Dân lao động nhập cư ở Trung Quốc nản lòng với chính sách cách ly khi trở về quê ăn Tết

Chính sách cách ly dài ngày và các quy định phòng chống dịch mỗi nơi mỗi kiểu của các chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã khiến nhiều người lao động xa quê nản lòng và từ bỏ ý định trở về quê ăn Tết Nhâm Dần 2022.

Hành khách về quê ăn Tết tập trung ở một nhà ga xe lửa ở Thượng Hải hôm 23-1. Ảnh: Bloomberg

Hàng năm cứ đến giữa tháng 12 âm lịch, hàng trăm triệu lao động nhập cư ở các thành phố lớn của Trung Quốc lại khăn gói lên tàu xe, máy bay để về quê ăn Tết và đoàn tụ với gia đình trong cuộc đại di cư mùa xuân, hay còn “Xuân vận” kéo dài suốt 40 ngày.

Năm nay, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc dự báo sẽ có 1,18 tỉ triệu chuyến đi như vậy trong mùa tết, tăng 35% so với năm ngoái nhưng thấp hơn nhiều so với con số 3 tỉ chuyến đi vào dịp Xuân vận năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 ập đến.

Từ bỏ về quê vì quy định cách ly

Dù vậy, không ít người dân lao động xa quê đã từ bỏ chuyến đi về quê ăn Tết vì e ngại các quy định cách ly nghiêm ngặt.

Khi thành phố Hàng Châu, miền đông Trung Quốc phát hiện một ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng hồi giữa tháng 1, điều này không khiến Liu Ling, một chuyên gia làm việc trong lĩnh vực quan hệ công, lo lắng nhiều.

Mãi cho đến khi cô tra cứu các chính sách hạn chế đi lại chính thức, cô mới nhận ra rằng cô sẽ không thể về quê vào dịp Tết Nguyên đán. Quê hương của cô ở Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, đã đưa khu vực cô sinh sống ở Hàng Châu vào danh sách cảnh báo và yêu cầu bất kỳ ai trở về từ đó phải cách ly trong hai tuần.

Ngoài ra, danh sách còn có các khu vực khác đã bùng phát dịch từ tháng 12, bao gồm các khu vực ở thành phố Tây An và Thiên Tân, cũng như tỉnh Hà Nam.

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc chứng kiến sự đà lây lan của biến thể Delta và Omicron ở nhiều tỉnh và cả thủ đô Bắc Kinh.

Để tuân thủ chính sách “zero Covid” của chính phủ, các chính quyền địa phương đã tăng cường siết chặt các hạn chế đi lại, vì lo ngại cuộc đại di cư vào kỳ nghỉ Tết năm nay có thể làm lây lan dịch bệnh.

Tuy nhiên, các chính sách kiểm soát dịch của họ khác nhau về mức độ nghiêm ngặt và có thể thay đổi nhanh chóng, khiến những người lao động nhập cư ở các thành phố lớn đang muốn về quê đoàn tụ gia đình như Liu Ling bối rối.

Quy tắc chung được áp dụng trên toàn quốc là các khu vực có ca nhiễm được phân loại là có mức rủi ro “trung bình” hoặc “cao”. Người dân ở khu vực “rủi ro thấp” có thể tránh được những hạn chế tồi tệ nhất và vẫn có thể sinh hoạt bình thường.

Nhưng khi xét đến vấn đề đi lại liên tỉnh để về quê, những lao động nhập cư trở về khu vực có ca nhiễm sẽ gặp vô số phiền phức.

Gần đây, Xie Yifei, một công nhân làm việc ở một nhà máy ở thành phố Thâm Quyến, nhận được cuộc điện thoại từ chính quyền làng của anh ở khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, yêu cầu anh không về quê trong kỳ nghỉ Tết.

“Anh đang ở Thâm Quyến, phải không? Đừng về quê nữa. Kể từ bây giờ, tất cả mọi người trở về từ Thâm Quyến, Chu Hải và Trung Sơn đều bị cách ly”, người gọi nói.

Tất cả ba thành phố ở phía nam tỉnh Quảng Đông gần đây đã ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Khi chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, thời gian cách ly 14 ngày sẽ làm hỏng kế hoạch đoàn tụ gia đình của những người lao động nhập cư trở về quê.

Đó là một nỗi buồn lớn đối với Xie Yifei, người có vợ và hai con trai sống ở một thành phố khác ở Quảng Đông. Các con của anh đi học ở đó, vì vợ chồng anh cố gắng tránh chi phí sinh hoạt cao ở Thâm Quyến. Họ đã hy vọng sẽ đoàn tụ trong kỳ nghỉ Tết ở Quảng Tây, nơi mẹ già đang sinh sống.

