Dám... từ chức

Đầu tháng 10-2021, chính trường nước Áo đã có phen 'chao đảo' khi Thủ tướng Sebastian Kurz thông báo chủ động từ chức sau khi cơ quan công tố nước này xác nhận đang điều tra ông và các cộng sự thân cận vì bị tình nghi tham nhũng, lạm dụng tín nhiệm. Dù bác bỏ mọi cáo buộc nhưng ông Kurz cho hay vẫn quyết định từ chức nhằm tạo cơ hội ngăn chặn khủng hoảng phát sinh.

Câu chuyện của ông Kurz không phải là cá biệt hay gây bất ngờ. Thực tế ở nhiều nước trên thế giới, một nhà lãnh đạo hay một chính khách khi thấy mình không còn được tin tưởng, không đủ tín nhiệm nữa thì đều sẵn sàng xin từ chức. Cựu Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, cựu Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin hay cựu Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đã có các quyết định tương tự như vậy.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz trong một cuộc họp báo. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz trong một cuộc họp báo. Ảnh: TTXVN.

Ở nước ta, chuyện từ chức của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị không phải đến nay mới được nhắc đến, đặt ra mà đã có từ lâu. Trong lịch sử chế độ phong kiến, có không ít quan lại triều đình vì nói lời trung nghĩa ngay thẳng, chính trực, can gián vua nhưng không được chấp thuận đã sẵn sàng cáo quan từ chức để bảo vệ danh dự, nhân phẩm. Thí dụ trường hợp danh nhân Chu Văn An viết “Thất trảm sớ” đề nghị chém bảy tên nịnh thần dâng lên vua Trần Dụ Tông nhưng không được chấp thuận, sau đó đã nhất quyết từ quan về ở ẩn. Trong lịch sử Đảng ta, cũng có không ít cán bộ lãnh đạo cao cấp vì những sai lầm, khuyết điểm trong chỉ đạo, điều hành đã nghiêm khắc tự phê bình, dũng cảm nhận sai và xin từ chức, như câu chuyện của cố Tổng Bí thư Trường Chinh.

Những năm gần đây, cụm từ “văn hóa từ chức” được nhắc đến khá nhiều trên truyền thông và ngay tại nghị trường Quốc hội. Mỗi khi có vấn đề nóng và liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu thì dư luận xã hội lại đặt ra vấn đề từ chức. Tuy nhiên, điều này vẫn còn rất hiếm. Thực tế trong công tác quản lý, điều hành ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn bộc lộ yếu kém, lỏng lẻo dẫn đến vi phạm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên. Mặc dù, những yếu kém này đã được các cơ quan kiểm tra chỉ rõ, tuy chưa đến mức phải xử lý, kỷ luật nhưng nhìn chung người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn thường đưa ra những lý do khách quan để bao biện, hay chỉ xin rút kinh nghiệm thay vì... từ chức.

Hiện nay, từ chức, thôi chức đã được đã đề cập trong các quy định của Đảng, được cụ thể hóa tại Luật Cán bộ, công chức và được thể chế hóa thành các văn bản, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế thì từ chức vẫn là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Vì sao vẫn còn hiện tượng một số cán bộ lãnh đạo các cấp, dù không đủ uy tín, tín nhiệm, dù yếu kém về năng lực quản lý điều hành, nhưng vẫn nhất quyết ôm khư khư “chiếc ghế quyền lực”, tham quyền cố vị, vẫn tại vị theo tư duy nhiệm kỳ? Đáp án cho câu hỏi trên cũng chính là câu trả lời của vấn đề đang đề cập.

Dư luận xã hội mong muốn rằng, từ chức không chỉ dừng lại là một phạm trù văn hóa mà phải là một hành vi văn hóa. Người đứng đầu từ chức khi không còn đủ năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành là điều cần thiết, nên làm của người cán bộ biết lấy chữ liêm làm trọng. Đó cũng chính là bảo vệ danh dự, đạo đức của người cán bộ, bảo vệ uy tín cho Đảng, qua đó góp phần xây dựng văn hóa chính trị của người cán bộ, đảng viên. Để có văn hóa từ chức thì mỗi cán bộ, công chức cần phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân và tinh thần nêu gương, gương mẫu trước Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân. Không chỉ dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, năng động bứt phá, mỗi cán bộ, đảng viên khi cần thiết phải dám từ chức, dám hy sinh lợi ích của mình vì lợi ích chung!

KHÁNH NGÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/noi-thang-lam-that/dam-tu-chuc-674339