Đậm đà men rượu làng Đình

Nhiều đời nay, ở huyện Yên Thủy và một số địa phương vào các dịp Tết đến xuân về, dịp lễ, việc làng không thể thiếu hương vị rượu làng Đình. Hương vị đậm thơm, được chắt lọc từ những bàn tay tài hoa của người làng Đình giờ đây đã trở thành thương hiệu đi khắp mọi miền Tổ quốc.

Rượu làng Đình được gia đình ông Bùi Văn Vinh, xã Phú lai (Yên Thủy) nấu theo cách truyền thống.

Từ xa xưa, sau vụ thu hoạch, mỗi gia đình ở làng Đình, xã Phú Lai thường dùng lúa nếp mới phơi khô nấu rượu. Họ dùng cối xay lật vỏ trấu nấu cơm, trộn men lá ủ đủ ngày tháng đem nấu theo cách riêng của làng để chắt lọc những giọt rượu tinh túy nhất mang đậm hương vị núi rừng. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, loại rượu này đã có từ rất lâu. Sản phẩm rượu thường gắn liền với các hoạt động đời sống văn hóa của nhân dân, đặc biệt lễ hội đình Xàm. Đình thờ nhân thần tên tục là Bùi Văn Khú (Đô Khú) cùng vợ là Thiên Tinh công chúa.

Trong quá trình sản xuất rượu, để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, vào mùa hè, khi nền nhiệt độ cao, nhân dân thường sử dụng hang Cưng, hang núi đá vôi tự nhiên có nguồn nước sạch để ngâm ủ lên men cho sản phẩm rượu làng mình.

Ông Bùi Văn Vinh, tổ trường tổ hợp tác nấu rượu làng Đình cho biết: Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Rượu cổ truyền Đù Địn" cho tổ hợp tác. Tên Đù Địn là tên làng Đình xưa. Tổ hiện có 18 hộ sản xuất với sản lượng mỗi năm đưa ra thị trường trên 2 nghìn lít rượu. Thu nhập bình quân từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Rượu được nấu theo cách thức truyền thống, tất cả bằng thủ công, men lá thuốc bắc, trưng cất theo hệ thống ngưng tụ qua ống nứa bánh tẻ dài hàng chục mét. Rượu Mường Đình chỉ có thể nấu vào mùa đông. Để làm ra được loại rượu thơm ngon, tinh khiết, ngoài được thiên nhiên ban cho nguồn nước của làng thì người nấu rượu luôn kỹ càng trong sản xuất. Ngay từ khâu chọn thời điểm nấu rượu, đến việc lựa chọn loại gạo, kết hợp với việc ủ men lá truyền thống để thành cơm đe, cho đến cách chọn ống nứa dẫn rượu. Nấu rượu phải để nhỏ lửa, hoặc chỉ để than đỏ, cùng với đó là việc dẫn truyền rượu qua ống nứa bánh tẻ dài từ 5 - 10 m tới chum rượu, bên ngoài chum phải có xô, thùng chứa nước bao quanh để làm lạnh. Trong những năm gần đây, rượu làng Đình chỉ có thể nấu được từ tháng 9 âm lịch năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau.

Từ tháng 12/2017, làng nghề nấu rượu làng Đình đã được cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống. Cùng với đó, UBND huyện Yên Thủy cũng đã xúc tiến việc hỗ trợ quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đăng ký chất lượng cho sản phẩm rượu Đù Địn. Hiện nay, việc tổ chức sản xuất rượu theo hộ nhưng có sự quản lý và thống nhất chung nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Các hộ chấp hành đúng quy chuẩn sản xuất rượu dưới sự giám sát của tổ hợp tác, đảm bảo các điều kiện về sản xuất, không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời giữ đúng cách sản xuất rượu truyền thống để lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Lâm Đức

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/135585/dam-da-men-ruou-lang-dinh.htm