Đắm say Pù Mát

Vườn Quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An không chỉ được biết đến là khu vực ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Những năm qua, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển lớn nhất ở miền Tây Nghệ An.

Thác Khe Kèm - điểm du lịch nằm trong Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Vườn Quốc gia Pù Mát cung cấp

Thác Khe Kèm - điểm du lịch nằm trong Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Vườn Quốc gia Pù Mát cung cấp

Vườn Quốc gia Pù Mát có diện tích khoảng 94.000ha, trải dài trên địa bàn 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương, có hệ thực vật và động vật phong phú, được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Cùng với nhiều loài động vật, thực vật rừng mới được khám phá trong thời gian gần đây, Vườn Quốc gia Pù Mát sở hữu khung cảnh thiên nhiên hoang sơ như chưa hề có bàn tay của con người chạm đến. Trong đó, phải kể đến những cánh rừng nguyên sinh thượng nguồn Khe Thơi, Khe Bu, Khe Choăng, Cao Vều… hay thác Khe Kèm, suối nước Mọc, sông Giăng, cùng với đó là những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái, Đan Lai định cư trên địa bàn.

Trong mùa hè, đến với thác Khe Kèm của Vườn Quốc gia Pù Mát, du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên dịu mát để quên đi cái nắng chói chang của khí hậu miền Trung. Đứng nhìn từ xa, thác nước chảy xuống nhẹ nhàng, uyển chuyển như một dải lụa điểm tô thêm bọt nước trắng xóa, hòa lẫn trong màu xanh của núi rừng, rồi du thuyền trên đập Phà Lài. Nét hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng Pù Mát được pha lẫn với nét văn hóa độc đáo, tinh tế của người Thái vốn sinh sống ở hầu hết các thôn, bản, trong các nhà sàn bằng gỗ với nghề trồng lúa nước. Cùng với sản xuất nông nghiệp, đồng bào nơi đây còn làm mây tre đan và dệt vải truyền thống, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có màu sắc sặc sỡ và bền, đẹp. Giữ truyền thống lâu đời, người Thái sinh sống tập trung theo dòng họ, mỗi cộng đồng dân cư có tín ngưỡng và tập tục riêng, có những lễ hội gắn liền với các mùa bội thu và sản xuất nông nghiệp. Nhảy sạp, uống rượu cần là đặc trưng không thể trộn lẫn trong sinh hoạt thường ngày của người Thái.

Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết: “Nhiều năm qua, cán bộ, nhân viên và người lao động của đơn vị luôn xây dựng sự đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt các chương trình bảo tồn, phát triển rừng. Chúng tôi cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng 4 mô hình du lịch cộng đồng gắn với phát triển bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái sinh sống trên địa bàn, thu hút hàng vạn lượt du khách đến trải nghiệm dịch vụ, tăng thêm thu nhập cho cộng đồng”.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dam-say-pu-mat-post447448.html