Đảng bộ Quảng Trị - 95 năm truyền thống vẻ vang. Bài 11: Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lập lại, lãnh đạo Nhân dân tiếp tục thực hiện hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng (1989 - 2000)
Sau 14 năm trong tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất, ngày 1/7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị có 5 đồng chí: Nguyễn Đức Hoan, Phan Chung, Nguyễn Bường, Lê Văn Hoan, Ngô Tứ Linh. Đồng chí Nguyễn Đức Hoan giữ chức Quyền Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Bường giữ chức Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lãnh đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 11/4/1991 của Tỉnh ủy về triệu tập Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 1991-1995 (vòng 1), từ ngày 18 đến ngày 20/4/1991, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 1991-1995 (vòng 1) được tổ chức. 210 đại biểu thuộc 12 đoàn đại biểu các huyện, thị và đảng bộ trực thuộc thay mặt cho 16.441 đảng viên trong tỉnh đến dự.
Đại hội đã bầu đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII gồm 15 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết.
Ngày 24/8/1991, tại thị xã Đông Hà, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (vòng 2) khai mạc. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 1991-1995 gồm 37 đồng chí. Tại phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Đức Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Phan Chung, Nguyễn Bường được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Vượt qua những thách thức, khó khăn về thiên tai, nhiệm kỳ 1996-2000 thực hiện Nghị quyết của Đảng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cơ chế quản lý, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước ổn định và có bước tăng trưởng. Bình quân 5 năm 1991-1995, tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm đạt 6%, năm cao nhất (1995) đạt 8,7%, nông nghiệp tăng 3,5%, sản lượng lương thực năm 1995 đạt 15,3 vạn tấn, vượt chỉ tiêu 0,3 vạn tấn; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 12%, thương mại - dịch vụ tăng 15%, tổng thu ngân sách tăng 36%, cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng được tăng cường.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật. Các thiết chế văn hóa quan trọng đã từng bước được hình thành, đáp ứng nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân các vùng, miền. Đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của Nhân dân chuyển biến tích cực, bộ mặt đô thị và một số nơi ở nông thôn miền núi, miền biển đã khởi sắc.
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo có nhiều tiến bộ. Các ngành học đều phát triển, số lượng học sinh tăng nhanh, tỉ lệ bỏ học giảm. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, công tác phòng bệnh được coi trọng. Các chương trình y tế quốc gia như tiêm chủng mở rộng, chống suy dinh dưỡng, phòng chống sốt rét, phong, bướu cổ đạt kết quả khá.
Chính sách xã hội và các hoạt động nhân đạo, từ thiện được các cấp, các ngành quan tâm hơn. Đã giải quyết tốt chế độ chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và các đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội.
Quốc phòng - an ninh được chú trọng. Đứng trước tình hình chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” trên nhiều lĩnh vực với những phương pháp và thủ đoạn mới, quán triệt quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, Đảng bộ Quảng Trị thường xuyên chăm lo việc giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và Nhân dân về hai nhiệm vụ chiến lược, về âm mưu “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc, về vị trí, nhiệm vụ của địa phương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hoạt động đối ngoại có nhiều đổi mới, tích cực và đạt hiệu quả. Hiệp định quy chế biên giới Việt-Lào được thực hiện nghiêm chỉnh. Ý thức bảo vệ đường biên giới, mốc giới của Nhân dân được nâng lên. Ý thức chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào ngày càng được củng cố, phát triển.
Công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng bộ máy chính quyền, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương được coi trọng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng, mang lại hiệu quả thiết thực.
Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lãnh đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII tiến hành từ ngày 7 đến ngày 9/5/1996 với 269 đại biểu, đại diện cho hơn 16 ngàn đảng viên của 14 đảng bộ trực thuộc trong toàn đảng bộ. Sau khi phân tích, đánh giá những thành tựu đạt được và những khuyết điểm, yếu kém của tỉnh trong hơn 5 năm qua, đại hội nêu rõ phương hướng và mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 1996-2000.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII gồm 47 đồng chí. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII họp phiên thứ nhất đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Đức Hoan được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Bường được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Đến ngày 18/7/2000, Bộ Chính trị ra Quyết định số 928-QĐ/NSTW, theo đó, đồng chí Nguyễn Đức Hoan thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Trành được cử làm Quyền Bí thư Tỉnh ủy.
Từ năm 1996-2000, tỉnh Quảng Trị đạt được nhiều kết quả nổi bật:
Trên lĩnh vực kinh tế: Tổng sản phẩm nội tỉnh tăng bình quân 5 năm 8,5%. Nhịp độ tăng trưởng về diện tích cây lương thực trong 5 năm là 0,35%. Tốc độ tăng trưởng bình quân về diện tích lúa thời kỳ 1996-2000 là 1,15%. Tốc độ tăng bình quân về sản lượng lương thực là 13,6%. Diện tích trồng rừng hằng năm đạt từ 4.000 - 5.000 ha. Đã trồng 24.300 ha rừng tập trung và 16 triệu cây phân tán, đưa độ che phủ rừng từ 23% lên 30%.
Chăn nuôi ổn định và có bước phát triển. Đến năm 2000, tổng đàn trâu, bò có 98.044 con, đàn lợn có 185.574 con và đã “nạc hóa” 75% tổng đàn.
