Đam Rông với việc bảo tồn, phát triển văn hóa

Đam Rông là địa phương có hơn 65% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, với hơn 20 dân tộc anh em bao gồm cả dân tộc gốc Tây Nguyên và dân tộc phía Bắc cùng sinh sống. Đây là cơ sở tạo ra sự đa dạng, phong phú về văn hóa trên địa bàn huyện. Bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương vẫn là bài toán chưa có lời giải ở huyện vùng xa này.

Sự đa dạng và phong phú về văn hóa là nền tảng cho sự phát triển của Đam Rông.

Sự đa dạng và phong phú về văn hóa là nền tảng cho sự phát triển của Đam Rông.

Ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đam Rông, cho biết: Xác định rõ tầm quan trọng của văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, từ năm 2014, huyện Đam Rông đã xây dựng nghị quyết liên quan đến vấn đề phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch trên; các địa phương, cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, kế hoạch công tác phù hợp với đặc điểm tình hình, chức năng, nhiệm vụ từng đơn vị, địa phương và đã có nhiều hoạt động, giải pháp tích cực để khơi dậy, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.

Cụ thể, ngành Văn hóa và Thông tin đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức được 11 lớp truyền dạy cồng chiêng cho hơn 250 thanh, thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số tại 8/8 xã trong toàn huyện; phối hợp Cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức 2 đợt thu âm các làn điệu dân ca, sử thi, nhạc cụ dân tộc… của đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên trên địa bàn huyện. Phối hợp với Viện Nghiên cứu văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiến hành 2 cuộc khảo sát để tìm hiểu, nghiên cứu, tìm cơ sở dữ liệu cho việc phục dựng lại không gian văn hóa cồng chiêng, một số làng nghề truyền thống và lễ hội của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Năm 2018, từ nguồn kinh phí của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh đã hoàn thành việc khảo sát, nghiên cứu lễ hội cầu mưa của đồng bào dân tộc K’Ho xã Đạ Long và Đạ K’Nàng. Hàng năm, ngành Văn hóa - Thông tin huyện đều tham mưu thành lập các Đoàn nghệ nhân của huyện tham gia các hội thi, hội diễn văn hóa dân gian do tỉnh tổ chức và tổ chức các đợt giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa với các địa phương trong và ngoài tỉnh. “Qua đó, bước đầu khơi dậy tinh thần bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong các tầng lớp Nhân dân, đẩy mạnh quảng bá các giá trị văn hóa của địa phương với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh”, ông Nguyễn Văn Quang khẳng định.

Không chỉ có ngành Văn hóa, các địa phương đã chủ động có nhiều giải pháp bảo tồn văn hóa. Đơn cử như nghề dệt thổ cẩm được Hội Phụ nữ các xã khôi phục lại; những đội cồng chiêng nam, nữ ở xã Đạ Tông, Liêng Srônh… hay như xã Đạ Long xây dựng nghị quyết chuyên đề về đẩy lùi, xóa bỏ các hủ tục trong hôn nhân… nhằm từng bước “gạn đục khơi trong” xóa dần những hủ tục và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa ở địa phương vẫn còn hạn chế. Nhiều hủ tục như: thách cưới, hôn nhân cận huyết, phạt vạ… ở các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại; các loại hình văn hóa dân gian như: cồng chiêng, dân ca, dân vũ, sử thi…; trang phục, tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc đang có nguy cơ mai một…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, song theo ông Nguyễn Văn Quang mấu chốt vẫn là công tác quản lý Nhà nước của ngành Văn hóa thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu những mục tiêu cụ thể trong công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống ở địa phương, thiếu những giải pháp khả thi, chưa có được những mô hình, những phương thức tổ chức sinh hoạt văn hóa thực sự hiệu quả ở cơ sở. Các hoạt động văn hóa, lễ hội, văn nghệ quần chúng được tổ chức nhiều lúc còn mang tính hình thức và việc biến các hoạt động này thành những sinh hoạt bổ ích, lành mạnh cho người dân còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Do đó, người dân của huyện ít được tiếp cận với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật có chất lượng…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Văn hóa còn thì dân tộc còn. Trên tinh thần đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Đó cũng là nhiệm vụ mà tỉnh Lâm Đồng tập trung thực hiện. Với riêng huyện Đam Rông, nhiệm vụ này còn được đề cập chi tiết hơn tại Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy về Phát triển huyện Đam Rông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Và, nhiệm vụ mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra cho Đam Rông về phát triển du lịch trở thành điểm trung chuyển, kết nối tuyến du lịch Đà Lạt - Tây Nguyên, tuyến du lịch sinh thái, du lịch văn hóa các dân tộc tại chỗ cũng không thể thực hiện được nếu không bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa tốt đẹp.

Giữ gìn và phát triển văn hóa là nền tảng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó là vấn đề cốt lõi, lâu dài, song với Đam Rông, đây vẫn là bài toán khó cần sự chung tay nhiệt tình, trách nhiệm và có giải pháp thực hiện với quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị.

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202202/dam-rong-voi-viec-bao-ton-phat-trien-van-hoa-3103928/