Đảng bộ Bộ Công Thương: Dẫn dắt cải cách, kiến tạo môi trường kinh doanh

Công cuộc cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục, phân cấp phân quyền và chuyển đổi số tại Bộ Công Thương đã đạt nhiều kết quả rõ nét.

Dưới sự lãnh đạo toàn diện, sát sao và nhất quán của Đảng bộ Bộ Công Thương, công cuộc cải cách hành chính (CCHC), cắt giảm thủ tục, phân cấp phân quyền và chuyển đổi số tại Bộ Công Thương đã đạt nhiều kết quả rõ nét. Những kết quả đó đã góp phần xây dựng nền hành chính ngành Công Thương hiện đại, phục vụ nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Khẳng định vai trò "đầu tàu cải cách" của Bộ kinh tế đa ngành

Ở từng giai đoạn phát triển, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp cải cách nền hành chính nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rõ phương hướng: "Tiếp tục xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch vững mạnh, công khai minh bạch".

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về CCHC, nhiệm kỳ 2020-2025, dưới sự lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt của Đảng bộ Bộ Công Thương, công tác cải cách thể chế, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh được triển khai quyết liệt, đồng bộ.

Trụ sở Bộ Công Thương

Trụ sở Bộ Công Thương

Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đánh giá: Thời gian qua, Đảng ủy Bộ Công Thương, đứng đầu là đồng chí Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt và tổ chức thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính và bảo đảm thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, phục vụ người dân, doanh nghiệp đạt nhiều kết quả.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương xác định công tác CCHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện đồng bộ và hiệu quả.

Giai đoạn 2021-2025, Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 268/662 điều kiện kinh doanh (đạt 40%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao), tập trung vào các lĩnh vực còn nhiều vướng mắc như xăng dầu, hóa chất, xúc tiến thương mại...; đồng thời siết chặt kiểm soát ban hành quy định mới nhằm ngăn chặn phát sinh các thủ tục không hợp lý, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng.

Bộ đã cắt giảm, đơn giản và phân cấp ước khoảng 126/444 thủ tục hành chính (đạt 67,67%), trong đó bãi bỏ 60 thủ tục, đơn giản hóa 143 thủ tục và phân cấp khoảng 97 thủ tục) giúp Bộ duy trì vị trí cao trong nhóm các bộ, ngành dẫn đầu cả nước về CCHC.

Bên cạnh đó, công tác triển khai Chính phủ điện tử được Bộ Công Thương xác định là trọng tâm ưu tiên, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Hơn 1.200 thủ tục hành chính của Bộ đã được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia ở cấp độ 3 và 4. Gần 400 dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp trong các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, năng lượng, thương mại điện tử…, qua đó rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí tuân thủ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Triển khai mạnh mẽ phân cấp, phân quyền

Đổi mới tư duy quản trị không thể tách rời việc phân cấp, phân quyền. Đây cũng là một trọng tâm được Đảng ủy Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, bài bản, phù hợp với chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường phân cấp, phân quyền trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Ngày 11/6/2025 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 139/2025/NĐ-CP về quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Theo đó, 39 nhiệm vụ được phân định thẩm quyền, liên quan 21 thủ tục hành chính phải thực hiện trong 9 lĩnh vực: Hóa chất, kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp; điện lực; công nghiệp tiêu dùng; quản lý, phát triển cụm công nghiệp; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kinh doanh rượu; kinh doanh khí và quản lý chợ.

Chỉ một ngày sau, ngày 12/6/2025, Thủ tướng tiếp tục ban hành Nghị định số 146/2025/NĐ-CP về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Nghị định này điều chỉnh thẩm quyền quản lý nhà nước tại 22 lĩnh vực do Bộ Công Thương phụ trách.

Giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương cắt giảm, đơn giản hóa 268/662 điều kiện kinh doanh

Giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương cắt giảm, đơn giản hóa 268/662 điều kiện kinh doanh

Theo đó, điều chỉnh việc phân quyền, phân cấp 22 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương có sự thay đổi về thẩm quyền. Tổng số nhiệm vụ phân quyền, phân cấp cho địa phương là 208 /401 nhiệm vụ (chiếm tỉ lệ 52%) tổng số nhiệm vụ, quyền hạn có thể phân quyền, phân cấp, trong đó: 26 nhiệm vụ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho địa phương và 182 nhiệm vụ từ Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương phân cấp cho địa phương. Ngoài ra, có 72 nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương là đơn vị tiên phong trong các bộ ngành, tổ chức Hội nghị tập huấn nhằm trang bị kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp xã về thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền từ Trung ương về địa phương, bảo đảm chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu quả khi đi vào vận hành từ ngày 1/7.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, với vai trò, trách nhiệm của Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để chính quyền địa phương (ở cả cấp tỉnh và cấp xã) phát huy tối đa vai trò, năng lực, sáng kiến, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.

Với những triển khai quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Bộ Công Thương dẫn đầu trong số các bộ, ngành theo xếp hạng của Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024 với 83,15 điểm đánh giá, tăng 6,6% so với năm 2023.

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dang-uy-bo-cong-thuong-dan-dat-cai-cach-kien-tao-moi-truong-kinh-doanh-410659.html