Thuế quan của Mỹ: EU giảm mạnh dự báo tăng trưởng tại Eurozone
Ngày 19/5, Liên minh châu Âu (EU) đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng euro (Eurozone) trong năm 2025 do căng thẳng thương mại toàn cầu bùng phát cũng như nguy cơ thiên tai gia tăng.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Vienna, Áo. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Ủy ban châu Âu (EC) nhận định nền kinh tế của khu vực gồm 20 quốc gia này có thể tăng trưởng 0,9% trong năm 2025, giảm so với dự báo trước đó là 1,3%, do "triển vọng thương mại toàn cầu suy yếu và bất ổn chính sách thương mại tăng". EC cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2026 xuống còn 1,4%, thấp hơn so với mức 1,6% đưa ra tháng 11/2024.
Theo Ủy viên EU về thương mại, ông Valdis Dombrovskis, nền kinh tế Eurozone sẽ vẫn đạt tăng trưởng trong năm 2025, dù với tốc độ vừa phải nhờ thị trường lao động mạnh mẽ và mức lương tăng. Ông Dombrovskis cho biết: "Những rủi ro đối với triển vọng vẫn nghiêng về phía giảm, vì vậy EU phải có hành động quyết đoán để thúc đẩy khả năng cạnh tranh".
EC cũng hạ dự báo tăng trưởng của Đức, theo đó nền kinh tế lớn nhất của khối này có thể không tăng trưởng trong năm 2025, giảm mạnh đáng kể so với mức dự báo 0,7% đưa ra cuối năm 2024.
Mỹ đã áp thuế 25% đối với thép, nhôm và ô tô nhập khẩu từ EU và các nước khác, đồng thời cảnh báo EU sẽ phải đối mặt với mức thuế quan bổ sung 20% đối với hầu hết hàng hóa nếu không đạt được thỏa thuận thương mại với Washington. Hiện mức thuế bổ sung này đang được tạm hoãn cho đến tháng 7 để tạo điều kiện cho đàm phán, song Washington giữ nguyên mức thuế "cơ bản" là 10% đối với hàng nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có 27 quốc gia EU.
Bên cạnh căng thẳng thương mại, EU cảnh báo tần suất xảy ra thảm họa liên quan đến khí hậu, như cháy rừng và lũ lụt, ngày càng tăng, có nguy cơ gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế. EC dự báo lạm phát trong Eurozone là 2,1%, không thay đổi so với dự đoán trước đó và rất gần với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Lạm phát tại Eurozone đã chậm lại đáng kể so với mức cao hai chữ số, được ghi nhận vào cuối năm 2022 và hiện đang ở mức 2,2% trong tháng 4. EC cũng hạ dự báo lạm phát năm 2026 từ 1,9% xuống còn 1,7% đồng thời cảnh báo căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp diễn có thể "làm tái bùng phát áp lực lạm phát.