Dân Đồng Mỏ - Bến Ván đổi đời nhờ đường mới mở
Từ ngày con đường mới được mở, cuộc sống của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khu dân cư Đồng Mỏ - Bến Ván được 'thay da, đổi thịt'.
Đường giao thông, điện lưới được đầu tư vào khu dân cư Đồng Mỏ - Bến Ván tạo ra sự đổi đời cho bà con nơi đây
Từ ngày con đường mới được mở, cuộc sống của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khu dân cư Đồng Mỏ - Bến Ván (khu 10, phường Mông Dương) vốn là vùng xa xôi, hẻo lánh và khó khăn nhất của TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh từng ngày thay da, đổi thịt.
Dù tên địa giới hành chính là khu 10 nhưng người dân phương Mông Dương vẫn thường gọi nơi này là Đồng Mỏ - Bến Ván. 97% dân cư ở đây là người dân tộc Dao, Nùng, Sán Dìu, Sán Chỉ.
Từ bao đời nay, cuộc sống của bà con nơi đây như trong “ốc đảo”, sinh hoạt trong cảnh “5 không” (không điện, không đường, không nước sạch, không sóng điện thoại và rất nhiều người không biết chữ).
Ông Nguyễn Văn Nức, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 10 cho hay, để vào được Đồng Mỏ - Bến Ván có không ít đường, gồm Tỉnh lộ 329, đường Quặng và một số đường mòn nằm vắt vẻo trên những sườn núi, vực sâu thẳm. Con đường nhiều người thường đi nhất là theo Tỉnh lộ 326, rồi men dọc con đường nhỏ vẫn được người dân gọi là đường Quặng cũng đầy rẫy “ổ gà”, “ổ voi”, chỗ thì vực sâu thăm thẳm.
Các hộ dân Đồng Mỏ - Bến Ván đều thuộc diện nghèo, cận nghèo. Ông Nức lý giải, nguyên nhân cũng chỉ vì giao thông cách trở.
Trẻ con thường chỉ biết mặt chữ rồi ở nhà đi rừng, chăn trâu, thậm chí nhiều trẻ chưa biết mặt chữ.
Gia đình anh Triệu Phú Quý quây quần xem ti vi
Thế rồi, mong ước của người dân nơi đây đã thành hiện thực khi tỉnh Quảng Ninh đầu tư nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 329 từ TP Cẩm Phả lên huyện Ba Chẽ đi qua trung tâm Đồng Mỏ - Bến Ván.
Từ đầu năm 2018, TP Cẩm Phả đã quyết định hạ núi, làm đường từ Đồng Mỏ vào Bến Ván. Tuyến đường dài 3,6km, chiều rộng mặt đường 3,5m, tổng mức đầu tư 16,9 tỷ đồng, hoàn thành tháng 1/2019.
Ông Nức phấn khởi kể, từ ngày đường thông, điện lưới được kéo vào, đời sống của các hộ dân ở Bến Ván phát triển từng ngày. Trước khi có đường, số hộ nghèo, cận nghèo ở đây lên tới gần 80%, hầu hết sống trong nhà tạm. Sau khi giao thông thuận lợi, nông - lâm sản được giá, cả điểm dân cư chỉ còn có 2 hộ cận nghèo, không gia đình nào phải sinh sống trong nhà tạm. Trẻ con đến tuổi đi học đều được đến trường.
8h tối, gia đình chị Đặng Thị Hai nằm ở cuối điểm dân cư Bến Ván sáng trưng đèn điện. Chị Hai và 2 con nhỏ đang lau dọn căn nhà còn thơm mùi sơn. “Mấy ngày nữa là cháu về nhà mới. Bác trưởng khu nhớ đến chung vui với mẹ con cháu nhé!”, chị Hai khoe.
Ông Nức cho hay, cách đây vài năm, chồng chị Hai tử vong do TNGT, để lại cho vợ 2 đứa con nhỏ trong căn nhà tranh rách nát. Từ khi có đường giao thông mở vào, giá lâm sản tăng cao, việc làm, thu nhập ổn định hơn, cuộc sống của 3 mẹ con bắt đầu có tích lũy.
Cách nhà chị Hai hơn cây số, gia đình anh Triệu Quý Phú đang quây quần xem ti vi.
Hộ anh Quý vốn thuộc diện nghèo “thâm căn, cố đế” ở vùng này do có 4 đứa con lại không có việc làm ổn định. Khi chưa có đường vào khu dân cư, gia đình anh sống tít trên rãy núi cao cách đây vài giờ đi bộ.
Anh Quý miêu tả cuộc sống của cả nhà ngày ấy như “người rừng”, chỉ dựa vào việc đi rừng khai thác lâm sản. Từ khi đường mở, lại được phường Mông Dương hỗ trợ 60 triệu đồng, cấp cho một mảnh đất ở ven đường bê tông để làm nhà, anh Quý đã “rời rừng xuống chân núi”, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Hiện gia đình anh đã có tivi, xe máy, con lớn đã học đến lớp 12.
Ông Trần Quang Lợi, Chủ tịch UBND phường Mông Dương chia sẻ: “Từ khi mở được đường kết nối Đồng Mỏ - Bến Ván, cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây đã thay đổi từng ngày.