Đam Rông: Những hiệu quả từ thay đổi tư duy trong sản xuất

Từ khi thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ dân đã mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, trên địa bàn huyện Đam Rông ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình là đồng bào dân tộc thiểu số vượt khó, vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương.

Gia đình anh Triệu Đức Dương ở xã Đạ K’Nàng tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương

Gia đình anh Triệu Đức Dương ở xã Đạ K’Nàng tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương

Ông Pang Ting Ha Boel, người dân tộc K'Ho ở Thôn Liêng Krắc 2, xã Đạ M’Rông, là một trong những nhân tố điển hình trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm tại địa phương. Hưởng ứng các phong trào thi đua, chương trình giảm nghèo phát triển kinh tế bền vững của các cấp chính quyền địa phương, năm 2017, ông Ha Boel không những duy trì mô hình trồng dâu nuôi tằm, mà còn tập trung chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ để tăng năng suất cho cây trồng. Với diện tích 3 ha đất sản xuất nông nghiệp, đến nay đã có 2 ha gia đình ông Ha Boel trồng cây cà phê xen cây ăn quả, 0,5 ha trồng dâu nuôi tằm và canh tác 0,5 sào lúa nước kết hợp chăn nuôi lợn và bò. Sau khi trừ chi phí, bình quân gia đình ông Ha Boel thu nhập 550 triệu đồng/năm.

Tương tự, ông K’Siêng ở thôn Liêng Đơng, xã Phi Liêng cũng là một tấm gương điển hình tiêu biểu trong việc mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế gia đình bền vững. Với 5 ha đất canh tác được gia đình ông K’Siêng thực hiện mô hình đa canh, vừa trồng cà phê và xen canh các loại cây ăn quả như: bơ, chuối, trồng dâu nuôi tằm… nên hiệu quả kinh tế khá cao. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông K’Siêng có thu nhập trên 700 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Để tạo sân chơi bổ ích cho con em địa phương có nơi vui chơi, rèn luyện sức khỏe, gia đình ông K’Siêng đã phá bỏ 3 sào cà phê và đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng sân bóng đá mini. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, ông K’ Siêng còn giúp đỡ các hộ đồng bào gặp nhiều khó khăn về giống cây trồng, chồi cà phê cao sản, tận tình hướng dẫn bà con về cách ghép cải tạo và chăm sóc vườn cây. Đồng thời, ông hỗ trợ bà con vay vốn không tính lãi để phát triển kinh tế gia đình và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhằm giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Đến xã Đạ K’Nàng, ai cũng biết nhà nông trẻ Triệu Đức Dương, người dân tộc Dao là một điển hình về chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương cũng như trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững huyện Đam Rông giai đoạn 2017 - 2022. Với 10 ha đất trồng cà phê đã cho kinh doanh, đến nay, gia đình anh Triệu Đức Dương đã chuyển đổi trồng chuyên canh 3 ha cây mắc ca, 5 ha cà phê trồng xen mắc ca và trồng 2 ha cây đàn hương. Bên cạnh đó, gia đình anh Dương còn mở cửa hàng kinh doanh các nông cụ máy móc và làm vườn ươm kinh doanh cây giống, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất cho người dân trong vùng. Anh Triệu Đức Dương cho biết: “Với vai trò là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân xã, tôi luôn giúp đỡ các hộ dân khó khăn về kinh tế cũng như hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để cùng nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ các hộ khó khăn mua cây giống không lấy lãi... Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có tổng thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng. Hằng năm, gia đình tôi còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động ở địa phương”.

Ông Ngô Xuân Diện - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đam Rông, cho biết: “Trước đây, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện vẫn còn thụ động trong phát triển kinh tế. Nhưng sau khi thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì bà con đã nhận thức được hiệu quả kinh tế mang lại. Bà con đã xóa bỏ được tính trông chờ, ỷ lại, chủ động hơn trong phát triển kinh tế gia đình như: Tích cực tham gia phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, thực hiện các mô hình đa cây, đa con để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Nhờ đó, đến nay mức thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện đã được nâng lên rất nhiều, nhiều hộ không những làm giàu chính đáng, mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên từ 5 - 10 lao động tại địa phương”.

Những mô hình chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao đã đem lại cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên vùng đất khó huyện Đam Rông ngày càng sung túc, diện mạo nông thôn càng thêm khởi sắc.

LAM PHƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202207/dam-rong-nhung-hieu-qua-tu-thay-doi-tu-duy-trong-san-xuat-3125089/