Thủy sản có tiến bộ. Chương trình khai thác hải sản xa bờ được đẩy mạnh, tăng nhanh năng lực đánh bắt. Trong 5 năm, công suất tàu thuyền đã tăng từ 35.700 CV lên 41.800 CV. Sản lượng khai thác hải sản năm 2000 đạt 12.360 tấn.
Ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng, bước đầu phát huy được thế mạnh, giữ được nhịp độ tăng trưởng tương đối ổn định (13,6%), giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm 11,9%.
Xây dựng cơ bản và xây dựng hạ tầng cơ sở đạt được những kết quả quan trọng. Tổng số vốn đầu tư 5 năm đạt 1.935 tỉ đồng. Đến năm 2000, xây dựng được 16 trạm biến áp trung gian với dung lượng 72.776 KVA. Điện lưới quốc gia đã đến 115/136 xã phường, thị trấn, với trên 10 vạn hộ sử dụng điện, đạt 85,5%.
Hoạt động dịch vụ - thương mại đã phục vụ tốt hơn đời sống xã hội, mạng lưới hình thành rộng hơn, hàng hóa phong phú, lưu thông thông suốt. Nhịp độ tăng trưởng hằng năm đạt 14,4%. Hoạt động xuất nhập khẩu năng động, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm thực hiện hơn 80 triệu USD, năm 2000 đạt 21,4 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu 5 năm đạt hơn 70 triệu USD.
Lĩnh vực tài chính - ngân sách có những chuyển biến tích cực, công tác thu, chi có tiến bộ. Nguồn thu ngân sách hằng năm từ nội bộ nền kinh tế đều tăng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2000 đạt 254,4 tỉ đồng, 5 năm đạt 1.734 tỉ đồng, tăng 1.177 tỉ đồng so với 5 năm 1991-1995. Tổng chi ngân sách địa phương 5 năm đạt 1.570 tỉ đồng, nhịp độ tăng bình quân hằng năm là 17,1%.
Hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại có nhiều tiến bộ. Tổng số vốn đầu tư của các dự án vốn nước ngoài thực hiện trong năm 1998 khoảng 76 tỉ đồng, năm 1999 tăng lên gấp đôi. Năm 2000, khối lượng thực hiện khoảng 118 tỉ đồng. Khu Kinh tế -Thương mại Lao Bảo ngày càng sôi động, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, phát triển mối quan hệ với nước bạn Lào và các nước trong khu vực.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều thành tựu nổi bật: Từ 10 làng điểm đầu tiên, đến năm 2000 đã có 259 làng, bản, khu phố và đơn vị phát động xây dựng làng văn hóa. 92 làng được công nhận đạt chuẩn. Có 25.800 hộ đạt gia đình văn hóa, trên 50 ngàn hộ đã đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Đã phủ sóng phát thanh cho 124 xã, phường, thị trấn và sóng truyền hình cho 121/136 xã, phường, thị trấn. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ được thực hiện hiệu quả.
Năm 1996, Quảng Trị là tỉnh thứ 18/61 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ. Lĩnh vực y tế có nhiều chuyển biến. Số lượng bác sĩ tăng gấp 3 lần năm 1990. 100% thôn bản có nhân viên sức khỏe cộng đồng; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có nữ hộ sinh, 40% có bác sĩ.
Năm 2000, Bộ Y tế chính thức công nhận Quảng Trị là tỉnh thứ 14 trong cả nước thanh toán được bệnh phong theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Lĩnh vực thể dục - thể thao tiến bộ từng bước. Các chính sách xã hội được đẩy mạnh. Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước được thực hiện tốt.
Nhiệm vụ quốc phòng - an ninh đạt được những kết quả tích cực, từng bước đẩy lùi và làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, hoạt động của các loại tội phạm. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được Đảng, chính quyền các cấp chú trọng, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi phục vụ công cuộc đổi mới. Kết hợp với các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào “Ngày Biên phòng toàn dân”, nhiều địa phương đã đưa nội dung bảo vệ an ninh trật tự vào các hoạt động trong các địa bàn dân cư, từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ an ninh trật tự và quốc phòng.
Công tác xây dựng Đảng được các cấp ủy thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo nên đã tạo được những chuyển biến đáng kể trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng, những vấn đề lớn của đất nước được triển khai liên tục, rộng khắp.
Các Nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy được triển khai quán triệt đến các cấp, các ngành, đến đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu, con đường chủ nghĩa xã hội; đồng tình cao và kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Công tác tổ chức cán bộ, chính sách cán bộ được quan tâm đúng mức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã thu được kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng và là kênh nâng cao trình độ, kiến thức các mặt cho đội ngũ cán bộ các cấp. Công tác phát triển Đảng được chú trọng. Nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ được coi trọng trong tình hình mới.
Đảng bộ tỉnh đã tích cực chủ động, tiến hành đồng bộ, toàn diện các mặt công tác kiểm tra, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn kỷ luật của Đảng, làm trong sạch, lành mạnh tổ chức đảng và đảng viên. Trong 5 năm tiến hành kiểm tra 278 tổ chức đảng, phát hiện 52 tổ chức có vi phạm; xử lý kỷ luật 888 đồng chí, trong đó khai trừ khỏi Đảng 125 người. Giải quyết kịp thời hơn về đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
Thu Hà - Châu Minh
Bài 12: Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lãnh đạo xây dựng quê hương 25 năm đầu thế kỷ XXI (2000- 2020)