“Mẹ tôi, gần 90 tuổi, đang đợi tôi về. Tôi cũng đã không gặp các con của mình trong hai năm qua”.

Giống như Xie Yifei, những người lao động khác có gốc gác Quảng Tây, đang làm việc ở Thâm Quyến, cũng phàn nàn về chính sách cách ly rập khuôn, máy móc ở quê nhà và yêu cầu phải thay đổi.

Giới chức trách dường như đã lưu ý đến nỗi lòng của họ. Hôm 22-1, Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) kêu gọi các cấp chính quyền địa phương không nên áp dụng một chính sách chung cho tất cả lao động nhập cư trở về quê ăn Tết.

Bị dọa bắt giam nếu trở về từ vùng dịch

Sự khác biệt trong các quy định phòng chống dịch trên khắp đất nước khiến các lao động nhập cư muốn trở về quê không biết đường nào mà lần.

Chẳng hạn, các thành phố ở Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô yêu cầu những người dân trở về từ các khu vực có ca nhiễm phải xét nghiệm Covid-19 trong vòng 48 tiếng đồng hồ trước khi khởi hành và sau khi về đến nơi. Ở những thành phố khác như Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên, các quy định kiểm soát dịch đối với người dân trở về thay đổi xoành xoạch chỉ trong vài ngày.

Tuần trước, ông Dong Hong, Chủ tịch huyện Đan Thành, tỉnh Hà Nam gây phẫn nộ khi lên tiếng đe dọa bắt giam những người dân từ các vùng dịch trở về quê ăn Tết.

Ông nói tại một cuộc họp: “Bất kỳ ai trở về Đan Thành từ các vùng rủi ro cao và trung bình đều bị cách ly và sau đó bị tạm giam”.

Sau khi hứng làn sóng chỉ trịch mạnh mẽ, ông Dong Hong đính chính lại rằng ông chỉ ám chỉ đến những người không tuân thủ chính sách phòng chống dịch của địa phương và trở về quê với “ác ý”.

Nhưng nhiều người đặt chất vấn rằng: Sao có thể coi mong muốn đoàn tụ với gia đình là ác ý?.

Ngay cả truyền thông nhà nước cũng lên tiếng phản đối. “Mong muốn tự nhiên của mọi người xa quê chỉ là muốn trở về đoàn tụ gia đình trong lễ hội mùa xuân, vậy vì sao lại xem đó là ý đồ độc hại?”, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trên một bài đăng mạng xã hội hôm 22-1

Một bài xã luân của Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc ( CCTV) cáo buộc chính quyền địa phương “cố tình tạo ra những trở ngại và khó khăn cho người dân trở về nhà”.

Hôm 17-1, một người dân trở về tỉnh Hà Nam, bị cảnh sát bắt giam vì không thực hiện xét nghiệm Covid-19 và không báo cho chính quyền địa phương sau khi trở về từ một khu vực có rủi ro trung bình ở Thượng Hải.

Để có thể lên tàu hỏa, xe buýt, máy bay và vượt qua các trạm kiểm soát trên đường cao tốc, du khách ở Trung Quốc phải có mã sức khỏe màu xanh lá cây trên điện thoại của họ để chứng minh rằng, gần đây, họ không có mặt ở bất kỳ khu vực nào có ca nhiễm Covid-19. Nhưng các chính quyền địa phương thường áp đặt các yêu cầu riêng để ngăn cản người dân về quê hoặc bắt họ phải cách ly nhiều ngày ngay cả khi, họ trở về từ vùng xanh.

Tuần trước, một nữ công nhân ở Thâm Quyến đang đi trên chuyến tàu về quê ở tỉnh Quảng Tây, thì chính quyền địa phương ở quê của cô thông báo khi đến nơi, cô phải trải qua một tuần cách ly khách sạn, sau đó, là một tuần cách ly tại nhà. Không muốn trải qua kỳ nghỉ Tết trong tình trạng bị cách ly với chi phí cách ly ở khách sạn là 2.100 nhân dân tệ (khoảng 330 đô la), cô đã đã xuống tàu và mua vé cho chuyến tàu quay trở lại Thâm Quyến.

Theo SCMP, CNN

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dan-lao-dong-nhap-cu-o-trung-quoc-nan-long-voi-chinh-sach-cach-ly-khi-tro-ve-que-an-tet/