Dẫn dắt qua những câu chuyện
Du khách đi du lịch không chỉ đến cái nơi mình cần đến để chụp ảnh, selfie, mà còn để biết lịch sử hình thành của địa điểm đó nữa.
Đi du lịch các nước, đặc biệt là Trung Quốc - quốc gia có hàng trăm di tích tầm cỡ thế giới, tôi luôn chú ý đến cách thức tổ chức các điểm đến của hướng dẫn viên. Du khách đi du lịch không chỉ đến cái nơi mình cần đến để chụp ảnh, selfie, mà còn để biết lịch sử hình thành của địa điểm đó nữa.
Đấy mới là điều đọng lại trong lòng du khách lâu bền nhất. Họ có quay trở lại hoặc “mách nước” cho bạn bè đến nơi đó hay không, một phần cũng nhờ những câu chuyện kể chung quanh di tích ấy.
Thậm chí muốn bán những sản phẩm du lịch ở nơi đó cũng cần một câu chuyện liên quan đến món hàng mà du khách mục sở thị. Dĩ nhiên hàng phải lạ, độc đáo và câu chuyện liên quan đến món hàng đó như một thứ gia vị đậm đà khiến thực khách không khỏi xuýt xoa.
Xin được lấy ví dụ về chè Long Tỉnh ở Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc. Cảnh sắc thiên nhiên và các di tích văn hóa - lịch sử của thành phố này từng làm mê đắm bao lớp người khi đặt chân đến đó.
Không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, Hàng Châu còn có một vùng chè nổi tiếng với hàng trăm hecta trải dài trên những ngọn đồi hình bát úp, được công nhân cắt tỉa đẹp như những cây bonsai.
Để bán được loại chè Long Tỉnh này, ông sếp của vùng chè vừa mời du khách thưởng thức thông qua cách rót nước chè vào chén rất điệu nghệ của các thiếu nữ Trung Hoa, vừa kể câu chuyện như sau:
“Các bạn biết đấy, năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã làm tan băng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sau nhiều năm bằng một chuyến thăm Trung Nam Hải. Chủ tịch Mao Trạch Đông đã mời Tổng thống Nixon uống loại chè Long Tỉnh này. Trước khi rời Trung Quốc, Tổng thống Nixon có đề nghị rằng, nếu được thì cho ông vài cân chè để mang về Mỹ chiêu đãi bạn bè”.
Mỹ thì có thiếu thứ gì nhưng người đứng đầu Nhà Trắng vẫn thích uống chè Long Tỉnh. Lạ quá! Dĩ nhiên, ai cũng biết đó là câu chuyện bịa nhưng nó kích thích tính tò mò của du khách. Thế là ai ai cũng móc túi ra mua vài lạng chè Long Tỉnh để về biếu bạn bè.
Cứ qua một địa điểm, người hướng dẫn viên hoặc người phụ trách di tích sẽ kể cho bạn nghe một vài câu chuyện như thế. Hấp dẫn vô cùng.
Người “sáng tác” ra câu chuyện liên quan đến di tích phải giỏi đã đành, người kể lại câu chuyện ấy cũng phải có đầu óc thông minh, hài hước và hóm hỉnh nữa thì mới găm vào bộ nhớ của du khách.
Liên hệ ở nước ta. Tất cả các điểm di tích đều có thuyết minh nhưng đó là những câu chuyện vô cùng khô khan và quá máy móc, quá “học thuộc lòng” khi kể. Những thông tin đó, chỉ cần search trên mạng là có hết! Khách cần nghe những gì ngoài thông tin đã có trên mạng. Vậy thì cần phải có những câu chuyện như chè Long Tỉnh.
Có lẽ, mục tiêu đón 18 triệu lượt khách ngoại quốc trong năm nay của ngành du lịch là trong tầm tay. Nhưng muốn tăng lượng du khách hoặc muốn họ quay trở lại thì cũng cần phải nghĩ ra những cách làm mới mẻ, không chỉ là thêm các sản phẩm du lịch, mà còn có cả những câu chuyện như vừa kể.
Đội ngũ hướng dẫn viên không chỉ biết “dẫn đường chỉ chỗ”, mà còn phải biết làm cho du khách cười vui suốt chuyến đi thông qua những câu chuyện kể tại các điểm di tích nữa.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dan-dat-qua-nhung-cau-chuyen-post684605.html