là do chính sách thuế quan "khó lường" của Mỹ. (Nguồn: FT)
Ủy ban châu Âu (EC) vừa hạ kỳ vọng tăng trưởng đối với kinh tế Đức trong Dự báo mùa Xuân được trình bày tại Brussels.
Nền kinh tế Đức phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu nhưng đã phải đối mặt với những trở ngại lớn từ chi phí năng lượng cao hơn sau khi mất nguồn khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga, do chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cũng như do thiếu chi tiêu cho cơ sở hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng và sự cạnh tranh từ siêu cường Trung Quốc, trong lĩnh vực ô tô và máy móc công nghiệp.
Theo đó, EC dự báo GDP của Đức sẽ không tăng trong năm nay, trong khi hồi tháng 11 năm ngoái, cơ quan này đã dự đoán kinh tế Đức tăng trưởng nhẹ 0,7%. Cũng theo EC, GDP của Đức được dự đoán tăng trưởng 1,1% trong năm 2026.
EC cũng ước tính, mức tăng trưởng 1,1% trong năm nay trên toàn Liên minh châu Âu (EU) và 0,9% cho Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone), đều thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 11/2024.
Ủy viên Kinh tế EU, ông Valdis Dombrovskis, phát biểu tại Brussels: “Kinh tế EU vẫn ổn định, mặc dù đang phải đối mặt với những hoàn cảnh đầy thách thức”.
Ông cho biết, dự báo tăng trưởng thấp hơn của EU là do chính sách thuế quan "khó lường" của Mỹ, tạo ra sự bất ổn và thận trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, có cả nguyên nhân nền kinh tế đầu tàu của khu vực - Đức trì trệ.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Đức phải đối mặt với nguy cơ không tăng trưởng trong năm thứ ba liên tiếp. EC giải thích quyết định hạ dự báo tăng trưởng của Đức là do vấn đề thuế quan và tình hình bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng. Trong các ngành phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, bối cảnh trên tiếp tục dẫn đến “suy giảm về cơ cấu” và mất thị phần.
Xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh. Cho đến nay, hoạt động thương mại với Mỹ đã giúp bù đắp một phần sự suy giảm trên thị trường Trung Quốc, nhưng hiện tại không thể thực hiện được nữa do mức thuế quan cao.
Đồng Euro tăng giá đáng kể do tình hình bất ổn ở Mỹ, khiến hàng nhập khẩu rẻ hơn. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc có thể chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường châu Âu do thuế quan của Mỹ, khiến giá cả sẽ chịu sức ép giảm.
Xung đột thương mại đặc biệt ảnh hưởng đến nền kinh tế hướng đến xuất khẩu của Đức. EC dự đoán kim ngạch xuất khẩu của Đức sẽ giảm 1,9% trong năm nay. Tăng trưởng xuất khẩu mạnh vào đầu năm chỉ là tác động ngắn hạn do các công ty tích trữ hàng hóa để phòng ngừa thuế quan cao hơn.
Ngược lại, tiêu dùng cá nhân đang phát triển theo chiều hướng tích cực vì sức mua tăng lên nhờ lạm phát giảm và lãi suất thấp. Tâm trạng của các công ty cũng được cải thiện sau khi chính phủ liên bang công bố các khoản đầu tư lớn vào quốc phòng và cơ sở hạ tầng.
Ủy viên Dombrovskis cho biết, kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng ở tất cả các nước EU có thể dẫn đến tăng trưởng đột biến. Nếu tất cả các chính phủ đều tăng chi tiêu quân sự thêm 1,5% GDP, tăng trưởng kinh tế châu Âu có thể cao hơn 0,5 điểm phần trăm vào năm 2028.
Ông Dombrovskis cho biết, tại Đức, gói đầu tư trị giá 500 tỷ Euro (khoảng 563 tỷ USD) của chính phủ liên bang có thể mang lại mức tăng trưởng thêm 1% vào năm 2028. Đến năm 2035, tác động này thậm chí có thể đạt tới 2,6%.
Tuy nhiên, những khoản đầu tư tăng thêm này "rõ ràng" sẽ khiến thâm hụt ngân sách ở khu vực đồng Euro tăng trở lại. Ngay cả khi không có các khoản đầu tư theo kế hoạch, EC vẫn dự kiến tỷ lệ nợ của Đức sẽ tiếp tục tăng - từ 62,5% GDP vào cuối năm 2024 lên 63,8% GDP trong năm nay và 64,7% GDP trong năm tới, ông Dombrovskis cho biết.