Đàm phán thương mại Mỹ - Nhật: Chưa có thỏa thuận sau vòng 2

Tỷ giá đồng yên Nhật là một chủ đề chính của cuộc gặp này, song không có mức tỷ giá cụ thể nào được nói đến...

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda (trái) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato tại một cuộc họp báo ở Washington, Mỹ ngày 24/4 - Ảnh: Kyodo.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda (trái) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato tại một cuộc họp báo ở Washington, Mỹ ngày 24/4 - Ảnh: Kyodo.

Vòng đàm phán thương mại thứ hai giữa Mỹ và Nhật Bản đã diễn ra vào ngày 24/4 ở Washington giữa hai bộ trưởng tài chính của hai nước. Hai bên đã thảo luận về chính sách tỷ giá, như một phần trong nỗ lực nhằm đạt tới quan điểm chung liên quan tới thuế quan của Tổng thống Donald Trump, nhưng chưa có thỏa thuận nào được đưa ra sau cuộc gặp.

Theo hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo, tại họp báo sau cuộc thảo luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết cả hai bên đều đồng ý rằng tỷ giá hối đoái nên do các lực lượng thị trường quyết định và rằng các diễn biến tiền tệ bất ổn có thể gây hại cho nền kinh tế.

Ông Kato cũng cho biết ông Bessent không đề cập đến mức tỷ giá hay mục tiêu tỷ giá cụ thể nào giữa đồng yên Nhật và đồng USD.

Sau khi thông tin trên được công bố, tỷ giá USD/yên không có nhiều biến động. Phiên sáng nay (25/4) tại thị trường châu Á, đồng USD có thời điểm tăng giá gần 0,2% so với đồng yên, giao dịch ở mức 142,9 yên đổi 1 USD - theo dữ liệu từ hãng tin CNBC.

Tại họp báo, ông Kato cũng cho biết ông đã nói với Bessent rằng thuế quan mà ông Trump áp lên hàng hóa Nhật Bản là điều “cực kỳ đáng tiếc’ và thúc giục Washington xem xét lại việc áp thuế đó.

Cuộc gặp vừa rồi của ông Bessent và ông Kato - diễn ra bên lề chuỗi sự kiện mùa xuân thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) - là một phần của cuộc đàm phán thương mại chính thức được khởi động vào tuần trước giữa Nhật Bản và Mỹ. Cuộc đàm phán thương mại này được triển khai sau khi ông Trump vào hôm 2/4 áp thuế quan đối ứng dao động từ 10-50% lên hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhằm mục đích xử lý những gì ông coi là hành động thương mại không công bằng của các quốc gia khác đối với Mỹ.

Trong số các đối tác thương mại lớn, chính quyền Trump đã ưu tiên đàm phán thuế quan với Nhật Bản, một đồng minh an ninh quan trọng của Mỹ. Là một nền kinh tế có mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, Nhật Bản bị ông Trump áp thuế đối ứng 24%, bên cạnh mức thuế 25% đối với mặt hàng ô tô, nhôm và thép. Trong vòng đàm phán đầu tiên, khi Bộ trưởng Bộ Phục hồi kinh tế Nhật Bản Akazawa Kyosei dẫn đầu phái đoàn tới Washington, hai nước không đề cập đến các vấn đề tỷ giá tiền tệ và thay vào đó, nhất trí để vấn đề này lại cho cuộc gặp giữa hai bộ trưởng tài chính.

Trong đàm phán thương mại nói chung, chính quyền Trump 2.0 không chỉ tập trung vào các vấn đề thương mại. Đối với cuộc đàm phán đang diễn ra với Nhật Bản, họ cũng đã thúc giục Tokyo san sẻ thêm gánh nặng tài chính của việc quân đội Mỹ đồn trú ở Nhật Bản.

Riêng về thương mại, ông Trump đặc biệt quan tâm tới những gì mà giới chức Mỹ xem là rào cản phi thuế quan của Nhật Bản. Ngoài ra, ông cũng từng cáo buộc Tokyo phá giá đồng yên để tạo lợi thế cho các nhà xuất khẩu của Nhật Bản. Phía Tokyo đã bác bỏ cáo cuộc này của ông Trump và giữ vững quan điểm rằng tỷ giá hối đoái nên diễn biến ổn định dựa trên các yếu tố cơ bản của nền kinh tế.

Trên thực tế, đồng yên liên tục mất giá mạnh trong những năm gần đây đã khiến giới chức Nhật lo ngại. Nhật Bản đã có một số đợt can thiệp vào thị trường tiền tệ, bằng cách bán USD và mua vào đồng yên, để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ.

Vào hôm thứ Tư, ông Bessent đã nói với báo giới rằng Mỹ “hoàn toàn không có mục tiêu cụ thể về tỷ giá tiền tệ” trong đàm phán thương mại với Nhật Bản.

Ông Akazawa sẽ có chuyến công tác Mỹ tiếp theo tuần tới để tiến hành vòng đàm phán thương mại Nhật - Mỹ tiếp theo, với hy vọng xóa bỏ thuế quan bổ sung mà Mỹ áp lên ô tô Nhật - nguồn thạo tin tiết lộ với Kyodo. Sản xuất ô tô là một ngành công nghiệp mũi nhọn của Nhật Bản và giới phân tích xem thuế quan ô tô là một thử thách lớn đối với nên kinh tế nước này.

Nhật Bản đã nói rõ rằng nước này không có ý định thảo luận các vấn đề thuế quan đồng thời với các chủ đề khác. Tuần trước, Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba nói ông không nghĩ rằng việc giải quyết cùng lúc cả hai vấn đề thương mại và an ninh giữa Tokyo và Washington là phù hợp.

Tuần này, ông Ishiba cũng đã phát biểu tại một phiên họp của quốc hội rằng điều quan trọng đối với Nhật Bản là thực chất chứ không phải tốc độ của bất kỳ thỏa thuận nào trong các cuộc đàm phán với Mỹ.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dam-phan-thuong-mai-my-nhat-chua-co-thoa-thuan-sau-vong-2.htm