Đàm phán hậu Brexit: Đứng trước kịch bản xấu
Đúng như dự đoán ban đầu, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit vào thời hạn chót, tức ngày 15-10, như kế hoạch đặt ra. Điều này cho thấy đàm phán Anh - EU đang đứng trước một kịch bản xấu cho cả hai bên.
Trưởng đoàn đàm phán Liên minh châu Âu về Brexit Michel Barnier kêu gọi London có các động thái cần thiết nhằm đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit.
Nguyên nhân dẫn tới bế tắc này vẫn là những vấn đề tồn tại nhiều tranh cãi lâu nay như khu vực đánh bắt cá, hỗ trợ của nhà nước và cách thức trao đổi thương mại với Bắc Ireland. Do chưa thể tìm được tiếng nói chung, kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh EU vào cuối tuần, các lãnh đạo châu Âu đề nghị Trưởng đoàn đàm phán EU về Brexit Michel Barnier tiếp tục thảo luận với phía Anh và kêu gọi London có các động thái cần thiết nhằm đạt được thỏa thuận thương mại. EU cũng tái khẳng định quyết tâm thiết lập mối quan hệ đối tác chặt chẽ nhất có thể với Anh.
Cùng với đó, Hội đồng châu Âu kêu gọi các quốc gia thành viên, các thể chế EU và tất cả các bên liên quan đẩy mạnh công tác chuẩn bị và sẵn sàng ở mọi cấp cũng như cho mọi tình huống xảy ra, kể cả kịch bản không đạt được thỏa thuận.
Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán của Anh David Frost cho rằng, EU không còn giữ cam kết tăng cường đàm phán để đi đến quan hệ đối tác tương lai như đã hứa. Quan điểm chỉ có Anh nên nhường bước là cách tiếp cận bất thường. Dù London đã xác nhận sẽ không từ bỏ đối thoại, song Thủ tướng Anh Boris Johnson không hề đề cập đến bất kỳ ý định nhượng bộ nào.
Theo đúng lộ trình, giai đoạn chuyển tiếp cho quá trình Brexit sẽ kết thúc vào ngày 31-12 tới. Thời gian không còn nhiều, nếu thế bế tắc này không được tháo gỡ, hai bên sẽ buộc phải áp dụng các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một kịch bản được cho là sẽ gây ra gián đoạn nghiêm trọng trong hợp tác kinh tế và giao thông song phương.
Về phía EU, việc hai bên không đạt thỏa thuận sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của mọi loại hàng hóa, từ linh kiện ô tô và các loài động vật có vỏ đến dữ liệu và rượu whisky Scotland. Điều này sẽ gây sức ép lên các thị trường tài chính vào thời điểm các nền kinh tế châu lục này đang đương đầu với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Andrea Enria cho biết, các ngân hàng thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chuẩn bị sẵn sàng cho cú sốc của một Brexit không thỏa thuận. Theo ông A.Enria, ngoài ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, Brexit tất nhiên sẽ có những tác động lên ngành Ngân hàng châu Âu. Đây là điều mà các ngân hàng sẽ phải tiếp tục thích ứng.
Về phía Anh, nghiên cứu mới do tổ chức Changing Europe thực hiện cho rằng, nếu không đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU, nền kinh tế Anh sẽ phải gánh chịu thiệt hại lớn gấp ba lần so với tổn thất do đại dịch Covid-19 gây ra. Mất mát sẽ vào khoảng 5,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của xứ Sương mù.
Một số nhà kinh tế nhận định, những hoạt động bị ảnh hưởng có thể nhận thấy ngay lập tức là tại các cửa khẩu với hàng dài ô tô xếp hàng chờ làm thủ tục thông quan hay nguy cơ thiếu hụt nhu yếu phẩm cần thiết. Ngoài ra, việc thay đổi mức thuế, thủ tục khai báo xuất nhập cảnh mới sẽ khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp phải "cõng" thêm chi phí.
Tuy nhiên, kịch bản không thỏa thuận là phương án cả Anh và EU đều muốn tránh. Trong một thế giới ngày càng bất ổn, sẽ rất bất lợi khi hai bên kéo dài cuộc khủng hoảng Brexit, nhất là giữa lúc cả hai đang phải chống lại đại dịch Covid-19 và tìm cách cứu nền kinh tế đang lâm vào tình trạng suy thoái chưa từng có. Vì vậy, nhượng bộ từ cả hai phía là chìa khóa khai thông bế tắc, như quan điểm của Thủ tướng Đức Angela Merkel: "EU đã yêu cầu Anh thỏa hiệp. Tất nhiên, điều này cũng có nghĩa là chúng tôi cũng phải thỏa hiệp".